15 năm Công viên phần mềm Quang Trung
Là mô hình đầu tiên trên cả nước, Công viên phần mềm (CVPM) Quang Trung TP HCM được xây dựng thành công, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước trong xây dựng nền kinh tế tri thức, đón đầu xu thế phát triển của thế giới. Đó chính là sản phẩm của tinh thần quyết liệt, dám đương đầu với thử thách, khó khăn, không chùn bước.
Ông Nguyễn Thiện Nhân thăm phòng lab viễn thông TMA năm 2009.
Bài 1: Sản phẩm của tầm nhìn và tinh thần quyết liệt
Ra đời năm 2000, CVPM Quang Trung giờ đây đã mang vóc dáng của một chàng thanh niên có đủ những điều kiện và phẩm chất tốt nhất để cất cánh cùng TP.HCM, đặc biệt góp phần cụ thể hóa việc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT.
Sứ mệnh tiên phong
TP HCM được xác định là nơi hội tụ nhiều điều kiện để đi trước cả nước trong lĩnh vực xây dựng nền kinh tế tri thức, được Đảng và Chính phủ quan tâm ủng hộ, từ các Đại hội 7, 8, 9 và 10 của Đảng bộ TP thì CNTT luôn được xác định là 1 trong 4 ngành công nghiệp và 1 trong 9 lĩnh vực dịch vụ ưu tiên phát triển. Đây là một trong 12 chương trình, công trình trọng điểm của TP giai đoạn 2001-2005.
Ý tưởng hình thành từ năm 1998, khi đó lãnh đạo TP HCM đã ấp ủ phát triển một khu công nghệ cao (CNC) nên TP đã dành hẳn một khu đất rất rộng ở quận 12 để phát triển. Qua những phiên thảo luận, tranh luận, cuối cùng TP chọn ngành CNTT là ngành phải đi trước một bước. Trong khi CNTT phải đầu tư rất lớn mà thị trường lại tiềm ẩn rủi ro cao nên TP quyết định chọn đầu tư mạnh vào lĩnh vực phần mềm, vì đó chính là phân khúc quan trọng của CNC và chính là lợi thế được phát huy khi tận dụng được sức sáng tạo to lớn của người Việt Nam.
Nhớ về 15 năm trước, ông Chu Tiến Dũng - Giám đốc đầu tiên của CVPM Quang Trung, kể lại: người đề xuất mô hình này với Thường trực Thành ủy, UBND TP HCM là ông Nguyễn Thiện Nhân, lúc đó ông đang là Phó Chủ tịch UBND TP.HCM. Với tinh thần chỉ đạo các Sở, ngành trong tất cả các cuộc họp đó là tập trung triển khai công việc phải đồng bộ, dựa trên những thế mạnh của TP với nguyên tắc làm tới đâu, chắc tới đó, đặc biệt ông luôn yêu cầu không bao giờ than khó khăn, nản chí để bàn lùi vì đây là mô hình đầu tiên, chưa địa phương nào triển khai trên toàn quốc nên chưa thể có địa chỉ để học tập, rút kinh nghiệm. Đối với người dân TP.HCM hay với chúng tôi, những người được trực tiếp thụ hưởng kết quả của sự thành công của CVPM Quang Trung ngày hôm nay sẽ không bao giờ quên được tinh thần và hình ảnh đó.
Cùng với lịch làm việc, giao ban liên tục với cường độ cao với các Sở, ngành liên quan, ông Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng đoàn khảo sát của TP và các chuyên gia đi tìm hiểu, nghiên cứu tại các nước Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia,… những nước có nền công nghệ phát triển và nhiều điểm tương đồng với Việt Nam để tìm hiểu xem mô hình nào phù hợp với mình nhất, tìm hiểu cách thức thực hiện của các nước bạn. Sau khi tìm hiểu rất kỹ, ông Nguyễn Thiện Nhân cùng các cộng sự, bắt tay vào viết đề án, trình Thường trực Thành ủy, UBND Thành phố với thời gian rất ngắn.
Mô hình CVPM Quang Trung được ra đời trên cơ sở nghiên cứu, học hỏi các bài học phát triển tại các nước châu Á và một số nước tiên tiến khác nhằm tạo ra một số điểm mạnh về lợi thế cạnh tranh so sánh trong khu vực và quốc tế để thu hút đầu tư nước ngoài, kết hợp các nguồn nhân lực tài năng trong nước, phát huy vai trò đóng góp của lực lượng Việt kiều làm việc tại các quốc gia phát triển. Từ đó, Ban chỉ đạo xây dựng CVPM Quang Trung đã xác định việc xây dựng CVPM Quang Trung dựa vào phát triển các trụ cột chính như: Cung ứng cơ sở hạ tầng và dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai trong việc nghiên cứu, phát triển, sản xuất và xuất khẩu phần mềm; Liên tục nuôi dưỡng và hình thành các công ty phần mềm mới, đào tạo các chuyên viên phần mềm và nhà quản lý DN, đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước; Cung ứng môi trường làm việc, sinh hoạt trình độ cao và có khả năng thích nghi cho các chuyên viên phần mềm, có thể làm việc và sinh hoạt 24 giờ mỗi ngày; Hội tụ về chất lượng đào tạo CNTT với các chứng chỉ và bằng cấp tiêu chuẩn quốc tế. Thành lập Viện nghiên cứu Toán – Lý – Tin; Khuyến khích đầu tư của Việt kiều bằng nhiều chính sách ưu đãi; Khai thác sự hợp tác giữa nhà nước – tư nhân, và hợp tác quốc tế.
Cơ sở hạ tầng của CVPM Quang Trung được xây dựng ngày càng đồng bộ và hiệu quả.
Vượt qua khó khăn chồng chất
Theo ông Chu Tiến Dũng, khi mới ra đời CVPM Quang Trung đối diện với hàng loạt những khó khăn, thử thách. Khi bắt tay vào thực hiện, lĩnh vực CNTT chỉ đang ở dạng tiềm năng, số lượng các DN cả nước làm về lĩnh vực này rất hiếm, trong khi lao động làm CNTT cả nước cũng chỉ vài trăm người, các trường đại học chưa tập trung đào tạo vào lĩnh vực này. Đi cùng với nó là uy tín, thương hiệu, các đối tác thị trường thế giới nghĩ về Việt Nam về lĩnh vực CNTT chưa bao giờ có. Ngành này đòi hỏi về mặt hạ tầng như viễn thông, internet tốc độ cao, cơ sở vật chất triển khai phải đủ mạnh nhưng hầu như chưa có gì đáng kể.
Ông Dũng tâm sự: Ngay cả việc thành phố chọn đặt CVPM Quang Trung ở quận 12, một địa chỉ xa trung tâm TP, lúc đó quận vừa mới được đưa vào quận nội thành, nhưng bản chất vẫn là ngoại thành, vẫn giống nông thôn hơn thành phố, nên thiếu thốn hầu hết các dịch vụ cần thiết để phục vụ cho phát triển, trong khi giao thông khó khăn, ngập lụt xảy ra thường xuyên… Đã có không ít người, DN sau khai trương được vài tháng đã không thể trụ nổi, phải rút lui. Chính vì lẽ đó, người dân thành phố đã có lúc nghi ngờ vào thành công của mô hình này.
Ngày đó, CNTT đặc biệt là CNTT trình độ cao với mọi người dường như còn quá xa lạ, thiếu thốn từ nhân lực quản lý cho đến những người trực tiếp thực hiện. Công ty Phát triển CVPM Quang Trung ngày đó được hình thành từ Công ty Hội chợ triển lãm Sài Gòn, một đơn vị trong tình trạng rất èo uột, thua lỗ kéo dài…
Trước những chồng chất khó khăn trên, các ủy viên Ban Chỉ đạo xây dựng CVPM Quang Trung do Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng Ban đã dành nhiều thời gian để giao ban với các Sở, ngành trên tinh thần vướng đâu gỡ đó.
“Hầu như buổi chiều nào cũng thảo luận về vấn đề này rất sôi nổi, cứ đến thứ Sáu hàng tuần đều họp Ban Chỉ đạo để giải quyết tất cả các vướng mắc ngay tại bàn làm việc. Cách giải quyết thủ tục hành chính rất nhanh gọn, với tinh thần không chờ đợi, không ỉ lại, thấy đúng là làm. Tinh thần làm việc đó đến ngày hôm nay các đồng chí trong Ban chỉ đạo vẫn xem ngày thứ Sáu như một “Ngày truyền thống, ngày lịch sử”. Nhờ vậy mà những quyết sách được đưa ra nhanh chóng và giải quyết gọn gàng như: dồn sức giải phóng các tuyến đường, cầu cống, bố trí xe buýt đưa đón cán bộ, công nhân viên, giải quyết vấn đề Internet, chủ động hệ thống viễn thông; thực hiện nhanh các chính sách đặc biệt để tập hợp được các chuyên gia, các DN trong và ngoài nước đến làm việc… đó là những quyết định khá xa lạ với thành phố mà từ trước chưa bao giờ có”- ông Dũng tâm sự.
Với hàng loạt những quyết định phù hợp đã tạo sự chuyển biến rất lớn đối với niềm tin của mọi người, đó là từ suy nghĩ không tin trở thành niềm tin vào sự thành công. Đặc biệt với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đối với họ, đầu tư vào lĩnh vực này cũng rất nhiều rủi ro, tiền bỏ ra không có cơ sở hay thiếu khả thi là họ cân nhắc. Khi triển khai công việc cứ hễ có khó khăn là họ xin liên hệ trực tiếp với đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thiện Nhân, bằng tinh thần lắng nghe, đặt mình như vị trí của doanh nghiệp, đại đa số những vướng mắc, phát sinh trong quá trình đầu tư sau khi đối thoại với lãnh đạo đều được giải quyết nhanh, rất gọn gàng và thuyết phục.
Quốc Định