Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao - Những ngày tháng 3 năm 1988
Thấy tàu HQ 604 bị cháy, chìm, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chỉ huy cho tàu HQ 505 đang bốc lửa lao thẳng vào đảo Cô Lin tạo nên cột mốc chủ quyền. 5 chiến sĩ trên tàu bị thương nhưng lá cờ Tổ quốc đã hùng dũng bay trên đảo Cô Lin.
Tàu vận tải Đại Khánh HQ604 tham gia bảo vệ
đảo Len Đao-quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc bắn chìm ngày 14/3/1988.
Hôm nay ngày 14 tháng 3, ở nhiều nơi và trong mỗi lòng người con nước Việt tưởng nhớ, kỷ niệm tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh trong cuộc chiến bảo vệ đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao (thuộc Quần đảo Trường Sa) năm 1988.
28 năm đã trôi qua máu xương các anh đã hòa vào lòng biển, tạo nên những cột mốc chủ quyền trên biển Đông. Báo Đại Đoàn Kết xin giới thiệu bài viết của nhà báo Phương Yên - người đã có mặt cùng đoàn công tác của Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh ở quân cảng Cam Ranh trong những ngày tháng 3 năm 1988 đón những người lính trở về.
Trường Sa những ngày tháng 3 năm 1988
Ngày ấy, những người lính Trường Sa khó khăn lắm, các đảo phần lớn là đảo chìm, khi nào thủy triều xuống thì mới rời tàu xuống đảo “thả bộ” đôi chân lội trên bãi san hô còn xâm xấp nước. Thực phẩm chủ yếu là thịt hộp và thiếu đủ thứ… Quanh năm suốt tháng chỉ làm bạn với sóng biển và gió.
Trong đất liền, những năm đầu đổi mới, đất nước cũng đang gặp muôn vàn khó khăn, nhưng chính quyền và người dân không lúc nào không hướng về Trường Sa, Hoàng Sa. Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh đã liên tiếp phát động phong trào “Vì Trường Sa thân yêu”, “Hướng về Trường Sa bằng cả tấm lòng”… người dân thành phố, người ít người nhiều, gửi đến các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ giữ đảo những bao thuốc lá, kim chỉ, bộ tú lơ khơ, sách báo và những bức thư động viên thấm đẫm lòng người…
Lễ trao Huân chương Bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa năm 1988.
Đầu tháng 3 năm 1988, khi đoàn công tác của MTTQ đến căn cứ Cam Ranh thì đúng vào thời điểm tình hình ở khu vực quần đảo Trường Sa đang có những diễn biến căng thẳng. Thông tin tàu chiến của Trung Quốc xuất hiện ngày một nhiều hơn; Điện tín từ các đảo dồn dập báo về Sở chỉ huy. Thật may mắn, nhóm phóng viên chúng tôi theo đoàn công tác của MTTQ đã quyết định ở lại quân càng Cam Ranh và đã gặp những chiến sĩ trở về từ Gạc Ma sau trận chiến.
Vào những ngày đầu tháng 3/1988, Bộ Tư lệnh Trường Sa (căn cứ Cam Ranh) liên tiếp nhận được tin từ Sở chỉ huy cụm đảo Sinh Tồn báo về, có đến 9-10 tàu chiến của Trung Quốc, giả dạng tàu đánh cá, lởn vởn trinh sát các đảo Len Đao, Cô Lin, Gạc Ma…
Chiều ngày 11/3, tàu HQ 604 rời quân cảng Cam Ranh đưa vật liệu để xây dựng nhà cao chân trên đảo đá chìm Gạc Ma, trên tàu có cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146 và Trung đoàn Công binh 83 (E 83). Tàu HQ 605 đang làm nhiệm vụ ở đảo Đá Đông, tàu HQ 505 đưa công binh đến đảo Đá Lớn cũng nhận được lệnh từ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân ra bảo vệ đảo Cô Lin, Len Đao.
Theo kế hoạch thì rạng sáng ngày 14/3, tàu 505 do thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chỉ huy cập đảo chìm Cô Lin, tàu 605 do thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn cập đảo Len Đao và tàu 604 do thuyền trưởng Vũ Phi Trừ cập đảo Gạc Ma.
Bức điện tối mật và trận chiến quả cảm
Bức điện tối mật ngày 11/3/1988 do Phó đô đốc, Tư lệnh Hải quân kiêm Tư lệnh Vùng 4 Hải quân- Giáp Văn Cương ký gửi thuyền trưởng tàu vận tải 605- Lê Lệnh Sơn được trưng bày tại Nhà Truyền thống Hải quân Vùng 4:
Gửi đồng chí Sơn- Thuyền trưởng HQ 605.
Tư lệnh hải quân lệnh:
1- Đúng 6 giờ ngày N phải chiếm Len Đao.
2- Sẽ có tàu chở hàng và nhà tới sau.
3-Quy định: Khi nào nhận điện “Tiếp tế Sinh Tồn T42” thì ngay lập tức chiếm lĩnh Len Đao; 11 giờ ngày 13.3 có mặt tại Tốc Tan, cập mạn tàu Đại Lãnh gặp đồng chí Cai- Lữ phó 146 nhận nhiệm vụ cụ thể. Gạc Ma là điểm A, Cô Lin là điểm B, Len Đao là điểm C. (ngày N là ngày 14.3.1988).
Chiều tối ngày 13/3, hai tàu HQ 604 và 505 đã tiếp cận đảo Gạc Ma và Cô Lin, riêng tàu 605 phải đến rạng sáng ngày 14 mới tiếp cận được đảo Len Đao.
Sau trận chiến anh dũng 4 chiến sĩ - những người con quả cảm may mắn thoát khỏi mưa đạn của quân thù trở về từ Trường Sa gồm Lê Hữu Thảo, Hoàng Văn Chúc (Lữ đoàn 146), thủy thủ Đoàn Hữu Tuấn, Nguyễn Hữu Dòng và Nguyễn Xuân Quý (Lữ đoàn vận tải 125), kể lại khi đặt chân lên quân càng Cam Ranh:
“…16h20 ngày 13/3, tàu 604 đã đến địa điểm thả neo cách đảo Gạc Ma chừng 100 mét. Những tàu khu trục của Trung Quốc luôn bám sát tàu HQ 604. Khi cách tàu HQ 604 chừng 150 mét, chúng bắc loa nói bằng tiếng Việt, yêu cầu bộ đội Việt Nam rời khỏi cụm đảo này, vì đó là lãnh thổ của Trung Quốc. Trước tình hình áp đảo của địch, Trung tá Trần Đức Thông- Lữ đoàn phó Lữ 146 yêu cầu anh em trên tàu bình tĩnh, sinh hoạt bình thường, không khiêu khích kẻ thù, không được nổ súng khi chưa có lệnh. Cả đêm hôm đó, cán bộ, chiến sĩ trên tàu 604 không một ai chợp mắt.
Rạng sáng ngày 14/3, tổ bảo vệ cờ của Lữ đoàn 146 gồm 5 người: Thiếu úy Trần Văn Phương cùng đồng đội là Nguyễn Mậu Phong, Đậu Xuân Tư, Lê Hữu Thảo và Hoàng Văn Chúc, rời tàu 604 xuống xuồng đưa cờ vào đảo Gạc Ma để cắm. Vì đảo san hô chìm, nên tổ cắm cờ phải dàn hàng để chuyển cờ đến vị trí. Cùng thời điểm đó, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn công binh 83 cũng vận chuyển vật liệu đưa xuống xuồng vào đảo Gạc Ma để làm nhà cao chân.
Lập tức xuất hiện 4 xuồng máy của Trung Quốc, chở khoảng hơn 50 lính, có vũ khí cũng đã tiếp cận đảo, dàn hàng ngang tiến về phía tổ bảo vệ cờ. Thấy tổ bảo vệ cờ bị uy hiếp, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Công binh vội vã tiến về chỗ tổ bảo vệ cờ. Cuộc chiến giáp lá cà không cân sức trên biển diễn ra. Địch nổ súng bắn thẳng vào Thiếu úy Trần Văn Phương, Nguyễn Mậu Phong và Đậu Xuân Tư. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh ( E 83) thấy địch bắn Thiếu úy Phương đã xông lên liền bị địch đâm trọng thương.
Cùng lúc, tàu khu trục của Trung Quốc nã pháo vào tàu HQ 604, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ và Đại tá Trần Đức Thông chỉ huy các chiến sĩ bắn trả quyết liệt, tuy nhiên tàu HQ 604 chìm nhanh do trúng pháo.
Lễ truy điệu các chiến sỹ tham gia bảo vệ chủ quyền
trên quần đảo Trường Sa trong sự kiện 14/3/1988. Ảnh chụp trong Lễ trụy điệu tại cảng Cam Ranh.
Những cột mốc chủ quyền
Tàu HQ 505 và HQ 605 cũng bị các tàu Trung Quốc tấn công. Thấy tàu HQ 604 bị cháy, chìm, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chỉ huy cho tàu HQ 505 đang bốc lửa lao thẳng vào đảo Cô Lin tạo nên cột mốc chủ quyền. 5 chiến sĩ trên tàu bị thương nhưng lá cờ Tổ quốc đã hùng dũng bay trên đảo Cô Lin.
Còn tàu HQ 605 vừa thả neo, thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn ra lệnh cho tổ cắm cờ rời tàu lên đảo Len Đao để cắm cờ. Khi thấy cờ của ta cắm trên đảo, các tàu Trung Quốc lập tức bao vây, phát loa yêu cầu tàu HQ 605 rời vị trí thả neo.
Đại úy, thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn kể: Trong khi tàu của ta là tàu vận tải nhỏ, chuyên chở vật liệu xây dựng đảo, trên tàu chỉ có 18 sĩ quan, chiến sĩ, tàu không có hỏa lực tác chiến hải quân, chỉ trang bị vũ khí nhẹ, trong khi tàu Trung Quốc là tàu khu trục, có trang bị cả tên lửa… Tàu HQ 605 cũng phát loa khẳng định chủ quyền trên đảo Len Đao, yêu cầu tàu Trung Quốc rút lui.
Trước tình thế bị tàu địch áp đảo, thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn chỉ huy anh em ở các vị trí sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền đảo. Bất ngờ, tàu Trung Quốc lùi xa, tiếng đạn, pháo nổ ở Gạc Ma, Cô Lin dồn dập, hai tàu HQ 505 và HQ 604 bốc cháy, thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn nhanh chóng quyết định cho tàu lao lên thềm đảo Len Đao, nếu có bị địch bắn thì vẫn khẳng định được chủ quyền của ta trên đảo.
Tuy nhiên, máy tàu bị trục trặc, tàu Trung Quốc sau khi bắn cháy tàu HQ 505 và HQ 604 liền quay sang tấn công tàu HQ 605- lúc đó là 8 giờ kém 10. Tàu cháy, thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn lệnh cho cán bộ, chiến sĩ rời tàu để hạn chế thương vong. Nhưng trong cuộc chiến không cân sức này, 6 sĩ quan, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh khi bảo vệ chủ quyền đảo Len Đao.
64 chiến sĩ đã anh dũng hi sinh trong cuộc chiến bi hùng bảo vệ đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Tổ quốc. 28 năm đã trôi qua, máu xương các anh đã hòa vào lòng biển, tạo nên những cột mốc chủ quyền nhắc nhở các thế hệ mai sau. Những đồng chí, đồng đội- những người may mắn trở về sau trận chiến bi hùng của các anh vẫn đang ngày đêm nhắc lại dòng lịch sử, những bài học lịch sử, không ai được phép lãng quên.
Những đền đài tưởng niệm uy nghi đang được dựng lên, triệu tấm lòng cùng hướng về các anh, góp sức, chung tay sửa những mái nhà, để các mẹ, các cha, những người vợ của các anh không hiu quạnh lúc tuổi già. Để dòng lịch sử- những cuộc chiến đấu anh hùng bảo vệ biển đảo quê hương luôn nhắc nhở các thế hệ mai sau.
Phương Yên