Bí thư Đinh La Thăng: 'Ông trả lời dài dòng đến tôi còn chóng mặt nói gì DN'
Dường như đồng cảm với những khó khăn, mệt mỏi mà DN đang gánh chịu, ông Đinh La Thăng cũng cho rằng: “Phó Cục trưởng Cục Hải quan thành phố trả lời dài dòng đến tôi còn chóng mặt chứ nói gì DN. DN hỏi đâu trả lời đấy hà cớ gì mà cứ nói lòng vòng. Rút cuộc hải quan có máy cầm tay kiểm tra không? Tại sao lại cắt thép của DN đi nơi kiểm định làm ảnh hưởng đến hàng hóa?".
Lãnh đạo TP HCM lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho DN. (Ảnh: S. Xanh).
Đây chính là ý kiến của Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và các nhà đầu tư nước ngoài (DN FDI) năm 2016 với chủ đề “Lắng nghe vào trao đổi”, được Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND TP HCM tổ chức ngày 16/3. Sau khi lắng nghe DN FDI phân trần những khó khăn, vướng mắc mà họ đang gánh chịu, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng cam kết đồng hành cùng DN, vì DN để phát triển và hội nhập.
Thuế và hải quan “hành” DN
Tại hội nghị, đại diện Hiệp hội các nước phân trần những vướng mắc đến nỗi khó hiểu về chủ trương, chính sách liên quan đến môi trường đầu tư tại Việt Nam như: thuế, hải quan… Đại diện DN FDI thẳng thắn thừa nhận, ở một số môi trường đầu tư khác thông thoáng đến mức mỗi sáng ngủ dậy doanh nhân lại nảy sinh ý tưởng đầu tư mở rộng. Nhưng ở Việt Nam thì ngược lại, doanh nhân chỉ biết tìm cách đối phó quy định, đối phó với cơ quan chức năng.
Không bằng lòng với chính sách thu hút vốn FDI hiện nay, Giám đốc điều hành Hiệp hội DN Hoa Kỳ phàn nàn: “Trước khi đầu tư nhiều DN nhận được sự ưu đãi về thuế. Tuy nhiên, khi DN đầu tư rồi thì chính quyền địa phương lại không thực hiện cam kết ưu đãi như đã hứa. Điều này khiến DN vừa thất vọng, vừa mất niềm tin. Các sở, ngành nên thực hiện đúng những cam kết đã hứa”.
Trả lời thắc mắc của phía hiệp hội DN Hoa Kỳ trước thông tin về việc áp thuế ưu đãi cho DN FDI không đúng quy định, bà Trần Thị Lệ Nga – Phó Cục trưởng Cục thuế TP HCM cho biết, Ban quản lý khu công nghiệp Cần Thơ thực hiện chính sách ưu đãi cho một DN Hoa Kỳ đầu tư nhà máy sản xuất tại Cần Thơ bằng cách ghi rõ ưu đãi thuế ở giấy cấp phép đầu tư là không đúng quy định. Cục Thuế đang trình lên Bộ Tài chính và Chính phủ để có hướng giải quyết phù hợp nhất cho nhiều DN khác liên quan.
Lắng nghe cách tháo gỡ vướng mắc của Cục Thuế cho DN, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng không đồng tình: “DN không sai, không thể bắt DN chịu mà cơ quan nhà nước phải xem lại. Đừng cái gì cũng trình Thủ tướng, các bộ ngành phải thực hiện, đồng thời có trách nhiệm giải quyết không để DN thiệt hại và môi trường đầu tư bị ảnh hưởng. Cục Thuế phải làm việc với các địa phương nhằm thống nhất hướng giải quyết một cách tốt nhất cho DN”.
Bức xúc với những vướng mắc lĩnh vực hải quan, ông Nguyễn Văn Bé – Chủ tịch Hiệp hội các DN khu chế xuất – khu công nghiệp TP HCM cho biết, DN đồng tình ủng hộ các quy định từ chính sách nhưng thời gian gần đây thủ tục hành chính rộ lên giấy phép con, giấy chứng nhận, rồi cơ chế xin - cho,… mặc dù các Bộ đã cải cách.
“Hải quan có tiến bộ thực hiện thông quan điện tử song hàng loạt văn bản mới dưới luật ra đời tạo sự ràng buộc. Chúng ta nói, thông quan theo hình thức một cửa liên thông vậy mà có đến 9 ngành tham gia, xin quota, nhập khẩu phải có chứng nhận của Bộ Công thương… Quy định chồng chéo gây khó DN”, ông Nguyễn Văn Bé nhận xét.
Ngoài chính sách liên quan đến hải quan, cộng đồng DN còn than phiền khâu kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi thông quan chậm chạp. Nghịch lý ở chỗ, thay vì áp dụng phương án kiểm tra chất lượng hàng hóa một cách nhanh nhất, hiện đại nhất bằng cách dùng máy cầm tay kiểm tra tại chỗ là xong. Thế nhưng, Hải quan thành phố lại cắt thép lấy mẫu rồi đem đi kiểm tra chất lượng ở nơi khác.
Trước băn khoăn của DN về vấn đề liên quan đến hải quan, ông Lê Hữu Nghiệp - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM cho hay, từ 1/4/2016 hải quan thực hiện một cửa quốc gia, với 6 bộ ngành tham gia. Hiện nay khi DN đến đăng ký thủ tục thì 50% là luồng xanh (thông quan sau 5 phút), 32% luồng vàng (kiểm tra lại hồ sơ), 8% luồng đỏ. Riêng mặt hàng thép nhập khẩu có liên quan đến Bộ Công thương và Bộ Khoa học Công nghệ nên việc kiểm tra thuộc cơ quan liên ngành.
Dường như đồng cảm với những khó khăn, mệt mỏi mà DN đang gánh chịu, ông Đinh La Thăng cũng cho rằng: “Phó Cục trưởng Cục Hải quan thành phố trả lời dài dòng đến tôi còn chóng mặt chứ nói gì DN. DN hỏi đâu trả lời đấy hà cớ gì mà cứ nói lòng vòng. Rút cuộc hải quan có máy cầm tay kiểm tra không? Tại sao lại cắt thép của DN đi nơi kiểm định làm ảnh hưởng đến hàng hóa? Chuyện quá đơn giản mà không thực hiện. Phải thực hiện ngay bằng hình thức dùng máy cầm tay kiểm tra hàng hóa cho nhanh. Vướng đâu gỡ đó thế mới đúng nghĩa cùng DN phát triển”.
Tư duy nhanh, xử lý nhanh vì DN
Không những bức xúc về thủ tục thuế, hải quan tại hội nghị, hầu hết hiệp hội DN các nước và DN FDI bày tỏ băn khoăn về Thông tư 23 – quy định nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng của Bộ Khoa học và Công nghệ. Cộng đồng DN FDI cho rằng, Việt Nam đang có lợi thế phát triển kinh tế thông qua hàng loạt hiệp định thương mại với các nước và khu vực. Đây chính là điều kiện tốt nhất để Việt Nam thu hút vốn FDI. Tuy nhiên thực tế cho thấy, một vài quy định đang khiến nhà đầu tư nản lòng.
Điển hình như Thông tư 23 về nhập khẩu máy móc thiết bị cũ của Bộ Khoa học và Công nghệ, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016. Thông tư 23 (đã được chỉnh sửa từ Thông tư 20) quy định, máy móc nhập khẩu phải đảm bảo chưa quá 10 năm sử dụng mới cho nhập khẩu hoàn toàn tùy ý, không dựa trên cơ sở khoa học nhập khẩu máy móc, vi phạm quy định về WTO.
Cũng liên quan đến thông tư này, đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản cho rằng, một lượng lớn DN Nhật đang dự định đầu tư vào Việt Nam và nhập khẩu máy móc thiết bị nhưng đang gặp khó từ những quy định trong thông tư này. Do đó DN Nhật nhiều lần kiến nghị, phía cơ quan quản lý Việt Nam nhanh chóng tháo gỡ khó khăn để không làm giảm thiện chí của nhà đầu tư Nhật.
“Thông tư này đang làm nhiều nhà đầu tư có vốn FDI "chùn chân", thay đổi chiến lược hoặc thậm chí bỏ cuộc không tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi kiến nghị Hải quan và Bộ Công thương có tham vấn chính sách chứ không phải cấm các thiết bị có tuổi thọ trên 10 năm. Nên hủy bỏ thông tư này”, đại diện hiệp hội DN một số nước nêu quan điểm.
Lắng nghe khó khăn, tâm tư, nguyện vọng của DN FDI trên địa bàn thành phố, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, ông Đinh La Thăng khẳng định, thành phố trân trọng những ý kiến đóng góp của DN FDI. Thành phố sẽ tư duy nhanh, xử lý nhanh tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp DN sản xuất kinh doanh tốt cùng DN vươn ra biển lớn trong hội nhập. Bí thư Thành ủy cho biết thêm, thành phố luôn đồng hành cùng DN, vì DN cũng như vì sự phát triển của thành phố. Thành phố không nghĩ đang giúp DN mà là phục vụ DN vì sự phát triển của thành phố.
“DN vướng đâu thành phố sẽ phải gỡ đó. Thành phố đang thực hiện chính quyền điện tử, công khai hơn, minh bạch hơn. Đề nghị DN và chính quyền cần phải minh bạch và liêm chính nhằm thúc đẩy công việc đạt hiệu quả tốt”, ông Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Bên cạnh những cam kết đồng hành cùng DN của thành phố, Bí thư Thành ủy TP HCM cũng mong muốn, DN nghiên cứu đầu tư mới, nâng cao năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh. Song song đó, DN cần phải chăm lo đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân. Bởi, đầu tư cho người lao động chính là đầu tư tốt cho hoạt động sản xuất.
Lũy kế từ năm 1988 đến nay thành phố có gần 6.000 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là 40,02 tỷ USD. Riêng năm 2015 thành phố thu hút 4,5 tỷ USD, tăng hơn 38% so với năm 2014, chiếm 19,8% cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp của DN FDI chiếm 33,2%. Hiện DN FDI đóng góp vào giá trị sản phẩm GDP ngày càng cao trong GDP thành phố, chiếm khoảng 24,5%. Tỷ trọng đóng góp của DN FDI trong tổng thu ngân sách nhà nước tăng từ 9,7% năm 2011 lên 15,7% năm 2015. |