Sập cầu Ghềnh: Thợ lặn chuyên nghiệp tìm người

Bài ảnh: Đoàn Xá 20/03/2016 19:04

Cảnh sát đường thủy vẫn đang tích cực tìm kiếm quanh khu vực cầu Ghềnh bị sập. Ngoài ra, một đội gồm nhiều thợ lặn chuyên nghiệp đang tìm dưới lòng sông nơi xảy ra vụ tai nạn.

Hiện trường vụ tai nạn.

Trưa 20/3, một vụ tai nạn đường thủy nghiêm trọng đã xảy ra khi một sà lan đầu kéo đâm sập cầu Gềnh nằm ở phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Điều đặc biệt, mặc dù là vụ tai nạn đường thủy nhưng hậu quả của nó là hàng trăm chuyến tàu chạy Bắc Nam bị ngưng trệ bởi đây là tuyến đường sắt độc đạo tới ga Sài Gòn.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại hiện trường, tới cuối ngày 20/3, hàng trăm người dân vẫn tụ tập hai bên bờ sông gần chân cầu để xem vụ tai nạn. Hiện trường vụ tai nạn, 1 khối trụ của cầu Gềnh bị đổ sập chìm xuống lòng sông.

Chiếc sà lan mang biển số SG 3745 do tài công Nguyễn Văn Thưởng điều khiển đã bị lật úp nhưng không cản trở nhiều đến giao thông đường thủy. Khi xảy ra tai nạn, trên sà lan có khoảng 3-4 người.

Chủ phương tiện, bà Nguyễn Thu Hồng, ngụ tại quận Phú Nhuận (TP HCM) xác nhận, lúc xảy ra tai nạn, tàu đang đi từ hướng TP HCM lên huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai). Trên sà lan lúc đó có khoảng 800 tấn cát sỏi.

Tuy nhiên, giao thông đường thủy qua khu vực này tạm thời được phong tỏa để phục vụ mục đích tìm kiếm cứu nạn và khắc phục sự cố.

Anh Phong, một người dân ở khu phố 3 (phường Bửu Hòa), gần hiện trường cho biết, vụ tai nạn xảy ra rất nhanh. Khi nghe tiếng động lớn, chỉ chừng vài phút là hai nhịp cầu đổ sập xuống. Ngoài ra, anh cũng xác nhận, lúc xảy ra tai nạn, nhiều người đang lưu thông trên cầu. Có ít nhất 3 người đã rơi xuống sông nhưng không có ai thiệt mạng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều xe máy bị mắc kẹt ở các thanh sắt hai bên cầu.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai có mặt tại hiện trường cho biết: “Theo kết quả điều tra ban đầu cho thấy, chưa có nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ tai nạn này. Tuy nhiên, ưu tiên của chính quyền địa phương vẫn là tìm kiếm nạn nhân nếu có. Cảnh sát đường thủy vẫn đang tích cực tìm kiếm quanh khu vực xảy ra tai nạn. Ngoài ra, một đội gồm nhiều thợ lặn chuyên nghiệp đang tìm dưới lòng sông nơi xảy ra vụ tai nạn”.

Thông tin với chúng tôi, ông Đặng Mạnh Trung, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Đồng Nai cho biết, sau hơn 4 giờ tìm kiếm liên tục, lực lượng chức năng chưa phát hiện thi thể nào trên sông. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đang khẩn trương khắc phục sự cố mất điện, nước và các tuyến cáp kéo qua khu vực đã bị hư hỏng bởi vụ tai nạn.

Nhiều thợ lặn đang tìm kiếm nạn nhân mất tích.

Trong khi đó, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, ngày 20/3 có 6 đoàn tàu chuẩn bị xuất phát ở ga Sài Gòn chở 1.107 hành khách đã phải tạm dừng. Song song với đó, có 1.548 hành khách đáp xuống ga Sài Gòn cũng bị dừng ở ga Biên Hòa. Dự kiến, tất cả các hành khách đi tàu ở ga Sài Gòn sẽ được vận chuyển bằng đường bộ xuống ga Biên Hòa để đi tiếp và ngược lại. Nếu hành khách có nhu cầu trả, đổi vé sẽ được miễn phí toàn bộ chi phí.

“Do vụ tai nạn nghiêm trọng, có thể kéo dài thời gian khắc phục sự cố nên trong thời gian tới, tất cả hành khách đi tàu ở ga Sài Gòn sẽ được vận chuyển tới ga Sóng Thần, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương sau đó vận chuyển bằng đường bộ xuống ga Biên Hòa. Ở chiều ngược lại, khách cũng được vận chuyển tương tự”.

Cầu Gềnh được xây dựng từ thời Pháp thuộc, có tuổi đời hơn 100 năm. Hiện cầu chỉ dành cho phương tiện là tàu hỏa lưu thông chính giữa và hai bên cầu dành làn đường nhỏ cho người dân đi bộ và xe máy.

Bài ảnh: Đoàn Xá