Lãi suất lại tăng: Ngân hàng khát vốn

Hồ Hương (thực hiện) 20/03/2016 13:05

Câu chuyện lãi suất tăng cao trở lại đang ám ảnh doanh nghiệp, sức khỏe hệ thống ngân hàng vẫn bấp bênh khi nợ xấu chưa được xử lý triệt để...là những cảnh báo mà giới quan sát đưa ra đối với nền kinh tế năm 2016. Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với cựu thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước; Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright Nguyễn Xuân Thành để cùng đưa ra cái nhìn khách quan về "sức khỏe" ngành ngân hàng.

Nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn còn rất lớn. Nợ xấu nằm trong bảng cân đối tài sản của các ngân hàng hiện chỉ có 120 nghìn tỷ đồng, song số nợ vẫn nằm tại Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) lên tới 245.000 tỷ đồng. Dường như vấn đề nợ xấu đến nay vẫn nan giải?

Lãi suất lại tăng: Ngân hàng khát vốn

Ông Trương Văn Phước.

Ông Trương Văn Phước: - Việc giải quyết nợ xấu vẫn còn nhiều vấn đề đáng lưu tâm. Trong năm qua, số nợ xấu đã được giải quyết chủ yếu thông qua bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Số nợ bán cho VAMC đến năm 2015 là 243.000 tỷ đồng, tăng so với mức 133.000 tỷ đồng của năm 2014. Mặc dù đã bán cho VAMC nhưng thực chất các ngân hàng vẫn phải trích dự phòng đầy đủ cho số nợ xấu này, do đó cần có giải pháp xử lý sớm số nợ VAMC đang nắm giữ, nếu không sẽ là gánh nặng tài chính lớn cho các ngân hàng.

Năm 2015 tốc độ tăng trưởng tín dụng 19%, tốc độ tăng trưởng huy động là 16%. Như vậy, tín dụng đã tăng hơn trong cơ cấu tổng tài sản, hỗ trợ khả năng sinh lời trong ngắn hạn. Tuy nhiên, việc tốc độ tín dụng tăng rất nhanh trong năm qua cũng là một điều cần cảnh báo về nguy cơ phát sinh nợ xấu.

Lãi suất lại tăng: Ngân hàng khát vốn - 1

Ông Lê Đức Thúy.

Ông Lê Đức Thúy: Đã làm ngân hàng đương nhiên có nợ xấu nhưng ở đây nợ xấu theo báo cáo mới nhất từ NHNN dưới 3%, nhìn con số, cách đánh giá nợ xấu của Việt Nam chưa theo chuẩn mực thế giới.

Ngân hàng tạo ra nợ xấu thì phải chịu thế nhưng nếu ôm quá nhiều nợ xấu thì ngân hàng không thể làm tròn vai trò là trung gian tài chính, là nguồn phân bổ vốn cho nền kinh tế. Nếu để ngành ngân hàng sang một bên mà nền kinh tế vẫn phát triển thì không còn phải bàn. Thế nhưng sức khỏe của nền kinh tế gắn với ngân hàng, giống như cơ thể phải có tim phổi, ngành ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế. Nên nếu nhìn nhận theo hướng: Cứ để mặc, kệ nó cho nó tự xử lý thì theo tôi là thiếu trách nhiệm.

Lãi suất lại tăng: Ngân hàng khát vốn - 2

Ông Nguyễn Xuân Thành.

Ông Nguyễn Xuân Thành: Nợ xấu chưa xong lại còn vấn đề lãi dự thu nữa. Nợ xấu vẫn phải nuôi nợ xấu. Báo cáo tài chính của ngân hàng mặc dù ghi nhận khoản lãi trên số tiền cho vay nhưng thực tế chưa nhận được tiền. Từ đây dẫn đến nhiều hệ lụy. Cần cảnh báo được sự nguy hiểm của lãi dự thu đối với hệ thống bởi lợi nhuận của ngân hàng chủ yếu đến từ khoản này. Vấn đề này không chỉ tập trung ở những ngân hàng yếu kém đang trong quá trình tái cơ cấu mà tồn tại cả ở một số ngân hàng có quy mô vừa trở lên. Chúng ta nhìn vào dòng tiền ngân hàng thì thấy ngân hàng huy động của dân thì phải trả lãi bấy nhiêu, chứ không phải lãi dự trả được, còn lãi cho vay anh chưa nhận được mà anh lại dự thu. Nếu như phần dự thu mà anh không thu được thì lại là một áp lực.

Thế nên, trong con số thu nhập lãi thuần 2,74% mà các ngân hàng công bố có một phần “ảo” trong đó.

Chúng ta cũng cần phải nhìn vào một thực tế rằng, cùng với nợ xấu, một vấn đề nữa được nhiều doanh nghiệp lo lắng là lãi suất đang có chiều hướng tăng lên?

Ông Lê Đức Thúy: Lãi suất huy động tăng lên, có thể mức lãi suất cho vay trung bình dài hạn sẽ lên 11% một năm.

Ông Trương Văn Phước: Bất cập trong việc vốn cho vay trung và dài hạn tăng nhanh, gây áp lực lên lãi suất. Tín dụng trung dài hạn năm 2015 tăng 31,1%, trong đó có nguyên nhân từ khu vực bất động sản và việc cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp theo Quyết định 780. Năm 2015 đáng lẽ lãi suất có điều kiện để giảm thêm nữa, khi lạm phát trong năm 2015 thấp. Còn trong năm nay, do việc phải điều chỉnh lại cơ cấu nguồn vốn, việc sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước có thể khiến lãi suất tăng.

Sức khỏe hệ thống ngân hàng theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia vẫn còn chênh vênh. Đầu tuần vừa rồi Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đặt kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm 2016 ở ngưỡng 6,7% - 6,8%? Các ông có thể bình luận về con số này?

Ông Trương Văn Phước: - Năm 2016, gia tốc tăng trưởng sẽ chậm lại, do tăng trưởng chủ yếu phụ thuộc vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chứng tỏ nội lực trong nước còn yếu. Bội chi ngân sách cao trong bối cảnh trần nợ công khiến cho dư địa cho đầu tư phát triển hạn chế...là những cảnh báo được Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (NFSC) dự báo.

Ông Lê Đức Thúy: Theo tôi, nên nhìn nhận 2016 sẽ có gì khả quan, hình dung sắp tới nên làm gì sẽ phù hợp để đưa ra các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng.

Ông Nguyễn Xuân Thành: - Rất nhiều tổ chức quốc tế đưa ra nhận định, đó là kinh tế thế giới có sự phục hồi nhưng sự phục hồi chưa bền vững. Song nghiên cứu của chúng tôi lại có nhận định khác: thực ra đã phục hồi nhưng phục hội lại ở góc độ tăng trưởng thấp hơn.

Việt Nam được đánh giá là có cơ tăng trưởng cao. Mặt khác, nhìn lại 2015 Việt Nam trở thành điểm sáng tăng trưởng với con số 6,7%. Vậy thì chúng ta cần thay đổi gì khi nội lực vẫn tự phát triển?

Trân trọng cảm ơn!

Hồ Hương (thực hiện)