Quỹ bảo lãnh tín dụng 'ngồi không'
Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ ra đời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay. Tuy nhiên, mấy chục quỹ này đang “án binh bất động” bởi nhiều quy định siết chặt.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần vốn tín dụng để xoay vòng đầu tư.
Doanh nghiệp cần vốn, quỹ không thể cho vay
“Hiện nay cả nước có 27 quỹ bảo lãnh ở các tỉnh thành đang trong tình trạng “ngồi không”. Đó là nhận định từ thực tế của ông Trần Bửu Long - Phó Giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) TP HCM về quỹ bảo lãnh tín dụng cả nước nói chungvà TP HCM nói riêng. Thấy rõ tình hình khó khăn về nguồn vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), năm 2001 Chính phủ ban hành quy chế thành lập các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNVVN. Đến nay cả nước có khoảng 27 quỹ bảo lãnh tín dụng ở các tỉnh – thành. Tuy nhiên một thực tế khá buồn, quỹ được thành lập nhưng gần như không hoạt động. Đại diện Quỹ Bảo lãnh tín dụng TP HCM cho biết, thành phố có hơn 266 ngàn doanh nghiệp, trong đó DNVVN áp đảo với tỷ lệ 96%. Do số lượng DNVVN chiếm tỷ lệ cao nên nhu cầu vay vốn đầu tư của DNVVN trên địa bàn rất lớn song Quỹ không đáp ứng được nhu cầu về nguồn vốn cho doanh nghiệp. Đơn cử, tổng nhu cầu vay vốn bình quân năm 2009 – 2013 là 1.256 tỷ đồng nhưng bảo lãnh được khoảng 524 tỷ đồng. Năm 2014 – 2015 nhu cầu vay vốn bình quân của DNVVN trên địa bàn là 1.347 tỷ đồng, thế nhưng Quỹ bảo lãnh giải ngân với mức khá khiêm tốn 31 tỷ đồng. DNVVN tìm đến quỹ rất nhiều nhưng quỹ lại không đáp ứng được yêu cầu DN. Bất cập này đến nay chưa được tháo gỡ.
Nhận định từ hoạt động thực tế, đại diện Quỹ bảo lãnh tín dụng DNVVN TP HCM khẳng định, Quỹ Bảo lãnh này gần như “bất động” vì quá nhiều vướng mắc, bất cập trong quy định hạn chế điều kiện phát triển của quỹ. Cụ thể, muốn vay vốn từ Quỹ này phải có tài sản thế chấp bằng 30% khoản vay. Quy định này không thực tế vì đã có tài sản thế chấp DN không cần tìm đến quỹ cho mất thời gian và chi phí. Hơn nữa, lãi suất các khoản vay bảo lãnh tín dụng cao hơn so với các khoản vay thế chấp thông thường. Ông Hoàng Công Gia Khánh – Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Luật nêu bất cập: Các ngân hàng chưa coi những khoản vay bảo lãnh giống như khoản vay có thế chấp tài sản. Cho nên, quỹ đứng ra bảo lãnh thì ngân hàng vẫn tính lãi suất cao hơn do DN phải chịu thêm phí bảo lãnh. Điều này gia tăng rủi ro, đồng thời cố tình gây khó khăn cho DN. Bất cập trong quy định hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng còn thể hiện ở chỗ, ngân hàng được hưởng lợi nhiều từ lãi suất cho vay cao. Ngược lại, nếu DN bị nợ xấu mất khả năng chi trả thì quỹ phải chịu trách nhiệm.
Hiệp hội cũng chịu thua
27 Quỹ bảo lãnh tín dụng trên cả nước được thành lập nhằm giải quyết nguồn vốn cho DN nhưng quỹ lại không thực hiện được trọng trách trên. Ông Nguyễn Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM cho biết: Ở các nước, nhiều hiệp hội đứng ra bảo lãnh cho DN được nhưng Việt Nam chưa làm được việc này. Hiện ngân hàng không an tâm với quỹ vì sợ rủi ro lớn do khó đòi tiền khi doanh nghiệp làm ăn thất bại. Chúng ta phải hiểu rõ, khi bảo lãnh cho một DN tức là giúp họ tạo ra nhiều công ăn việc làm, đóng thuế cho nhà nước,… Theo ông, có nhiều nguyên nhân khiến quỹ bảo lãnh hoạt động chưa hiệu quả. Thứ nhất là nhiều người chưa biết quỹ này. Thứ hai, chưa có niềm tin tưởng lẫn nhau. Liên quan đến thắc mắc, tại sao hiệp hội các nước có thể bảo lãnh để DN dễ dàng tiếp cận dễ nguồn vốn, bà Nguyễn Thị Bích Nguyệt - Trưởng đại diện phía Nam Hiệp hội quỹ tín dụng nhân dân phân tích, hiệp hội của các nước có thể đứng ra bảo lãnh DN vì mô hình hiệp hội của họ hoạt động rất tốt. Các nước không thu thuế thu nhập doanh nghiệp. DN đóng góp cho hiệp hội, cho nên hiệp hội có phí để hoạt động tốt. Từ đó, ngân hàngcó thể tin tưởng vào sự bảo lãnh của hiệp hội.
Mong muốn quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động tốt để cộng đồng DNVVN không thiếu thốn nguồn vốn bà Nguyễn Thị Bích Nguyệt cho rằng, tìm cách kết nối đồng bộ giữa Hiệp hội, cơ quan bảo hiểm và quỹ bảo lãnh thì mới giải quyết được vấn đề. Chứ chỉ có mình quỹ đứng ra “chịu trận” thì không ổn. Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM ông Hưng khẳng định, cần có một chỉ đạo cụ thể của Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ vướng mắc này. “Nhà nước cần ban hành tiêu chuẩn thấp hơn cho các DN tìm đến quỹ tín dụng. Đồng thời, yêu cầu ngân hàng cùng chung vai gánh rủi ro với quỹ. Có như vậy DN mới tiếp cận được vốn và quỹ mới mạnh dạn hoạt động” - ông Hoàng Công Gia Khánh nói.