Đừng vì 20% mà làm khổ 80%

Ảnh: Hoàng Long 22/03/2016 14:13

Đó là kiến nghị của ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) khi Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế, diễn ra ngày 22/3.

Không nên làm Luật vì 20% để làm khổ 80% làm tốt.

80% tốt, 20% chây ỳ

Ông Lịch cho rằng, sắp tới nên sửa lại cơ bản Luật này, bởi quản lý thuế tốt nhất là cho người chấp hành tốt. Hiện 80% doanh nghiệp chấp hành tốt, còn 20% là không tốt khi trốn thuế, chây ỳ nộp thuế. Không nên làm Luật vì 20% để làm khổ 80% làm tốt. Ở các nước nếu phát hiện doanh nghiệp trốn thuế thì họ phạt rất nặng, có khi sạt nghiệp, như thế doanh nghiệp mới tự giác. Cho nên sắp tới cần sửa lại căn bản Luật này.

Liên quan đến việc Luật Quản lý thuế quy định áp mức tiền chậm nộp thuế là 0,04%/ngày, ông Lịch đề nghị giữ nguyên mức 0,03%/ngày như dự thảo trước đây. Bởi nếu 0,04% thì doanh nghiệp phải đi vay ngân hàng để đi nộp thuế, vì vậy nên giữ ở mức 0,03%/ngày như trước đây, tức 12%/năm coi như là Nhà nước cho người ta vay, để họ không phải đến vay ngân hàng.

Đồng tình với quan điểm này, ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, khác với lãi tiền vay trả ngân hàng, tiền chậm nộp thuế không được tính vào chi phí mà doanh nghiệp phải lấy từ lợi nhuận sau thuế. Với tỷ lệ 0,04%/ngày, bằng 14,6%/năm, nếu quy về chi phí lãi vay trước thuế thì tương đương mức 18,25%/năm, đây là mức quá cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp.

“Tại các kỳ họp trước của Quốc hội, không ít đại biểu đã nêu ý kiến về việc đồng thời với quy định phạt chậm nộp tiền thuế, phải tính lãi trả doanh nghiệp trong trường hợp thu thừa thuế hoặc chậm hoàn thuế cho doanh nghiệp. Kiến nghị Quốc hội cân nhắc đưa vào quy định phải trả lãi cho người nộp thuế trong các trường hợp thu thừa thuế hoặc chậm hoàn thuế” - ông Vẻ cho hay.

Căn cứ nào đưa ra 7%?

Liên quan đến Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt có một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể tỷ lệ % giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra trong Luật.

Ông Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp.

Có ý kiến đề nghị làm rõ giá bán bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, UBTVQH đề nghị quy định ngay trong dự thảo Luật, giá bán đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa sản xuất trong nước bán ra không được thấp hơn 7% so với giá bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại bán ra.

Trường hợp bán thấp hơn quy định nêu trên tức là các doanh nghiệp đã có dấu hiệu chuyển giá để trốn thuế thì cơ quan thuế sẽ có thẩm quyền ấn định thuế theo quy định của Luật quản lý thuế.

“Do mỗi loại hàng hoá có mức dao động, tính chất khác nhau, để đảm bảo tính khả thi, UBTVQH đề nghị quy định giao Chính phủ căn cứ vào tính chất của hàng hóa, quyết định mức tỷ lệ cụ thể cho phù hợp với thực tiễn” - ông Hiển bày tỏ.

Trước vấn đề trên, ông Vẻ đề nghị, cân nhắc thêm với nội dung dự thảo quy định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt không được thấp hơn tỷ lệ 7% so với giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra, cơ sở thương mại không có quan hệ công ty mẹ, công ty con với cơ sở sản xuất.

Bởi theo quy định của Luật Cạnh tranh, Luật Thương mại và Nghị định số 94/2012/NĐ-CP thì các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu rượu bia không thể áp đặt giá bán của các cơ sở thương mại độc lập. Thực tế là các cơ sở thương mại bán cho người tiêu dùng theo quan hệ cung cầu nhưng các nhà sản xuất thì không thể kiểm soát được giá bán ra của khâu thương mại độc lập, kể cả cơ sở thương mại độc lập đầu tiên. Cơ sở sản xuất đã bán cho cơ sở thương mại theo hợp đồng, sau đó nếu cơ sở thương mại bán ra cao hơn 7% thì doanh nghiệp sản xuất lại phải khai nộp thêm thuế tiêu thục đặc biệt là chưa hợp lý .

“Nhiều loại hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt có đặc điểm rất khác nhau cho nên chi phí lưu thông trong khâu bán buôn của các cơ sở thương mại đầu tiên cũng rất khác nhau. Việc áp dụng chung một mức trần 7% như dự thảo là rất thấp và quá bất hợp lý vì chi phí vận chuyển của mặt hàng bia từ nơi sản xuất, nơi nhập khẩu đến địa điểm bán ra của cơ sở thương mại sẽ cao hơn mặt hàng ô tô, thuốc lá. Nếu như cần phải quy định mức tỷ lệ % thì cần có khung. Ví dụ từ 3% đến 12% giao cho Chính phủ căn cứ đặc điểm, tính chất của từng mặt hàng để quy định mức tỷ lệ cụ thể. Việc viện dẫn quy định của Luật doanh nghiệp về công ty mẹ, công ty con để xác định giá tính thuế là chưa phù hợp và tạo sự bất bình đẳng, khó khăn cho doanh nghiệp trong nước phát triển mạng lưới phân phối” - ông Vẻ bày tỏ.

Đồng tình quan điểm trên, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đặt vấn đề: tại sao là 7% mà không phải là 5% hay 10%. Khi đưa ra con số cần chính xác thuyết phục cần tiêu chí tính bình quân. Nếu không sẽ tạo sự không minh bạch giữa các doanh nghiệp với nhau.

V.Thắng

Ảnh: Hoàng Long