Ứng phó với hiểm nguy

Nhị Hà 19/03/2016 23:12

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), vừa qua một số trường tiểu học trên địa bàn thông tin có người lạ trà trộn vào sân trường để lân la làm quen và đề nghị đón học sinh, gây hoang mang trong dư luận về nạn bắt cóc trẻ em.

Ứng phó với hiểm nguy

Ảnh minh họa.

Cụ thể, mới đây nhất tại trường tiểu học Phan Như Thạch (phường 9, thành phố Đà Lạt) đã xảy ra tình trạng có người lạ mặt tới cổng trường lân la hỏi thăm tên của phụ huynh học sinh. Sau đó dụ dỗ các em lên xe để chở về nhà nhưng các học sinh đều từ chối và báo lại sự việc với phụ huynh và giáo viên. Vụ việc tương tự cũng xảy ra tại trường tiểu học Trần Quốc Toản (xã Hà Đông, Đạ Tẻh) vào dịp cuối tháng 2 vừa qua.

Để ngăn chặn và lường trước những tình huống xấu có thể xảy ra, ngày 17/3, Phòng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu ban giám hiệu các trường sớm thực hiện một số biện pháp nhằm tuyên truyền nâng cao ý thức tại nhà trường cũng như trong cộng đồng. Cụ thể, các đơn vị trường học cần phân công bảo vệ trực trường và cổng trường nghiêm ngặt, đặc biệt vào các giờ cao điểm, giờ đưa đón học sinh, tránh để người lạ trà trộn vào trường và khu vực cổng trường. Hiệu trưởng các trường phải tuyên truyền đến đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh nâng cao ý thức, tăng cường cảnh giác và giáo dục học sinh tránh tiếp xúc với người lạ.

​Có thể nói các biện pháp mà Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Lạt đưa ra là khá kịp thời nhưng không tránh được cảm giác mất bò mới lo làm chuồng.

Trẻ con vốn hiếu động, hiếu kỳ và muốn khám phá những điều mới lạ. Trong cuộc sống ngày nay, khi xã hội ngày càng hiện đại, càng phát triển thì những mối nguy hiểm cho trẻ con ngày càng nhiều. Những nguy hiểm có thể xảy ra với trẻ không chỉ ở gia đình, ở trường học, ngoài đường mà còn ở bất kỳ đâu trong cuộc sống này. Có rất nhiều tình huống có thể xảy ra với con trẻ mà bố mẹ, nhà trường không thể lường hết được.

Đa phần các bậc cha mẹ và nhà trường đều ý thức được điều này, nhưng không phải ai cũng có phương pháp dạy trẻ những kỹ năng bảo vệ bản thân đúng đắn. Sự lựa chọn thường gặp của phụ huynh và nhà trường nghiêm cấm con tiếp xúc với các rủi ro. Song theo các chuyên gia tâm lý, việc chỉ nghiêm cấm mà không trau dồi các kỹ năng bảo vệ bản thân càng kích thích tính tò mò, muốn khám phá trong trẻ và không mang lại nhiều tác dụng.

Để trẻ có thể tự bảo vệ bản thân mình trước những nguy hiểm, nhà trường và phụ huynh cần giúp trẻ hình thành thói quen và kỹ năng cần thiết. Ngoài ra, cũng cần dạy cho trẻ biết những mối nguy hiểm và kỹ năng ứng phó với nguy hiểm mà trẻ có thể gặp phải trong gia đình, ở trường học và ngoài xã hội phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Bồi dưỡng kỹ năng sống, không thể trong một sớm một chiều mà là cả một quá trình. Vì thế, ngoài việc chú trọng giảng dạy các môn văn hóa thì giáo dục kỹ năng sống cho học sinh cần phải được phụ huynh và các nhà giáo dục chú trọng.

Nhị Hà