Tính thuế xăng dầu sai: Dân có được bồi hoàn?
Dù khẳng định việc điều hành giá xăng dầu đang có vấn đề và đề nghị Chính phủ kiểm tra ngay, trả lời công khai trước công luận và dư luận… Tuy nhiên, trong cuộc trả lời PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính-ngân sách của Quốc hội cũng cho biết: Chưa có cơ sở pháp lý để hoàn trả cho dân phần thiệt thòi do áp thuế sai.
Ông Bùi Đức Thụ.
PV:Thưa ông, những ngày qua, dư luận nóng lên trước nhiều thông tin: Người tiêu dùng đang chịu thiệt, mỗi tháng thiệt hại hàng trăm tỷ đồng vì cách tính thuế xăng dầu sai…Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Thực tiễn quá trình giám sát của QH xung quanh việc điều hành, quản lý giá xăng dầu có đặt ra vấn đề này?
Ông Bùi Đức Thụ: So với thông lệ quốc tế, xét về các loại thuế đối với mặt hàng xăng dầu chúng ta không đánh nhiều loại thuế hơn. Các mức thuế đánh với xăng dầu cũng chỉ ở mức trung bình so với các nước trong khu vực.
Qua giám sát thực tiễn tôi thấy việc điều hành giá xăng dầu tăng giảm theo thị trường thế giới trong thời gian qua có tốt hơn so với trước. Tuy nhiên, cơ sở để điều hành giá xăng dầu theo mức giá nào thì cần phải tính toán lại nhất là trong điều kiện thuế nhập khẩu xăng dầu từ ASEAN chịu lãi suất ưu đãi, tức là thấp hơn thuế suất nhập khẩu thông thường khá lớn.
Trong khi đó khối lượng nhập khẩu từ khối này chiếm hơn 2/3 số lượng xăng dầu nhập khẩu. Năm 2015 số lượng xăng dầu nhập khẩu là 10 triệu tấn thì có đến 68% lượng xăng dầu nhập khẩu từ ASEAN. Nhưng khi ta tính giá xăng dầu bán ra vẫn tính theo giá chịu thuế cao so với mức thông thường ở các nước.
Điều này báo chí nêu lên có phải chăng thiệt hại cho người tiêu dùng và có lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu từ việc điều hành giá theo giá cao hơn giá nhập khẩu thực tiễn?
Do đó tôi cho rằng trước mắt Chính phủ cần kiểm tra lại và trả lời công khai trước dư luận, nhân dân có đúng như vậy không? Nếu đúng thì phải sửa ngay việc xác định giá xăng dầu bán ra làm cơ sở điều hành cho phù hợp với lợi ích giữa người kinh doanh xăng dầu, nhưng đồng thời cũng phải phù hợp với lợi ích của người tiêu dùng.
Thưa ông, nếu phản ánh của báo chí là đúng, và người dân bị thiệt thòi, vậy thì ai phải bồi thường cho dân? Có cơ chế để người dân được bồi hoàn trong trường hợp này không?
- Hoàn trả hay không hoàn trả phải đều phải dựa vào cơ sở pháp lý để xem xét xử lý. Hiện tại, quy định xác định giá xăng dầu kinh doanh do Liên Bộ Tài chính-Công thương công bố là văn bản pháp luật. Do đó bây giờ cao hay thấp thì cũng không thể hoàn trả cho người dân được.
Vì hoàn trả phải tuân thủ theo pháp luật, nhất là trong điều kiện chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền phải lấy pháp luật là chuẩn mực để xử lý các mối quan hệ kinh tế xã hội. Quan hệ pháp luật ở đây giả định giá xăng dầu không phù hợp với tình hình thực tiễn? thì phải hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, trong đó cần rà soát lại cơ sở tính. Nếu đúng thì phải sửa lại làm cơ sở điều hành cho thời gian tới.
Nếu hoàn trả phần thiệt thòi cho người dân chúng ta không có cơ sở pháp lý để thực hiện hoàn trả. Bởi gần như nhà nào cũng có xe máy, thậm chí ô tô, sử dụng xăng dầu vào việc sản xuất kinh doanh... Bây giờ xác định doanh số mua như thế nào? mức giá đền bù vào thời điểm nào? là rất khó. Vì vậy căn cứ vào cơ sở pháp lý việc hoàn trả những thiệt thòi cho dân là không thể thực hiện được.
Trân trọng cảm ơn ông!