Người vẫn đâu đây, người cũng như đã xa rồi…

Nguyên Phong 16/03/2016 09:31

Nhạc sĩ Thanh Tùng chọn một ngày se lạnh của Hà Nội để ra đi (15/3), sau những ngày tháng mệt nhoài chống chọi lại tật bệnh và những nỗi buồn không tên của người nghệ sĩ tài hoa. Ông không còn hiển hiện bằng da bằng thịt trong cuộc sống này, nhưng những ca khúc ông để lại thì còn vang vọng.

Nhạc sĩ Thanh Tùng.

Nhạc sĩ Thanh Tùng sinh ngày 15/9/1948 tại Nha Trang- Khánh Hòa. Năm 6 tuổi ông theo cha mẹ tập kết ra Bắc và lớn lên tại Hà Nội. Sau đó ông sang học tại Nhạc viện Bình Nhưỡng, Triều Tiên và tốt nghiệp năm 23 tuổi. Từ năm 1971 đến 1975 Thanh Tùng là chỉ huy dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam II. Sau 1975, Thanh Tùng về sống tại TP HCM và là người có công xây dựng Dàn nhạc nhẹ Đài Truyền hình TP HCM và khai sinh nhóm hợp ca Những làn sóng nhỏ. Ông còn chỉ huy hợp xướng và chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa Bông Sen.

Thanh Tùng cũng là người đầu tiên đưa nhạc nhẹ chuyển soạn các ca khúc thành nhạc không lời như “Con kênh xanh xanh” của Ngô Huỳnh, “Cánh chim báo tin vui” của Đàm Thanh... Năm 1975, Thanh Tùng viết ca khúc đầu tay “Cây sầu riêng trổ bông” cho một vở cải lương. Từ đó, ông đã viết hơn 200 bài hát. Nhiều sáng tác của ông được giới trẻ yêu thích như “Hát với chú ve con”, “Chuyện tình của biển”, “Lời tỏ tình của mùa xuân”, “Ngôi sao cô đơn”, “Câu chuyện nhỏ của tôi”, “Hoa tím ngoài sân”, “Em và tôi”, “Lối cũ ta về”… Ông từng công tác tại Hội Âm nhạc TP HCM.

Nhạc sĩ của những ca khúc để lại dấu ấn trong nền âm nhạc Việt Nam đã không thể đi lại được bình thường sau trận tai biến bất ngờ năm 2008. Hôm đó nhạc sĩ ra Hà Nội dự định tổ chức một đêm nhạc kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 của mình, buổi sáng ông đi uống cà phê về thì bị đột qụy, xuất huyết não. Ông liệt bên phải, mất khả năng nói, mất khả năng đi lại, những căn bệnh tiểu đường và thận cũng đã hành hạ ông suốt nhiều năm tháng. Hàng tuần, ông phải vào viện Bạch Mai chạy thận.

Nhạc sĩ Thanh Tùng được bạn bè kể lại là một người có tâm hồn hào hoa, phóng khoáng. Sự lãng du của ông thể hiện đầu tiên qua những tình khúc: “Câu chuyện nhỏ của tôi”, “Giọt nắng bên thềm”, “Hát với chú ve con”, “Hoa tím ngoài sân”, “Lối cũ ta về”, “Lời tỏ tình của mùa xuân”…

Đặc biệt sau khi sáng tác ca khúc “Một mình” để tưởng nhớ người vợ quá cố của mình, ông đã trở thành thần tượng âm nhạc trong trái tim của nhiều thế hệ. Ông viết câu chuyện của mình nhưng lại được sự đồng cảm sâu sắc từ hàng triệu khán giả. Âm nhạc của ông giúp người nghe như được trú ngụ trong một thế giới trong trẻo, lãng mạn đầy hương thơm tình tứ, nhưng bên cạnh đó cũng có một nỗi buồn thiên cổ, một nỗi buồn từ kiếp người sinh ra…

Trong gia tài âm nhạc của mình, nhạc sĩ Thanh Tùng viết không nhiều, ông có khoảng hơn 30 tình khúc, nhưng dư âm mà âm nhạc của ông để lại thì lớn lao hơn thế, vang vọng tới nhiều thế hệ. “Hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi/ Chim vẫn hót sau vườn nhà tôi/ Một sớm mai kia/ Chợt thấy hư vô trong đời/ Người vẫn đâu đây, người cũng đã như xa rồi…

Nguyên Phong