Giải pháp ngăn ngừa ngập mặn rất phân tán
Xâm nhập mặn đã diễn ra từ vài năm gần đây, nhiều tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã kiến nghị với Chính phủ, tuy nhiên không được đầu tư xây dựng đích đáng để ngăn chặn. Đến khi bị ảnh hưởng thì hậu quả rất nặng nề. Vậy trách nhiệm nằm ở đâu?
Trao đổi với ĐĐK, ĐBQH Nguyễn Văn Thanh (nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Long), Ủy viên Ủy ban Khoa học- công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, đây là do sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các cơ quan chức năng đặc biệt là các cơ quan chủ trì là Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) –Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT)-Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT).
Ông Nguyễn Văn Thanh.
PV: Tình hình xâm nhập mặn đã xảy ra nhiều năm rồi nhưng tại sao không kịp thời ngăn chặn; mà để đến bây giờ xâm nhập mặn đã nghiêm trọng rồi thì khắc phục lại rất tốn kém?
Ông Nguyễn Văn Thanh: Vấn đề này cũng có vướng mắc nhất định, kịch bản biến đổi khí hậu chỉ là một phần nhưng theo tôi quan trọng cần quyết liệt hơn. Sự phối hợp trong điều hành lưu vực sông Mê Kông là một ví dụ, đã có kiến nghị với Bộ TN&MT nhiều lần nhưng tổ chức chưa phù hợp với lưu vực sông Mê Kông. Cần phối hợp với các nước trên thượng nguồn đặc biệt ở Campuchia, Lào, Trung Quốc điều tiết nước trong hệ thống sông Mê Kông hết sức quan trọng.
Thưa ông, được biết hàng năm tiền đầu tư cho việc khắc phục tác hại của biến đổi khí hậu rất lớn nhưng thực tế chưa đạt được hiệu quả. Vậy trách nhiệm của các bộ ngành như thế nào?
- Đây là do sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các cơ quan chức năng đặc biệt là các cơ quan chủ trì là Bộ TN&MT –Bộ NN&PTNT-Bộ KHĐT. Sự phối hợp thiếu đồng bộ và tính quyết liệt chưa cao, đặc biệt là trong thống nhất quản lý nguồn đầu tư cho khu vực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, cũng như các biện pháp ngăn ngừa mặn hiện nay rất phân tán. Thành ra vừa tốn kém nguồn lực, vừa thiếu tập trung cho nên bây giờ khi nảy sinh ra thì nhiều tỉnh bị ảnh hưởng, nguồn lực bị thiệt hại rất là lớn. Tôi nghĩ vấn đề này cần phải được rút kinh nghiệm sâu sắc và phải phân công trách nhiệm rõ ràng trong quản lý lưu vực, trong quản lý tài nguyên, trong đầu tư, và trong điều chỉnh quá trình sản xuất.
Quốc hội có đặt ra mục tiêu giữ 3,8 triệu ha đất lúa vì vấn đề an ninh lương thực. Tuy nhiên, trước diễn biến của xâm nhập mặn thì khó mà có thể giữ được mục tiêu này. Vậy chúng ta cần có giải pháp nào để đảm bảo an ninh lương thực cũng như đời sống cho dân, thưa ông?
- Theo tôi ngoài biện pháp công trình để ngăn ngừa và thích nghi, thì phải áp dụng những thành tựu khoa học vào thực tiễn. Vì sản xuất lúa và sản xuất nông nghiệp phải thích nghi trong hoàn cảnh diễn biến của thiên nhiên như thế nào? Phải có điều kiện về kỹ thuật canh tác cũng như mô hình canh tác cho phù hợp để khai thác có hiệu quả cao nhất tiềm năng và lợi thế từng vùng. Còn những vùng không thể chuyển đổi cơ cấu mùa vụ được thì phải có biện pháp ngăn ngừa để đảm bảo cuộc sống cho người dân.
Hôm nay Bộ TNMT có trình Quốc hội về kế hoạch sử dụng đất trong 5 năm tới. Vậy trước vấn đề xâm nhập mặn đang hoành hành, ông nhận định như thế nào về kế hoạch trên?
- Tôi thấy kế hoạch đã có tính toán trên cơ sở khoa học, phát triển nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực, cũng như thị trường xuất khẩu, công nghiệp, dịch vụ. Tuy nhiên, theo tôi trong vấn đề nông nghiệp chúng ta phải quản lý kỹ và khai thác đúng mức, có hiệu quả.
Ông có kiến nghị gì với Quốc hội về vấn đề xâm nhập mặn?
- Tôi kiến nghị Quốc hội phải có đầu tư rất tích cực trong năm 2016 để người dân yên tâm chăm lo sản xuất, thoát khỏi cảnh khó khăn trong lúc này. Còn về lâu dài thì cần kịch bản điều hành lưu vực sông Mê Kông, có sự phối hợp với phía thượng nguồn, đặc biệt là các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc trong điều tiết nước.
Xin cảm ơn ông!