Đại biểu Quốc hội phải bảo vệ được quyền lợi người lao động

Nhã Phương (thực hiện) 20/03/2016 09:45

Đại biểu QH phải am hiểu, có kiến thức về luật pháp để khi ấn nút  thông qua được những Luật có lợi cho đất nước, có lợi cho nhân dân và những Luật đó có thể đi vào cuộc sống chứ không phải Luật làm ra mấy năm rồi lại sửa . Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã khẳng định như vậy với PV Đại Đoàn Kết.

Đại biểu Quốc hội phải bảo vệ được quyền lợi người lao động

Ông Đặng Ngọc Tùng.

PV:Hội đồng Bầu cử Trung ương cũng như MTTQ Việt Nam đang tổ chức các vòng hiệp thương để lựa chọn những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng vào Nghị trường Quốc hội. Ông đánh giá thế nào về quy trình cũng như danh sách cụ thể bầu cử ĐBQH trong kỳ hiệp thương lần 2 này?

Ông Đặng Ngọc Tùng: Trong hội nghị hiệp thương lần 2 đã có rất nhiều đại biểu băn khoăn về việc kê khai tài sản của ĐBQH mà không có xác nhận của địa phương hoặc trong sơ yếu lý lịch không nói kỹ quá trình công tác, năng lực và trình độ đến đâu. Tôi nghĩ những băn khoăn, lo lắng đó của những đại biểu dự hội nghị hiệp thương rất chính đáng và Hội đồng Bầu cử Trung ương cũng như MTTQ cần phải nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đó để sau vòng hiệp thương lần 2 sẽ lựa chọn được những người có trình độ, năng lực, hiểu biết, nói được tiếng nói của nhân dân tại diễn đàn Quốc hội.

Cũng trong vòng hiệp thương lần 2, nhiều ý kiến thắc mắc tại sao đại biểu là Đảng viên lại tăng lên một người, tại sao ĐBQH Quốc hội chuyên trách lại thiếu một người và yêu cầu Hội đồng bầu cử Trung ương giải trình. Tuy nhiên, đây mới là vòng sơ bộ trong quá trình hiệp thương nên Hội đồng Bầu cử sẽ nghiên cứu để có những điều chỉnh thích hợp trong lần hiệp thương vòng 3 để lựa chọn được danh sách những ứng cử viên tiêu biểu nhất.

Thưa ông, Quốc hội có hoạt động hiệu quả hay không đều do chất lượng đại biểu. Vậy, qua bước hiệp thương vòng 2, MTTQ cũng cần phải tổ chức như thế nào để lựa chọn được những ứng cử viên đủ đức, đủ tài vào cơ quan dân cử?

- Tôi nghĩ tất cả các đại biểu dự hội nghị hiệp thương đều mong muốn Quốc hội khóa tới sẽ tìm được những đại biểu có đức, có tài, có trình độ, có năng lực, mạnh dạn nói lên tiếng nói, của mình. Đại biểu QH phải am hiểu, có kiến thức về luật pháp để khi ấn nút có thể thông qua được những Luật có lợi cho đất nước, có lợi cho nhân dân và những Luật đó có thể đi vào cuộc sống chứ không phải Luật làm ra mấy năm rồi lại sửa.

Bên cạnh việc kê khai lý lịch rõ ràng, việc kê khai tài sản cá nhân cũng cần phải công khai, minh bạch nhưng rõ ràng trong kỳ Quốc hội khóa trước đã có những vị ĐBQH bị miễn nhiệm. Vậy theo ông, việc thẩm tra những lý lịch đó có cần phải chặt chẽ hơn không?

- Theo tôi, việc đầu tiên đòi hỏi một vị ĐBQH phải thẳng thắn, trung thực. Trung thực ở đây không phải trung thực với ai mà là trung thực với chính bản thân mình. Việc kê khai tài sản cũng thế. Tài sản của mình có được bao nhiêu thì phải kê khai đầy đủ trong bản kê khai tài sản. Đây là đòi hỏi bước đầu của một vị ĐBQH. Trong quá trình kê khai nếu nhân dân hay một cơ quan nào đó phát hiện đại biểu đó kê khai chưa trung thực thì vị đại biểu đó không được nhân dân tín nhiệm và Quốc hội sẽ loại họ ra khỏi bộ máy.

Là một vị ĐBQH, ông có suy nghĩ như thế nào về những điều mình đã làm được và cả những điều trăn trở?

- Tôi đã trải qua 4 khóa Quốc hội và mỗi nhiệm kỳ đều tích lũy những kinh nghiệm và những hiểu biết nhất định về hoạt động Quốc hội cũng như những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Trong các khóa Quốc hội trước, cá nhân tôi dù đã nỗ lực hết sức, cố gắng hết sức nhưng quả thật tôi vẫn chưa làm tròn trách nhiệm của mình trước nhân dân với những người đã tin tưởng bầu tôi làm ĐBQH. Dưới góc độ của một ĐBQH tôi mới chỉ làm được một việc đó là chuyển đơn, chuyển kiến nghị và nói được tiếng nói đó thôi chứ chưa giải quyết được tận gốc rễ nguyện vọng của nhân dân. Đây là điều tôi trăn trở, suy nghĩ nhất.

Tôi mong rằng, ĐBQH sắp tới sẽ lắng nghe dân nhiều hơn nữa, nói được tiếng nói của nhân dân nhiều hơn nữa. Hy vọng những vị ĐBQH đó không đơn thuần là chuyển đơn mà phải có ý kiến, quan điểm của mình, phải đeo bám đến cùng để đơn đó được các cơ quan tiếp nhận giải quyết. Đó mới thực sự là những đại biểu xứng đáng của nhân dân.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan đại diện cho tiếng nói của viên chức, người lao động trong cả nước. Vậy Tổng Liên đoàn quan tâm tới kỳ họp Quốc hội khóa XIV này như thế nào, thưa ông?

- Có thể nói rằng người lao động, đoàn viên và tổ chức công đoàn cả nước luôn hướng sự quan tâm của mình đến hoạt động của Quốc hội, nhất là các vị sắp được bầu vào ĐBQH tới. Qua hoạt động này, người lao động cả nước mong muốn tổ chức công đoàn cử được nhiều đại diện của mình vào Quốc hội. Tuy nhiên, những mong muốn đó lại thực sự khiến chúng tôi lo lắng vì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giới thiệu 6 đại biểu ứng cử vào Quốc hội ở 6 địa phương khác nhau nhưng cũng kèm theo các tiêu chí như phải là nữ dưới 40 tuổi, phải là dân tộc…Vì vậy, những người mà chúng ta mong muốn lại không nằm trong những tiêu chí đấy khiến cho chất lượng của 6 đại biểu không đồng đều.

Hiện nay có ý kiến cho rằng việc cơ cấu lực lượng cán bộ công nhân viên chức không nhiều thể hiện tính dân chủ không cao. Ông nhận định thế nào về ý kiến đó?

- Tôi không nghĩ rằng cơ cấu công nhân ít là không dân chủ. Theo tôi, dân chủ hay không dân chủ phải dựa vào hoạt động của Quốc hội, ý kiến của Quốc hội và đặc biệt là công tác xây dựng Luật của Quốc hội chứ chưa hẳn trong Quốc hội có nhiều người đại diện cho tầng lớp công nhân là dân chủ. Trong Quốc hội có nhiều người tuy không phải là công nhân, không xuất thân từ công nhân, có thể họ xuất thân từ các thành phần khác nhưng họ hiểu được công nhân, hiểu được nỗi vất vả của người công nhân đó mới là điều đáng quý. Chúng tôi tin rằng sẽ có nhiều người như vậy được bầu trong kỳ Quốc hội khóa tới.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nhã Phương (thực hiện)