Cuba: Ca đầu tiên nhiễm virus Zika nội bộ

M.Nguyên 17/03/2016 09:05

Tối ngày 15/3, các quan chức y tế Cuba thông báo đã chẩn đoán ca truyền nhiễm virus Zika nội bộ đầu tiên tại đảo quốc Caribe này, với bệnh nhân là một cô gái 21 tuổi, sống tại khu trung tâm thủ đô La Habana.

Cuba: Ca đầu tiên nhiễm virus Zika nội bộ

Trẻ em mắc bệnh đầu nhỏ do virus Zika (ảnh minh họa).

Theo báo cáo chi tiết của Bộ Y tế Cuba, nữ bệnh nhân này bắt đầu có các triệu chứng đau đầu cấp, đau mắt đỏ, nhức mỏi cơ từ ngày 7/3. Hai ngày sau cô nhập viện và ngay sau đó được đưa tới bệnh viện chuyên khoa để thực hiện xét nghiệm. Bệnh nhân này chưa từng xuất cảnh ra nước ngoài, và hiện cô không còn biểu hiện bệnh lý nào nhưng vẫn tiếp tục được chăm sóc tại bệnh viện. Đây là bệnh nhân Zika thứ 5 của Cuba, và cả 4 bệnh nhân trước đó đều nhiễm bệnh tại Venezuela và sau đó phát hiện ngay khi về nước.

Hiện tại, Cuba đang phát động rộng rãi chiến dịch vệ sinh dịch tế phòng chống Zika, đặc biệt là qua việc phun thuốc, phát quang, làm sạch những nơi sinh sống của muỗi vằn Aedis Aegypti, vật trung gian lây truyền virus Zika, cũng như bệnh sốt xuất huyết và sốt vàng da Chikungunya.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), quy mô lây lan virus Zika có thể rộng hơn, bởi muỗi Aedis Aegypti đã xuất hiện tại 130 quốc gia trên thế giới. Hiện hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận các trường hợp lây nhiễm.

Cho đến nay, chưa có vắcxin hay thuốc đặc trị virus Zika. WHO hồi đầu tháng 2 vừa qua đã ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu đối với virus này và bày tỏ nghi ngờ sự liên quan giữa việc nhiễm virus này ở những phụ nữ mang thai và tình trạng đầu và não nhỏ, một dị tật có thể dẫn tới những vấn đề về phát triển của các thai nhi. Triệu chứng phổ biến nhất khi nhiễm virus là sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ và khớp, phát ban.

Tại Việt Nam, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika gây nên có thể xâm nhập vào nước ta, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo, các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp chủ động ứng phó có hiệu quả nhất trong trường học.

Theo đó các trường phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế địa phương chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể nhằm đảm bảo sức khỏe và thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, quản lý tốt sức khỏe của trẻ em, học sinh, sinh viên, nhà giáo, cán bộ nhân viên trong nhà trường. Thông báo ngay cho các đơn vị y tế sở tại khi phát hiện có trẻ em, học sinh, sinh viên mắc bệnh để phối hợp xử lý kịp thời.

Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường thực hiện tốt các hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.

M.Nguyên