Qui hoạch làng cổ Đường Lâm: Sẽ có 20 mẫu nhà để người dân lựa chọn
Sau 2 năm triển khai “Qui hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Làng cổ Đường Lâm”, mới đây Bộ VH-TT&DL đã có Công văn gửi Sở VH-TT Hà Nội về việc thỏa thuận “Hồ sơ nghiên cứu mẫu nhà phù hợp với mục tiêu bảo tồn di tích làng cổ Đường Lâm”. Cùng với việc triển khai dự án Tu bổ, tôn tạo 10 ngôi nhà cổ tại xã Đường Lâm giai đoạn 2016 – 2018, việc thống nhất về mẫu nhà cổ trong quá trình tu bổ đang được xem là động thái tích cực của các cơ quan quản lý trong việc tìm tiếng nói chung
Có 20 mẫu nhà để người dân lựa chọn xây dựng tại làng cổ Đường Lâm.
Ì ạch mẫu nhà vùng di sản
Người Đường Lâm được Theo “Qui hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Làng cổ Đường Lâm” được triển khai vào tháng 3-2014 gồm 7 nội dung chính: qui hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích; qui hoạch tổng hợp mặt bằng sử dụng đất; qui hoạch tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị; qui hoạch hệ thống hạ tầng; phân kỳ đầu tư; tổ chức hoạt động du lịch; qui định quản lý. Tuy nhiên, thực tế trong suốt 2 năm triển khai qui hoạch nói trên, nhiều khúc mắc giữa người dân làng cổ với cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa thực sự được giải quyết cho ổn thỏa.
Ngoài việc người dân Đường Lâm xin trả lại danh hiệu danh hiệu “Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia làng cổ Đường Lâm” vào năm 2013, thì băn khoăn của cộng đồng chủ yếu nằm ở nội dung: nhà ở của họ trong khu vực bảo vệ của làng cổ sẽ được xây dựng thế nào, cao bao nhiêu, có cho phép sửa chữa hay không? Nhất là với người dân thôn Mông Phụ nằm trong vùng bảo vệ khu vực cấp I… Đặc biệt, đã từng có ý kiến cho rằng, khu vực này sẽ giữ nguyên để phục vụ công tác bảo tồn. Theo ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm, có nhiều lý do trước đó khiến việc cấp phép xây dựng tại Đường Lâm chưa thể thực hiện, trong đó lý do chính là do hầu hết diện tích đất của các hộ đều hẹp, thiếu chỗ ở, nhà ở và công trình phụ trợ xuống cấp. Do vậy, nếu cấp phép theo qui hoạch thì hầu hết các hộ không bảo đảm điều kiện được xây dựng. Cũng theo ông Sơn, trước đó do việc thiết kế xây dựng nhà mẫu tại làng cổ chưa hoàn thiện; dự án đầu tư xây dựng khu giãn dân phục vụ bảo tồn Làng cổ Đường Lâm chưa hoàn thành; các điều kiện và cơ chế hỗ trợ đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ chưa được triển khai… cũng là lý do khiến việc cấp phép xây dựng tại Đường Lâm chưa thể thực hiện được…
Làng cổ Đường Lâm.
Lấy ý kiến người dân trước khi triển khai
Theo “Hồ sơ nghiên cứu mẫu nhà phù hợp với mục tiêu bảo tồn di tích làng cổ Đường Lâm, TP Hà Nội” đã đề xuất, có 20 mẫu nhà chính, một số mẫu nhà phụ, cổng, tường bao và một số chi tiết kiến trúc trên các công trình.
Cụ thể, với mục tiêu bảo tồn di tích làng cổ Đường Lâm, các mẫu nhà trong khu vực bảo vệ I của di tích cao không quá 7,5m; nghiên cứu, thay thế ngói mũi bằng ngói phẳng (ngói vảy cá...) để phù hợp với loại ngói thường lợp trên mái nhà ở dân gian truyền thống; không sơn nước tường, thay bằng quét vôi màu vàng nhạt. Tại khu vực bảo vệ cấp II gồm các thôn: Đông Sàng, Cam Thịnh, Cam Lâm, Đoài Giáp, gồm chủ yếu các công trình xây dựng một hoặc hai tầng. Tại một số vị trí có thể cho phép xây ba tầng, mái lợp ngói, chiều cao từ mặt sân đến đỉnh mái không quá 10,65 m. Nhà được xây dựng bằng những vật liệu truyền thống. Tùy từng vị trí, đặc điểm thửa đất, diện tích xây dựng, các hộ dân sinh sống ở Làng cổ Đường Lâm có thể lựa chọn một mẫu nhà để xây dựng nhà ở.
Để có được tiếng nói chung giữa người dân làng cổ và cơ quan quản lý, trước đó UBND thị xã Sơn Tây đã phối hợp cùng Sở VH-TT Hà Nội tổ chức nhiều đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân sống trong khu vực di tích và ý kiến của các nhà khoa học, quản lý để hoàn chỉnh qui hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản và qui hoạch giãn dân. Cùng với đó, BQL di tích Làng cổ Đường Lâm cũng đã tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích và trách nhiệm của việc giữ gìn và phát huy giá trị của di sản, đồng thời phải sớm thực hiện các giải pháp khắc phục những khó khăn và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân sống trong khu vực di tích.
Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản làng cổ Đường Lâm thuận lợi, mới đây Bộ VH-TT&DL cũng đã có văn bản đánh giá: “Hồ sơ nghiên cứu mẫu nhà phù hợp với mục tiêu bảo tồn di tích làng cổ Đường Lâm”, phù hợp với “Qui hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm” đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt. Theo đó, Bộ VH-TT&DL cơ bản thống nhất với các mẫu nhà trong hồ sơ, chỉ đề nghị Sở VH&TT Hà Nội nghiên cứu chỉnh sửa một số chi tiết cho phù hợp hơn. Và để tăng tính khả thi, Bộ VH-TT&DL yêu cầu Sở VH-TT Hà Nội hướng dẫn UBND thị xã Sơn Tây sớm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ; tổ chức lấy ý kiến nhân dân xã Đường Lâm về các mẫu nhà trước khi triển khai các bước tiếp theo.
Gần đây nhất hồi tháng 1/2016, BQL Di tích làng cổ Đường Lâm và Hội đồng vùng Ile-de-France (Pháp) cũng đã tiến hành ký kết chương trình hợp tác. Theo đó, hai bên đã thống nhất triển khai các nội dung hợp tác nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ ở Đường Lâm gồm: tiếp tục nghiên cứu về không gian bảo tồn làng cổ ở Đường Lâm; nghiên cứu về hệ thống biển bảng chỉ dẫn; nghiên cứu vị trí làm trung tâm du lịch của làng cổ ở Đường Lâm; hỗ trợ đào tạo đội ngũ thuyết minh viên và hướng dẫn viên du lịch; phối hợp tổ chức các cuộc hội thảo về bảo tồn và phát triển du lịch cộng đồng nhằm mang lại lợi ích cho người dân sống tại di tích làng cổ Đường Lâm…
Với tất cả những nỗ lực của cơ quan hữu trách xung quanh vấn đề qui hoạch làng cổ Đường Lâm, hi vọng quá trình đi tìm tiếng nói chung giữa nhà quản lý và cộng đồng đang dần được rút ngắn về khoảng cách. Dù đây chỉ là những bước khởi đầu trong một hành trình dài (Qui hoach bảo tồn kéo dài từ 2014 - 2020), nhưng sau 2 năm “giậm chân tại chỗ”, việc đưa ra được mẫu nhà để người dân lựa chọn cũng đã là một tín hiệu vui.