Siết chặt quản lý trẻ sơ sinh
Nhà Hộ sinh quận Đống Đa, TP Hà Nội, nơi mà các nữ hộ sinh năm xưa đã từng đón bao đứa trẻ, trong đó có chị Lê Thanh Hiền, người bị lạc mẹ 29 năm qua kể từ lúc mới lọt lòng được báo Đại Đoàn Kết phản ánh tại số ra ngày 14/3 vừa qua.
Đánh số mẹ và bé ngay sau khi sinh tại BV Phụ sản Hà Nội.
Xưa chẳng biết nhà hộ sinh này hiện diện ra sao, chỉ biết nay rất khang trang nằm sâu trong con ngõ Thổ Quan, Khâm Thiên, Hà Nội. Khi nhắc đến trường hợp người mẹ sinh con bị thất lạc ở đây, một chị không cho biết tên, tự xưng là bác sĩ, đã từng công tác ở nhà hộ sinh này từ năm 1985, tức là từ trước lúc bà Hoa, mẹ chị Hiền, đến đẻ ở đây, nói: “Ngày ấy, ở đây có lúc cao điểm đón và nuôi dưỡng đến cả trăm cháu, chỉ được ghi số đánh dấu bằng mực tím có nitrat bạc. Một ca có khi chỉ có hai người trực, cứ việc thay tã lót cũng đủ chóng mặt. Phải đánh kẻng gọi các mẹ vào cho con bú…”. Rồi người bác sĩ này chốt: Vậy nên sự nhầm lẫn hoàn toàn có thể xảy ra. Cho đến khi phát hiện ra sự nhầm lẫn này, từ năm 2013 đến nay, được biết mẹ con chị Hiền đã đến Nhà hộ sinh này rất nhiều lần đề nghị xin được trích lục hồ sơ những cặp mẹ - con sinh cùng thời điểm với mình (ngày 12/12/1987). Đó là danh sách 6 người sinh con từ đêm 11 và 12/12 năm đó. “Tôi được điều về đây sau khi sự việc này xảy ra và từ lâu, đã khuyên bảo chị Hiền nên cho đăng báo vụ việc mới có thể tìm ra người mẹ đích thực của mình nhưng chị ấy không nghe…” - từ đầu điện thoại bên kia, Bác sĩ Diệu Hường, Trưởng Nhà hộ sinh quận Đống Đa trần tình.
Ngày 14/3, phóng viên báo Đại Đoàn Kết tiếp cận các BV Phụ sản Trung ương và Hà Nội và được biết từ rất lâu rồi, các BV này bỏ cách đánh dấu trẻ sơ sinh bằng mực tím có nitrat bạc. Tại BV Phụ sản Trung ương, Điều dưỡng trưởng Khoa Đẻ Phó Thị Quỳnh Châu cho hay, cứ mỗi khi có ca sản phụ nào sinh con, các bác sĩ, điều dưỡng ở đây phải ngay lập tức đeo cho cả mẹ lẫn con mỗi người một chiếc vòng nhựa có nút bấm không thể tháo rời ra được mà cho đến khi xuất viện, nó mới được người mẹ dùng kéo cắt đứt mới tháo ra được. Trên những chiếc vòng đó quy định: Màu hồng bé gái, màu xanh bé trai, vòng mẹ to, vòng con nhỏ, mỗi chiếc được điền đầy đủ những thông tin các nhân như số trẻ, tên mẹ, tên con (nếu có), ngày sinh… bằng bút có mực không xóa. “Như vậy, những đứa trẻ được sinh ra không bao giờ có thể bị nhầm lẫn mẹ của chúng được” - Điều dưỡng Châu khẳng định.
Tại BV Phụ sản Hà Nội, chị Trương Thị Mỹ Hà, Điều dưỡng trưởng BV cho biết, mỗi đứa trẻ được sinh ở đây được mang trên mình một mã số, được ghi trên một tấm thẻ bằng nhựa, đeo vào cổ bằng một chiếc dây gai ngay từ khi mới lọt lòng. Số này tương ứng với số được đeo vào cổ tay người mẹ tương ứng. Việc đánh số này chỉ do một người thực hiện và chịu trách nhiệm tại khu vực đón mổ. Khi đỡ đẻ, người có trách nhiệm đọc to giờ sinh, công khai giới tính, số mẹ - con trước khi đánh dấu vào hồ sơ bệnh án. Việc thông báo này phải công khai và cho gia đình sản phụ kiểm tra khớp với hồ sơ bệnh án và trẻ sơ sinh phải được bàn giao cụ thể giữa cán bộ y tế với sản phụ hoặc người nhà sản phụ trước khi xuất viện. Để tránh nhầm lẫn, các điều dưỡng phải chuẩn bị đầy đủ các cặp số đánh dấu sơ sinh cho mẹ và con giống nhau. Phải đeo số cho mẹ và con theo từng cặp ngay tại bàn đỡ đẻ, bàn đón mổ. “Với những quy định hết sức nghiêm ngặt này, các bà mẹ có thể hoàn toàn yên tâm khi đến đây nhờ vượt cạn” - Điều dưỡng trưởng BV Phụ sản Hà Nội Trương Thị Mỹ Hà khẳng định. Chị cho biết, sau tháng 3 này, BV Phụ sản Hà Nội cũng bắt đầu thực hiện đeo vòng nhựa giống như ở BV Phụ sản Trung ương nói trên.
Việc đánh số như vậy, theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, cũng sẽ được quán triệt thực hiện tại tất cả các đơn vị có chuyên khoa sản trên toàn thành phố để từ nay về sau không thể xảy ra những sự việc đáng tiếc như mấy ngày qua báo chí đưa tin. Được biết, chiều qua, Sở Y tế đã triệu tập lãnh đạo các nhà hộ sinh cũng như các cơ sở y tế có khoa, phòng sản phụ của TP Hà Nội lên để làm rõ vụ việc và quán triệt tinh thần, thái độ, chất lượng dịch vụ đỡ đẻ từ nay về sau.