Khai thác đất mặt ruộng, lợi bất cập hại

Quốc Khánh - Hữu Nguyễn - Bình Minh 22/03/2016 10:00

Hàng năm, cứ đến mùa khô thì bà con nông dân Đồng bằng sông Cửu Long lại bán đất mặt ruộng vì cho rằng đất đó đã bạc màu, bán đi kiếm được ít tiền, sau đó lại mua phân bồi bổ cho đất. Quan điểm này theo các nhà khoa học là sai lầm bởi bán đất mặt ruộng, lợi bất cập hại.

Rầm rộ khai thác đất mặt ruộng ở An Giang.

Muôn kiểu bán đất mặt ruộng

Về Sóc Trăng những ngày này, về các huyện Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, Thạnh Trị, Ngã Năm,… những xe cuốc, xe ben hoạt động rầm rộ gần như cả ngày lẫn đêm, khai thác đất mặt ruộng đem đi san lấp cho các ao hồ, đắp nền nhà,…. Theo thông tin từ các phòng nông nghiệp tài nguyên và môi trường các huyện, thị, thành của tỉnh Sóc Trăng: Những năm qua, hàng ngàn ha đất mặt ruộng lúa ở Sóc Trăng bị “tùng xẻo” để san lấp mặt bằng, sản xuất vật liệu xây dựng,… một cách bừa bãi nhưng chính quyền địa phương lại chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.

Đó là chưa kể đến hàng triệu m3 cát được khai thác từ sông Hậu cũng như nạo vét từ các dòng kênh ở các huyện, thị, thành trong tỉnh gây nên tình trạng xói lở dòng sông, làm lở đất ven bờ sông Hậu thuộc các huyện Kế Sách, Long Phú, Cù Lao Dung, Trần Đề. Từng đoàn xe cuốc, xe ben hoạt động hết công suất, chạy ngày chạy đêm, thi nhau “xẻ thịt” những thửa ruộng ngay sau khi lúa vừa mới thu hoạch xong.

Tại Vĩnh Long, nhiều hộ nông dân ở các huyện Long Hồ, Vũng Liêm ồ ạt bán đất mặt ruộng cho các lò gạch khiến mặt đất ruộng trũng thấp, lồi lõm. Đến ấp An Hòa và An Hòa A, xã Bình Ninh, huyện Tam Bình (Vĩnh Long), nơi đây có khoảng 4 địa điểm được thương lái đặt máy ép đất để thu mua và vận chuyển đất ruộng của nông dân. Theo người dân địa phương, đất mặt ruộng là đất sét, được bán cho các lò gạch ở Vĩnh Long và các tỉnh lân cận mang về sản xuất. Việc này, đã diễn ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không can thiệp được.

Đến An Giang, tình trạng khai thác lớp đất mặt ruộng làm nguyên liệu sản xuất gạch ngói trái phép những tháng gần đây có chiều hướng gia tăng trên địa bàn huyện Chợ Mới. Ở các xã Mỹ Hội Đông, Kiến An, Long Giang, Long Điền A, Nhơn Mỹ…. môi trường bị ô nhiễm vì khói bụi. Cuộc sống người dân bị đảo lộn. Tại đây, tiếp xúc với những hộ có đất bán, họ giải thích phải bán lớp đất mặt ruộng để hạ thấp mặt ruộng do đất gò cao, không có nước, sản xuất lúa không hiệu quả. Bà con cho rằng cần cải tạo đất để có tiền mua phân bón, thuốc trừ sâu cho vụ lúa tiếp theo.

Lớp đất mặt ruộng được bán khoảng từ 30- 50cm với giá từ 500.000 đồng đến 600.000 đồng/công (1.000m2). Tính ra, mỗi công đất, nếu khai thác đúng thỏa thuận sẽ mất từ 60- 70m3 đất. Giá đất của các chủ khai thác bán lại cho người có nhu cầu mỗi xe ben đất (ước khoảng từ 7- 8m3) từ 500.000 đồng trở lên. Như vậy, chủ khai thác sẽ kiếm lời từ việc khai thác đất này gần 5.000.000 đồng/công.

Khuyến cáo dừng khai thác

Khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý đất mặt ruộng là do chưa có cơ chế xử phạt. Để ngăn chặn tình trạng người dân bán đất mặt ruộng, mới đây, UBND huyện Chợ Mới (An Giang) ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh và chỉ đạo UBND các xã tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ tài nguyên đất. Tuy vậy, tình trạng khai thác trái phép ở các địa phương không giảm. Ông Hồ Đăng Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hội Đông cho biết: Toàn xã có 9/10 ấp diễn ra tình trạng mua bán đất trái phép.Từ tháng 9-2015 đến nay xã đã xử phạt 9 trường hợp. Những trường hợp bán đất mà bị lập biên bản 3 lần thì sẽ bị thu hồi đất do sử dụng sai mục đích…Tuy nhiên, do lợi nhuận cao hơn xử phạt nên người dân bất chấp vi phạm.

Sở Tài nguyên Môi trường Sóc Trăng đã có công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường các huyện, thị xã, thành phố phối hợp các ban, ngành có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện những trường hợp tự ý khai thác, lấy tầng mặt đất trồng lúa, có biện pháp khắc phục kịp thời, bảo vệ tốt nguồn tài nguyên đất.

Dưới con mắt của nhà chuyên môn, PGS.TS Võ Quang Minh, Trưởng bộ môn Tài nguyên đất đai (Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên – Đại học Cần Thơ) phân tích, nếu khai thác đất mặt ruộng quá sâu, ngoài việc mặt ruộng không bằng phẳng còn có thể gây nguy cơ làm đất dậy phèn, tiến đến ruộng không thể trồng lúa được. Việc khai thác, lấy tầng mặt của đất trồng lúa là hành vi vi phạm pháp luật, hủy hoại đất, làm biến dạng địa hình, suy giảm chất lượng đất.

GS.TS Võ Thị Gương, chuyên gia khoa học đất nhìn nhận, năng suất lúa sẽ giảm từ 20-40% khi đất bị mất đi tầng đất mặt dù nông dân bón phân vô cơ với lượng khá cao. Phải mất 5 - 6 năm sau mới có thể phục hồi lại được năng suất lợi nhuận như trước.

Quốc Khánh - Hữu Nguyễn - Bình Minh