Ứng phó với hạn hán ở Tây Nguyên
Hạn hán đang diễn ra khá nghiêm trọng trên địa bàn các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kom Tum, Lâm Đồng. Nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt ở các địa phương này ngày càng khan hiếm, tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp…
Hạn hán đang diễn ra khá nghiêm trọng tại các tỉnh Tây Nguyên.
Theo số liệu quan trắc khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, từ tháng 12/2015 đến tháng 3/2016, lượng mưa trên toàn vùng giảm khoảng 40% so với cùng kỳ; mực nước ở hầu hết các hồ chứa xuống thấp hơn mức trung bình nhiều năm từ 15-35% (một số khu vực xuống thấp hơn từ 40-60%); trên 35% số sông, suối và 40% số hồ nhỏ kiệt nước.
Đã có khoảng 2.865 ha lúa phải dừng sản xuất; 1.100 ha lúa có nguy cơ mất trắng và trên 40.000 ha cây trồng thiếu nước tưới (chủ yếu là cà phê và hồ tiêu). Dự báo trong 2 tháng tới, nền nhiệt ở Tây Nguyên cao hơn trung bình nhiều năm, tình hình khô hạn sẽ khốc liệt hơn… Trước tình trạng đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai vừa có Công điện gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.
Công điện nêu rõ thời gian qua, ảnh hưởng của hiện tượng El Nino mạnh làm cho nền nhiệt độ tăng cao, nắng nóng kéo dài, mùa mưa năm 2015 đến muộn và kết thúc sớm ở khu vực Tây Nguyên. Hạn hán khiến nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt ở các địa phương này ngày càng khan hiếm, tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp.
Để đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, chủ động thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền địa phương và người dân về diễn biến hạn hán, thiếu nước để có kế hoạch sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả.
Ngoài ra, các địa phương rà soát các hộ thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là các hộ nghèo, gia đình chính sách; đồng thời, huy động các lực lượng trên địa bàn tham gia thực hiện các biện pháp cấp nước phù hợp với từng khu vực: lắp thêm đường ống dẫn nước, chở nước hợp vệ sinh cung cấp cho nhân dân... đảm bảo cung cấp lượng nước tối thiểu phục vụ sinh hoạt của người dân, không để nhân dân sử dụng nước không hợp vệ sinh.
Bên cạnh đó, các địa phương chủ động sử dụng dự phòng ngân sách của địa phương để thực hiện việc cấp nước sinh hoạt cho nhân dân. Trường hợp vượt quá khả năng cân đối ngân sách của địa phương, các địa phương đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ theo quy định.