Khi người tiêu dùng chưa thấu quyền ‘tự bảo vệ’…
Đại đa số người tiêu dùng hiện nay mới chỉ nhận thức quyền được khiếu nại, bồi thường khi mua phải hàng hóa giả hoặc kém chất lượng. Dường như, 8 Luật của người tiêu dùng “chưa đến” được đông đảo người dân.
Ảnh minh họa.
Theo khảo sát của siêu thị Big C Thăng Long, trong 1.000 người một ngày được tư vấn về 8 Luật quyền lợi của người tiêu dùng, đại đa số mới chỉ dừng ở quan niệm mua hàng lỗi, hàng giả, hàng nhái, sẽ được khiếu nại và bồi thường.
Trong khi đó, những quyền và nghĩa vụ của mình, hay nói cách khác luật tự bảo vệ mình, dường như còn rất mơ hồ, thậm chí không biết đến sự tương tác giữa khách hàng và doanh nghiệp căn cứ ở những Luật nào.
Đó cũng là lý do, hàng nghìn thắc mắc gọi đến Tổng đài 1081 (tổng đài giải tư vấn kết nối người tiêu dùng với doanh nghiệp) trong thời gian qua để yêu cầu giải quyết các khiếu nại chủ yếu về sản phẩm, làm cách nào đổi sản phẩm khi không hài lòng.
Ở đây, người dân chưa hiểu “đủ”, tự bảo vệ mình còn có trách nhiệm phát hiện, tố cáo các hành vi gian dối về tiêu chuẩn, đo lường, nhãn hiệu hàng hóa… của doanh nghiệp, để từ đó đưa ra cảnh báo với doanh nghiệp, các cơ quan chức năng nhà nước để xử lý vi phạm.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long cho biết, trong hàng trăm thắc mắc, khiếu nại của khách hàng, siêu thị sẽ biết nhóm sản phẩm nào người dân quan tâm, từ đó cảnh báo với doanh nghiệp sản xuất. Nếu sản phẩm tiếp tục bị người dân phản ánh, siêu thị sẽ không cho doanh nghiệp kinh doanh.
Người tiêu dùng chính là “đánh giá” quan trọng nhất đối với doanh nghiệp. Muốn tồn tại và nâng vị thế thương hiệu của doanh nghiệp, rõ ràng cần hơn nữa sự tương tác của khách hàng.
“Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn không hiểu mình có quyền lợi và nghĩa vụ như thế nào khi tham gia mua sắm. Tăng cường tuyên truyền là cách tốt nhất đề người dân biết, từ đó tự bảo vệ mình”, ông Dũng cho biết.
Đó cũng là lý do Tháng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm nay (tháng 3), do Sở Công thương Hà Nội tổ chức, đã có chủ đề “Doanh nghiệp có hàng, người tiêu dùng có quyền”, với sự tham dự của 41 doanh nghiệp, với hơn 300 điểm bán hàng vì người tiêu dùng.
Kèm theo đó là những chuỗi sự kiện Mít tinh Ngày Quyền người tiêu dùng 15/3, ngày hội tri ân khách hàng (19 và 20/3), Tọa đàm “Quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ của người tiêu dùng”, phát miễn phí hơn 10.000 cẩm nang quyền lợi người tiêu dùng cho nhân dân, thiết lập Facebook và website về vì quyền lợi người tiêu dùng…
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, tăng cường cho người dân tiếp cận quyền lợi của mình là sự kích cầu trong sản xuất và tiêu dùng, kích thích và khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp.
Trong Tháng vì hành động người tiêu dùng, lực lượng quản lý thị trường, chi cục VSATTP, các lực lượng chức năng TP cũng đã tăng cường xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh, buôn bán.