Giá thép tăng mạnh
Khảo sát tại thị trường Hà Nội cho thấy, giá thép tăng mạnh, dao động ở mức khoảng 12,4 – 12,6 triệu đồng/tấn. Cách đây ít ngày, giá thép ở mức khoảng 10,3 – 10,7 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, tại thị trường TP Hồ Chí Minh, các đại lý thép mỗi ngày báo giá với khách hàng mỗi khác.
Sắp tới giá bán thép sẽ bị áp thuế tự vệ tạm thời.
Mua tích trữ
Giá thép liên tục leo thang, ngày hôm sau lại cao hơn ngày hôm trước. Theo tính toán, mặt hàng thép đã tăng giá khoảng 3% kể từ đầu tháng 2 đến nay.
Ông Trần Tuấn Dương - Tổng giám đốc Công ty cổ phần thép Hòa Phát cho biết, giá thép tăng trong những ngày qua do nhiều nguyên nhân. Cụ thể, giá nguyên liệu thép trên thế giới đang đà tăng mạnh nên thép thành phẩm nhích giá lên là điều dễ hiểu. Thêm vào đó, trước đây Trung Quốc bán phá giá, thép Trung Quốc vào Việt Nam có giá rất rẻ nên để cạnh tranh, giữ thị phần, DN thép trong nước đã phải giảm giá rất sâu.
Còn Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, hiện giá nguyên vật liệu để sản xuất thép như phôi thép, thép phế... đều tăng so với đầu năm 2016. Cụ thể, giá thép phế đã tăng từ 15-20 USD/tấn, tương đương tăng khoảng 10%. Trong khi đó, giá phôi thép tăng 10-15 USD/tấn, tương đương khoảng 8%. Điều này khiến giá thép thành phẩm phục hồi từ đầu tháng 2 tới nay.
Một nguyên nhân khác được các chủ hàng nhận định, sắp tới giá bán thép sẽ bị áp thuế tự vệ tạm thời, tâm lý lo ngại giá nhập hàng đầu vào sẽ bị đẩy lên cao, nên nhiều cửa hàng cũng mua tích trữ hàng từ những tuần trước. Điều này cũng khiến giá thép thời gian này tăng mạnh.
Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn 3 đã xác nhận: Sau khi Bộ Công thương có Quyết định 862/QĐ-BCT ngày 7/3/2016 về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, thép nhập khẩu trước thời điểm thông tư có hiệu lực (22/3) có tăng, nhưng không nhiều, không có tình trạng tăng đột biến để chạy thuế.
Điều này cho thấy, nguồn cung thép nhập khẩu vẫn đang ở trạng thái bình thường. Chưa kể, dữ liệu thống kê từ các công ty sản xuất thép trong nước cũng cho thấy, hoạt động sản xuất ổn định. Cụ thể, sản xuất các sản phẩm thép của doanh nghiệp thành viên hiệp hội Thép đạt gần 1,17 triệu tấn, tăng 69% so với cùng kỳ năm 2015. Riêng Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, năm 2016, tình trạng dư cung ngành thép có thể tiếp tục kéo dài.
Phản ứng phụ
Như vậy sẽ có nhiều câu hỏi đặt ra, mức giá tăng trong nước có phù hợp với diễn biến giá thép thế giới? Chính tâm lý đầu cơ, đón xu hướng giá thép tăng cao khi biện pháp tự vệ tạm thời ngành thép có hiệu lực, dẫn đến cảnh găm hàng, chờ thời, đẩy giá.
Biện pháp áp thuế tự vệ tạm thời có hiệu lực từ ngày 22/3 và không quá 200 ngày của Bộ Công thương đang gây ra những phản ứng phụ? Theo quyết định của Bộ Công thương, mức thuế tạm thời đối với phôi thép là 23,3%, thép dài (thép cuộn và thanh) là 14,2% dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung.
Theo khẳng định của bà Lê Nguyệt Ánh, giám đốc phân tích CTCK ACB (ACBS), giá thép tăng trong những ngày qua là do tác động của cả hai yếu tố liên quan đến thuế tự vệ và giá thép toàn cầu phục hồi. Mặc dù đã tăng mạnh, giá thép vẫn ở mức thấp so với lịch sử và chưa gây khó khăn cho hoạt động xây dựng và thị trường bất động sản nói chung. Hòa Phát đã lên tiếng không tăng giá thép bán ra và dự kiến hoạt động đầu cơ sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới.