3 nhân viên cứu đoàn tàu lao xuống sông khi cầu Ghềnh sập
Nhận được cảnh báo của nhân viên gác chắn, đoàn tàu đang chạy tốc độ 40km/h đã phanh gấp, kịp dừng trước cầu Ghềnh vừa sập 200 m, thoát khỏi tai nạn kép.
Đoàn tàu 2542 được 3 nhân viên gác chắn cho dừng khẩn cấp
tránh lao xuống sông. (Ảnh: S.C)
Một ngày sau khi cầu Ghềnh bị sà lan đâm sập khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam chia cắt, các chốt gác đường tàu gần khu vực cầu tạm thời dừng mọi hoạt động. Nhiều người dân tại đây cho rằng, tai nạn đường sắt sẽ nghiêm trọng hơn nếu những nhân viên gác tàu hôm đó không dừng kịp thời đoàn tàu đang lao tới cầu bị sập.
Ông Huỳnh Ngọc Hoàng, nhà gần cầu Ghềnh cho biết, trưa hôm đó, gia đình đang ăn cơm trưa, bỗng nghe một tiếng va chạm rất lớn từ hướng cầu sắt làm rung rinh cả căn nhà. "Chạy ra sông, tôi thấy cầu Ghềnh đã đổ sập trong khi hướng Bình Dương có tín hiệu báo tàu sắp tới. Tôi nhanh chân chạy ngược lên báo anh em trực gác biết để dừng tàu", ông Hoàng kể.
Tỏ ra mệt mỏi sau một ngày đêm căng thẳng cùng các lực lượng chức năng phong tỏa đường ray, giải quyết sự cố sập cầu, anh Phạm Tiến Dũng - Đội trưởng cung chắn Biên Hòa 2 - cho biết, hôm xảy ra sự cố anh cùng hai người nữa báo hiệu cho đoàn tàu dừng kịp lúc.
Theo anh Dũng, khoảng 11h30 ngày 20/3, tổ trực gồm anh, nhân viên gác chắn Ngô Việt Phái, nhân viên báo hiệu Phan Tiến Dũng nhận được lệnh chuẩn bị đón tàu số hiệu 2542 xin qua cầu Ghềnh. Tàu này chở hàng, xuất phát từ ga Sóng Thần (Bình Dương) đi Biên Hòa (Đồng Nai).
"Như mọi lần khác, chúng tôi cũng tổ chức kiểm tra công tác an toàn, đóng đường để tàu qua. Tôi có nhiệm vụ cầm cờ thông báo cho lái tàu biết được phép qua hay dừng lại thôi", đội trưởng Dũng nói.
Anh Phạm Tiến Dũng kể lại thời khắc dừng đoàn tàu chở hàng kịp lúc. (Ảnh: S.C)
Khi ba người chuẩn bị vào công việc, anh Dũng thấy phía xa có người từ cầu Ghềnh chạy tới quơ tay tỏ vẻ hốt hoảng. Thấy dấu hiệu bất thường, anh Dũng cử anh Phái chạy đến xem xét tình hình. Người còn lại được phân công cầm cờ chạy lên đoạn cong gần đó trực chờ chỉ thị từ anh.
Nghe người dân thông báo cầu sập, anh Phái vội vàng ra tín hiệu cho tàu dừng khẩn cấp. Đội trưởng Dũng cũng liền ra chỉ thị cho nhân viên còn lại phất cờ báo tàu dừng lại. "Lái tàu khi nhận được cảnh báo đã phanh gấp, cú phanh kéo dài cả 100 m và dừng cách cây cầu vừa sập đúng 200 m", người đội trưởng kể.
Người cầm cờ báo hiệu tàu dừng cho biết, anh có nghe tiếng nổ lớn trước khi tàu đến nhưng không nghĩ sà lan đụng sập cầu. Khi phát hiện có người từ hướng cầu chạy lên như thông báo nguy hiểm, anh đã bình tĩnh cùng hai đồng nghiệp làm nhiệm vụ để dừng đoàn tàu kịp lúc.
Theo nam nhân viên này, đoàn tàu chở hàng lúc đó chạy ở tốc độ khoảng 40 km một giờ. Cung đường sắt đoạn này bị cong nên hạn chế tầm nhìn, nếu không phát hiện và cảnh báo sớm rất có thể tàu không dừng kịp.
"Dừng tàu là trách nhiệm công việc của mình thôi mà, có gì to tát đâu. Tôi thấy bình thường thôi, mọi chuyện phải xử lý bình tĩnh", nhân viên gác tàu chia sẻ.
Sau khi tàu dừng, tổ trực ngay lập tức báo cáo cấp trên để xử lý tình huống khẩn cấp, kịp thời thay đổi lịch trình để tránh những tình huống dây chuyền đáng tiếc.
Trước hành động kịp thời của tổ gác chắn, ngày 21/3, ông Mai Thanh Phương - Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty đường sắt Việt Nam - đã ký quyết định thưởng nóng cho 3 nhân viên Trạm gác chắn tàu Bửu Hòa, vì "đã phản ứng nhanh, giúp một đoàn tàu chở hàng khỏi rơi xuống sông".
Vị trí tàu dừng chỉ cách cầu Ghềnh khoảng 200 m. (Ảnh: S.C)
Trước đó, ngày 20/3, sà lan chở 800 tấn cát do hai tài công người miền Tây chưa có bằng lái điều khiển khi qua vùng nước xoáy đã đâm sập cầu Ghềnh. Vụ tai nạn khiến 2 nhịp cầu đổ xuống sông, nhiều người thoát nạn bỏ xe bò lên bờ.
Sau khi cầu sập, tuyết đường sắt Bắc - Nam bị đứt mạch, tàu đến ga Biên Hòa sau đó khách được trung chuyển về Sài Gòn. Tuyến giao thông thủy qua khu vực cũng bị phong tỏa. Hai tài công và chủ sà lan đã bị bắt. Phương án khắc phục được đưa ra là xây mới hai trụ và ba nhịp cầu, ngày 15/7 sẽ thông xe tuyến đường sắt qua cầu Ghềnh.