Phát huy trách nhiệm các 'bộ lọc'

T.Dương 18/03/2016 10:10

2 nữ đại biểu Quốc hội trong đó có người tự ứng cử, vi phạm pháp luật là một điều đáng tiếc của Quốc hội khóa XIII. Chính vì thế làm sao lựa chọn được những đại biểu tự ứng cử đủ chất lượng là vấn đề được đặt ra cho kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng cần phát huy trách nhiệm của mình trong việc “lọc”.

Thông tin về người ứng cử cần được đánh giá kỹ lưỡng

Nhận định về quy trình lựa chọn đại biểu tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, ĐB Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cho rằng, cần rút kinh nghiệm trong bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII khi có 2 nữ đại biểu Quốc hội là những người tự ứng cử, vi phạm pháp luật, về sau phải đưa ra Quốc hội bãi nhiệm. Do đó để làm sao cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV dân chủ, và đúng quy định thì ngoài những tiêu chuẩn quy định chung, cần kiểm tra kỹ lưỡng, chọn những người đủ đức đủ tài, nhưng quan trọng hơn là những người đó phải được nhân dân nơi cư trú tín nhiệm.

Theo ông Dân, tất cả các thông tin liên quan đến người tự ứng cử đều phải được kiểm tra, đánh giá kỹ. Nếu thấy có vấn đề thì đưa ra xem xét trước khi lựa chọn vì liên quan đến quyền làm chủ của người dân. “Ý kiến phản ánh của nhân dân rất sáng suốt vì người ứng cử đều sinh sống ở cơ sở. Nếu làm được như vậy thì chúng ta đã tôn trọng ý kiến phản ánh của nhân dân” - ông Dân bày tỏ.

Cũng theo ông Dân, chỉ có người dân mới giám sát được, bởi ý kiến nhận xét của cơ quan, đơn vị nơi người đó công tác chưa phản ánh hết được các mặt. Được tín nhiệm trong nhân dân thì mới là người đại biểu cho nhân dân được. Ông Dân cũng nhấn mạnh:“Cần đặc biệt chú ý đến những người có biểu hiện liên quan đến vấn đề kinh tế, tham nhũng, lợi ích nhóm”.

Nhiều “lưới lọc”

Trong khi đó, GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, sau Hội nghị hiệp thương lần hai những người lọt vào danh sách sơ bộ sẽ được đưa ra lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú. Những hội nghị này cần được tổ chức nghiêm túc, những người tham dự hội nghị có quyền đặt câu hỏi, nêu nhận xét về ứng cử viên. Các câu hỏi, nhận xét cần phù hợp với quy định của pháp luật, và ứng cử viên cần giải trình đầy đủ.

Theo ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, tất cả những người được giới thiệu ra ứng cử cũng như người tự ứng cử phải được xem xét chặt chẽ, kỹ càng, căn cứ theo quy định của pháp luật.

Còn Luật gia Đặng Quang Thắng, Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, chúng ta có một bộ máy cơ quan Nhà nước, cơ quan bầu cử để xem xét, giải quyết khiếu nại, quy trình hiệp thương, và cơ quan thường trực giải quyết các kiến nghị của người dân liên quan đến vấn đề bầu cử.

Danh sách những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội đã được dán công khai, người dân có điều kiện xem xét họ phát hiện ra những người đó không xứng đáng và phản ánh thì cơ quan thẩm tra tư cách đại biểu thẩm tra xác minh lại nội dung đó. Chúng ta có nhiều “lưới lọc”, trải qua nhiều vòng hiệp thương thì các cơ quan kiểm tra, MTTQ phải kiểm tra, không để lọt những người vi phạm pháp luật vào ứng cử đại biểu Quốc hội.

T.Dương