Giá thép nhảy múa - người tiêu dùng chịu thiệt

Hồ Hương 22/03/2016 02:19

Bắt đầu từ ngày mai (ngày 23/3) việc áp thuế tự vệ đối với mặt hàng phôi, thép dài kéo dài trong 200 ngày được bắt đầu. Điều này thể hiện sự chủ động sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại thời hội nhập nhưng cùng với đó, nghi vấn về việc giá theo trong nước đang “té nước theo mưa”. Có hay không tình trạng thao túng giá thép, gây thiệt cho người tiêu dùng.

Có hay không việc thao túng giá thép

Bắt đầu từ ngày mai (ngày 23/3) kéo dài đến hết ngày 7/10/2016, phôi thép và thép dài nhập khẩu từ nhiều nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam sẽ chịu thuế tự vệ tạm thời, lần lượt là 23,3% và 14,2% theo quyết định của Bộ Công thương.

Áp thuế tự vệ xuất phát điểm từ việc 4 công ty sản xuất thép trong nước là Công ty CP Thép Hòa Phát, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty CP Thép Việt Ý gửi lên Bộ Công thương kêu cứu về việc thép ngoại đè thép nội.

Chỉ tính riêng năm 2015 phôi thép nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam với tổng khối lượng lên đến gần 1,9 triệu tấn. Trong đó chủ yếu là phôi nhập khẩu từ Trung Quốc với số lượng tăng đột biến và giá bán liên tục giảm mạnh. 4 doanh nghiệp này đứng lên yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép dài (thép thanh, thép cuộn) nhập khẩu.

Vì vậy, áp thuế tự vệ đối với mặt hàng phôi, thép, được đánh giá là một hình thức bảo vệ cho doanh nghiệp thép nước nhà, ngoài ra cũng cho thấy sự trưởng thành của doanh nghiệp trong thời hội nhập khi biết vận dụng công cụ phòng vệ thương mại.

Việc tự vệ, bảo hộ mới chỉ bắt đầu, tuy nhiên những ngày qua thị trường thép xây dựng diễn biến nóng. Giá thép nhảy múa, tăng chóng mặt. Nhiều nghi vấn được đặt ra. Có hay không câu chuyện lợi ích nhóm khi các doanh nghiệp sản xuất thép đang có dấu hiệu găm hàng để trục lợi từ việc áp thuế tự vệ?

Trong khi thực tiễn đang hiện hữu người tiêu dùng phải mua thép giá cao, thị trường dường như xuất hiện cơn sốt ảo. Liệu lợi ích các doanh nghiệp ngành thép có thật sự hài hòa, được đảm bảo, bởi khi áp thuế dẫn tới giá phôi thép trong nước sẽ tăng theo, từ đây xảy ra thực trạng các doanh nghiệp nhỏ sẽ phải phụ thuộc vào một số nhà cung ứng phôi thép trong nước.

Trong khi đó không phải doanh nghiệp nào cũng đủ lực từ phôi thép đến thép thành phẩm để hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài như: Hòa Phát, Thép Việt Ý, hay Gang thép Thái Nguyên.

Giá thép chưa dứt cơn tăng

Ông Trần Tuấn Dương,Tổng giám đốc Công ty cổ phần thép Hòa Phát cho biết, giá thép tăng trong những ngày qua do nhiều nguyên nhân. Do giá nguyên liệu thép trên thế giới đang đà tăng mạnh nên thép thành phẩm nhích giá lên là điều dễ hiểu. Thêm vào đó, trước đây Trung Quốc bán phá giá, thép Trung Quốc vào Việt Nam có giá rất rẻ nên để cạnh tranh, giữ thị phần, doanh nghiệp thép trong nước đã phải giảm giá rất sâu. Ông Dương cho rằng với mức giá hiện tại tăng khoảng 3% thì so với mặt bằng chung của năm 2015, mức giá mới vẫn thấp hơn.

Song ghi nhận từ thực tế cho thấy, mức tăng giá thép không chỉ dừng ở con số 3%. Khảo sát tại đại lý vật liệu xây dựng trên phố Minh Khai (Hà Nội) , phố Đê La Thành (Hà Nội), các cửa hàng kinh doanh thép xây dựng trên đường Phạm Hùng (Hà Nội) cho thấy giá thép tăng chóng mặt. Tuần trước vào thời điểm 14/3, giá thép là 10,7 triệu đồng/ tấn, ngày 18/3 giá thép là 12,4 triệu đồng/ tấn.

Trưa 21/3 là 12,6 triệu đồng/ tấn – nhân viên cửa hàng thép ở đường Phạm Hùng trao đổi. Như vậy, giá thép tính vài ngày đã tăng từ 20 – 30%. Việc một số ông lớn ngành thép đang chạy đua tăng giá với giá thép nhập khẩu cho thấy sự không sòng phẳng của doanh nghiệp ngành thép với quyền người tiêu dùng.

Trong một bức thư gửi đến Đại Đoàn Kết ký tên T. Liên, phản ánh: Từ đầu tháng 3 đến nay, thép tăng trung bình 600 đồng/kg (chưa VAT). Đặc biệt, một số công ty thương mại đã cùng với nhà máy bắt tay nhau đầu cơ thép xây dựng làm thị trường càng bị khan hiếm thép, vì các đại lý được nhà máy giao hàng không đưa ra thị trường mà đưa về kho chờ lên giá. Các công trình đang thi công thì phải ngừng do hàng không đủ hoặc bị chậm trễ do lượng xe lấy hàng ở nhà máy bị dồn ứ. Thậm chí, một số công ty thép Miền Nam gửi mail phân bổ lượng hàng được lấy như thời bao cấp với lý do nguyên liệu khan hiếm.

Anh Nguyễn Công An (Hoàng Mai – Hà Nội- Giám đốc Công ty xây dựng An Phát lấy ví dụ, với một căn hộ diện tích 3,5m x 15m, chi phí xây dựng phần thô mà công ty anh báo cho khách hàng là 420 triệu. Giá này được báo ở thời điểm, giá thép 10,5 triệu đồng/ tấn. Nay giá thép tăng 20% thì chi phí xây thô cũng tăng lên tương ứng khoảng 84 – 100 triệu đồng.

Hồ Hương