GS Lý Chánh Trung: Chiến đấu trong sào huyệt của địch
Những năm kháng chiến, GS Lý Chánh Trung sống và hoạt động cách mạng trong nội thành Saigon. Ông dạy học và là một nhà báo rất có uy tín, báo hàng ngày ở Saigon đăng bài của ông đều được đông đảo bạn đọc tìm mua vì ông nói thẳng, nói thật về cách mạng và kháng chiến ở nước ta, đặc biệt mỗi lần nhắc đến Bác Hồ, ông đều coi Bác là người lãnh đạo được cả dân tộc ngưỡng mộ. Chính vì những bài báo của ông hấp dẫn bạn đọc, một số nhà xuất bản đã tập hợp các bài báo của ông, in và phát hành công khai.&
GS Lý Chánh Trung (1928-2016).
Nhà xuất bản Nam Sơn in 4 cuốn sách của ông: “Cách mạng và đạo đức”, “Ba năm xáo trộn”, “Người hùng Tây phương”, “Hành trình vào chính trị”. Riêng cuốn sách “Ba năm xáo trộn” in một số bài viết của ông sau cuộc đảo chính 1/11/1963, anh em Diệm Nhu đã bị ám sát, sách được phát hành tháng 1/1965. Trong “Lời nói đầu” giới thiệu cuốn sách, ông đã viết, xin trích một đoạn:
“Nhà xuất bản Nam Sơn có nhã ý gom góp một số bài báo có tính cách thời sự mà tôi đã viết trong ba năm nay, từ những tháng cuối cùng của chế độ Ngô Đình Diệm để in thành cuốn sách này. Hầu hết các bài là những nhận định về thời cuộc, trong bầu không khí sôi sục của miền Nam Việt Nam sau cuộc đảo chính, 1/11/1963, cho nên tôi đã đặt tên cuốn sách là “Bà năm xáo trộn”. Tôi đã nghĩ và viết như vậy, lúc ấy, với cái ý muốn chân thành tìm một lối thoát cho riêng tôi, đối với lương tâm tôi. Tôi đã nói thẳng thắn những gì tôi cho là thật và khi chỉ trích thì cũng chỉ trích thẳng thắn.
Nếu có làm ai phật lòng, tôi thành thật xin lỗi”.
Báo chí của nhà cầm quyền Saigon đã gọi 10 năm tồn tại của chế độ Diệm – Nhu cũng như chế độ của các tướng tá sau này là “cách mạng” (hậu cách mạng, tiền cách mạng). Lý Chánh Trung kiên quyết phản đối, dứt khoát vạch rõ các chế độ thân Mỹ không hề là “cách mạng”. Trong bài cáo “Lá bài cuối cùng của miền Nam, cách mạng của người nghèo” đăng báo Hành trình số 2 tháng 11/1964, có đoạn như sau:
“Nhiều thứ cách mạng quá mà thứ nào cũng là “thứ thiệt”. Nghe rồi, đọc rồi, thấy rồi”. Và chán quá rồi. Vì rằng chỉ có một thứ cách mạng, đó là cách mạng của người nghèo, của người ốm, người đói. Đói ăn, đói mặc, đói văn hóa, đói tình yêu. Đói được làm người và làm người của thế kỷ 20. Đói trong im lặng và không ai cho nói và cũng không có thì giờ, phương tiện đâu để nói. Cách mạng là thay đổi toàn diện và chỉ có người nghèo mới cần thay đổi toàn diện.
Cho nên chỉ có một chính phủ cách mạng, đó là chính phủ cho người nghèo, đứng về phía người nghèo, cùng với người nghèo nỗ lực thoát khỏi ách nghèo muôn kiếp. Cai trị là lựa chọn, cai trị cách mạng là lựa chọn người nghèo. Không phải để tiêu diệt hay loại bỏ kẻ giàu mà là dành ưu tiên tuyệt đối cho kẻ nghèo. Muốn thay đổi, muốn cách mạng là phải đứng về phía người nghèo, dựa vào người nghèo. Khổ thay, từ 10 năm nay các Chính phủ đều là Chính phủ của người giàu cho nên có thay đổi gì đâu”.
Trong bài “Làm chính trị hay không làm chính trị” đăng báo Tiếng gọi miền Tây số 1, có đoạn:
“Người ta ngao ngán chính trị, trước hết là vì những nhơ nhớp, bỉ ổi mà cái chánh trường miền Nam đã không ngớt bộc lộ một cách trắng trợn trong mấy năm qua, từ những trò độc tài nửa mùa xuống tóc cạo râu, xuống đường đập lộn thời ông Nguyễn Khánh đến những tiếng hùa trơ trẽn của các cụ chính khách lão thành vuốt đuôi con nít để chống lại ông Trần Văn Hương, đến các thủ đoạn “ăn không được thì đạp đổ” của ông Phan Huy Quát, làm sao kể cho hết, những khía cạnh não lòng của đời sống chính trị. Người ta thường gọi cái chánh trường miền Nam là cái giỏ cua. Nói như vậy là oan cho mấy con cua vì rằng con cua chỉ có tạt đi ngang chớ không có dơ dáy đến nỗi làm cho thiên hạ lợm giọng”.
Trong bài báo “Nhận định về những cuộc tranh đấu tại miền Nam”, Lý Chánh Trung đã viết:
“Ai nói gì thì nói, tôi vẫn cho rằng những cuộc tranh đấu vừa qua là hữu ích trong dài hạn, mặc dầu ngắn hạn chúng có vẻ rất nguy hiểm. Nhiều người sẽ nói rằng tập cho người dân tranh đấu như vậy là tập cho họ “coi thường” chính quyền và sau vài lần xuống đường thì không còn ai cai trị được nữa. Nhưng cái vấn đề là những chính quyền đã nối tiếp nhau tại miền Nam có đáng được “kính trọng” hay không, có đáng cai trị một dân tộc có mười năm kháng chiến trong lịch sử hay không?
Một số bài báo được trích đăng trên đây chứng minh Lý Chánh Trung đã chiến đấu dũng cảm trong sào huyệt của địch.