Gần 30 năm ở trọ 'chờ' cấp đất

Nguyễn Chung - Đình Giang 22/03/2016 13:45

8 hộ dân phường Đông Hương, TP Thanh Hoá dù nộp tiền cấp đất cho chính quyền địa phương từ những năm 1991, nhưng gần 30 năm trôi qua, các hộ trên vẫn chờ đợi trong vô vọng. 

Ông Nguyễn Xuân Hùng.

Không chấp nhận quyết định của thành phố

Theo phản ánh của 8 hộ dân phường Đông Hương, TP Thanh Hoá thì các hộ thuộc diện gia đình chính sách, gia đình là quân nhân, gia đình có công với cách mạng… được các cấp chính quyền địa phương thời điểm bấy giờ (năm 1991) lập danh sách cấp đất ở theo chủ trương chung. Sau khi có danh sách, 8 hộ dân đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính lúc bấy giờ như bao hộ dân khác (đã được cấp đất ở lâu dài), có phiếu thu tiền lệ phí đất do Sở Tài chính đóng dấu… Thế nhưng, do được cấp đất loại 3, đất thuộc hộc sâu không có điều kiện san lấp để ở, cùng một số khó khăn khác mà họ chưa đồng ý nhận đất. Thời gian đã gần 30 năm trôi qua, nhiều lần các hộ làm đơn đề nghị các cấp chính quyền địa phương, thành phố tạo điều kiện để các hộ có đất ở, làm ăn ổn định lâu dài nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Ông Nguyễn Xuân Hùng (60 tuổi) cho biết: Hiện 8 hộ dân đang rất khó khăn về đất ở. Hộ thì phải đi ở trọ, ở nhờ; hộ thì túng quá làm liều ra phần đất nông nghiệp dựng lều để ở tạm. Như trường hợp của ông Hùng thì phải ở nhờ trên phần đất của ông bà. Trường hợp bà Vũ Thị Hạnh (con dâu được ông Thành uỷ quyền) thì khó khăn vô cùng.

Chồng bà Hạnh mất sớm, khi đó vợ chồng bà còn đang ở cùng bố mẹ chồng. Sau khi chồng mất thì phải đi ở trọ, ở thuê nơi khác, còn đất nhà thì gia đình nhà chồng chia cho 2 người chú (em trai của chồng). Thừa hưởng duy nhất của bà Hạnh là tờ uỷ quyền của mẹ chồng về phần đất đã đóng tiền gần 30 năm trước. Trong khi đó, trường hợp Nguyễn Thế Dụ và ông Nguyễn Trọng Quyết vì không được giải quyết mà bất chấp ra phần đất nông nghiệp địa phương để dựng lều ở. “Những hộ ấy không có nhà, có đất nên cố cùng được, chứ như tôi là đảng viên sao làm thế được!? Vậy nhưng, như thế lại hoá hay vì hoàn cảnh của họ thì chả ai nỡ ra đuổi. Bây giờ họ được tạo điều kiện để hợp thức hoá mảnh đất” - ông Hùng cho biết.

Sau nhiều lần đơn thư đề nghị giải quyết; nhiều hứa hẹn của các cấp lãnh đạo thành phố, cuối cùng 8 hộ dân mới ngã ngửa khi nhận được văn bản trả lời số 2706/UBND-TTr ngày 5/8/2015 do ông Đào Trọng Quy- Chủ tịch UBND TP Thanh Hoá ký với nội dung: Chi trả lại số tiền các hộ đã nộp mua đất và lãi suất theo lãi suất ngân hàng tính từ thời điểm nộp tiền đến nay; Nếu các hộ chưa có nhà ở, có nhu cầu mua đất ở đề nghị các hộ mua đất tái định cư tại các mặt bằng trên địa bàn thành phố…

Ông Hùng không đồng tình với cách giải quyết của Thành phố: “Các hộ dân chúng tôi là các hộ thuộc diện hộ chính sách của địa phương, đối tượng gia đình thương binh, liệt sĩ, quân dân, công chức, những gia đình có 3 cặp vợ chồng… thì được cấp đất ở xã hội theo chủ trương của xã Đông Hương (cũ) nay là phường Đông Hương, theo tiêu chuẩn của pháp luật, chứ không phải nộp tiền vào ngân hàng gửi tiết kiệm, lấy lãi suất. Bên cạnh đó, chúng tôi được cấp đất chứ không phải mua đất”.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trọng Anh- Chủ tịch UBND phường Đình Hương cho biết: Sau khi họp xác minh lại sự việc thì phần lớn các hộ trên đã được giao đất, nhưng do điều kiện, lý do nào đó các hộ này không nhận. Để giải quyết vấn đề này, UBND phường đã làm báo cáo lên UBND thành phố. “Trong năm 2015 có 2 hộ được cấp đất là hộ ông Dụ và Quyết như phản ánh của bà con là không đúng. Trong 8 hộ này có 2 trường hợp trên đặc biệt khó khăn về nơi ở nên họ đã ra làm nhà tạm trên phần đất nông nghiệp và đề nghị được hợp thức hoá. Nếu như phù hợp với quy hoạch thì phường sẽ tạo điều kiện, các hộ sẽ phải nộp tiền sử dụng đất” - ông Anh khẳng định.

Ông Anh cho biết thêm: “Việc này xử lý rất khó vì bấy giờ xã cấp đất cũng không đúng thẩm quyền. Tôi tìm hồ sơ về chủ trương giao đất, cấp đất thời điểm đó cũng không có. Thực ra những trường hợp này không được xem xét nhưng theo Nghị định 84 năm 2009, theo Luật đất đai năm 2003, có ý là cấp đất cho những trường hợp không đúng thẩm quyền nhưng người sử dụng đất đã nộp tiền thì mới được hợp thức hoá. Trường hợp này lại chưa có đất nên sẽ rất khó”.

Trong khi đó, ông Đào Trọng Quy – Chủ tịch UBND TP Thanh Hoá lý giải: Văn bản số 2706/UBND-TTr không phải là Quyết định mà là kết luận buổi làm việc giữa các sở ban ngành liên quan. Sau khi tiếp nhận đơn thư của các hộ, thành phố đã mời các bên gồm đại diện Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên môi trường, Sở Tài chính họp bàn để giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, các trường hợp trên không thể căn cứ vào quyết định hay chủ trương nào lúc bấy giờ. Theo ông Quy thì đây là những trường hợp ngày xưa do UBND xã bán đất trái thẩm quyền, mặc dù chưa có mặt bằng, có đất giao cho người dân nhưng đã thu tiền.

Nếu như lời ông Quy nói thì với cách tính theo lãi suất ngân hàng, mỗi hộ dân này chỉ được nhận số tiền tương ứng từ 700 nghìn đồng đến 5 triệu đồng – số tiền không đủ mua nửa m2 đất ở. Như vậy liệu đã hợp lý!? Người dân chờ đợi suốt gần 30 năm để được cấp đất, có phiếu thu tiền do Sở tài chính đóng, bảo chính quyền bấy giờ sai khi bán đất trái thẩm quyền thì ai chịu trách nhiệm trước những sai phạm ấy! Hay chính quyền cứ làm sai rồi người dân tự gánh chịu!?

Nguyễn Chung - Đình Giang