Cá tra vẫn mờ mịt đường bơi
Mới đây, Bộ NN&PTNT nhận định: Giá cá tra nguyên liệu ở khu vực ĐBSCL thời gian qua vẫn đang giảm, hiện ở vào mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua. Trước những rào cản của các nước nhập khẩu đòi hỏi ngành hàng này phải cơ cấu sản xuất lại một cách bài bản mới mong vực dậy được…
Giá cá tra liên tục giảm, người nuôi không có lãi.
Giá cá tra liên tục giảm, diện tích thu hẹp dần
Thống kê mới nhất của Hiệp hội thủy sản, hiện, tại các tỉnh, thành như An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ, giá cá tra nguyên liệu hiện chỉ còn từ 17.500 đến 18.500 đồng/kg, giảm từ 5.000 đến 6.000 đồng/kg so với cùng kỳ của năm 2015.
Do giá cá liên tục giảm nhiều nông dân không thể gánh nổi thiệt hại, đành “treo ao”, hoặc giảm số lượng cá trên cùng một diện tích nuôi. Theo thống kê của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), sản lượng thu hoạch cá tra 2 tháng đầu năm 2016 của khu vực ĐBSCL chỉ vào khoảng 114.000 tấn, giảm 17% so với cùng kỳ. Các tỉnh được xem có diện tích và sản lượng cao nhất cũng giảm mạnh là: Đồng Tháp giảm hơn 40%, Bến Tre giảm 17%, An Giang giảm 13%...
Trước đây ông Nguyễn Văn Trường, ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang có tiếng trong vùng về nuôi cá tra, nhưng vài năm gần đây gia đình ông cũng thăng trầm với con cá này. Ông Trường cho biết: Hiện giá cá tra bán tại ao là 17.200/kg cá, với giá này thì người nuôi cá chúng tôi lỗ ít nhất 5.000/kg cá. Trong khi đó doanh nghiệp tới xem còn làm khó đủ đường, chưa có hợp đồng ràng buộc chặt chẽ giữa người nuôi cá và doanh nghiệp.
Nhiều hộ nuôi cá tra tại ĐBSCL đang trong tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” vì nếu tiếp tục nuôi chắc chắn thua lỗ. Ông Nguyễn Văn Trường, ấp Vĩnh Hòa than thở rằng. Nếu dừng lại không nuôi nữa tiền đâu mà trả nợ ngân hàng, lãi mẹ đẻ lãi con còn chết nữa..”.
Cần xây dựng quy trình bài bản
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm hợp tác xã cá tra Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, cho biết: Giá cá tra liên tục giảm cũng dễ hiểu. Hàng loạt các rào cản của nước ngoài, cụ thể là nước Mỹ khiến cho xuất khẩu cá tra gặp khó khăn, như thuế chống bán phá giá của Mỹ; đạo luật Farm Bill tạo hàng rào kỹ thuật mới với con cá tra ngoài ra nhiều nước nhập khẩu cá tra của Việt Nam như Trung Quốc, châu Âu… đồng tiền bị phá giá cũng gặp khó khăn trong xuất khẩu cá tra, giá nguyên liệu trong nước theo đó cũng giảm mạnh. Ông Hải khẳng định: Giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh thì người nuôi đơn lẻ cũng “chết” mà liên kết nuôi gia công với doanh nghiệp cũng lao đao…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc hình thành các chuỗi liên kết đối với ngành chăn nuôi cá tra thời gian qua là một tín hiệu mới, nhưng cho đến nay người nông dân vẫn khó tham gia vào các chuỗi liên kết này. Cụ thể như An Giang, sau hai năm triển khai nhưng tỉnh này mới xây dựng được một mô hình chuỗi liên kết nhưng số nông dân được hưởng lợi cũng rất ít. Phần lớn người nuôi cá tra không được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi về vốn vay của nhà nước. Còn phía doanh nghiệp không mấy mặn mà mở rộng quy mô chuỗi liên kết cho người nông dân tham gia…
Theo ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang, Ủy viên thường trực Hiệp Hội cá tra Việt Nam. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về các quy định khắt khe, các tiêu chuẩn mà các nước nhập khẩu cá tra đưa ra. Không còn con đường nào khác là cần phải quy hoạch lại vùng nuôi, cũng như xây dựng lại các đầu mối xuất khẩu cá tra, tạo nên sự thống nhất từ chất lượng, sản lượng, đến xuất khẩu…tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, có như vậy thì ngành cá tra Việt Nam mới cạnh tranh được với các nước khác và phát triển bền vững.