Thủ tướng: 'Năng lực dự báo của Chính phủ còn hạn chế'
Bên cạnh việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết năng lực dự báo hạn chế dẫn đến một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội thiếu khả thi.
Trong báo cáo dài 17 trang đọc trước Quốc hội sáng 22/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu 8 thành công, 3 nguyên nhân và 5 bài học kinh nghiệm trong quản lý, điều hành Chính phủ suốt nhiệm kỳ 5 năm qua.
Về những thành công, Thủ tướng cho hay Chính phủ đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020 và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 theo nghị quyết của Đảng và Quốc hội, trong đó xác định 10 nhóm nhiệm vụ chủ yếu với 637 đề án lớn, được cụ thể hóa thành 2.600 đề án thành phần.
"Chính phủ, Thủ tướng đã nỗ lực chỉ đạo, điều hành triển khai đồng bộ các mục tiêu trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc", Thủ tướng nhận định.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Theo Thủ tướng, ông và Chính phủ đã tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm phát triển bền vững. Việc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất đã đạt kết quả bước đầu.
Việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng được coi trọng. Cụ thể là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính, phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại.
Bộ máy hành chính, theo Thủ tướng, cũng được tinh giản. Chính phủ hiện có 22 bộ, cơ quan ngang bộ, đã giảm một tổng cục so với đầu nhiệm kỳ. Thủ tướng cũng ban hành Quy chế làm việc, khắc phục tình trạng chồng chéo hoặc bỏ trống chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.
Đạt nhiều thành công song Thủ tướng cũng thẳng thắn thừa nhận năng lực dự báo còn hạn chế nên việc xây dựng mục tiêu, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội còn chưa phù hợp. Một số cơ chế, chính sách còn thiếu tầm nhìn dài hạn, tính khả thi chưa cao và phản ứng chính sách trong một số trường hợp chưa kịp thời.
Việc bảo đảm cân đối thu chi ngân sách nhà nước có mặt còn hạn chế, chậm khắc phục tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá và những bất hợp lý trong cơ cấu chi ngân sách.
"Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, quản lý sử dụng vốn vay ở một số dự án kém hiệu quả, khắc phục còn chậm. Thiếu nguồn lực và cơ chế chính sách hiệu quả để xử lý nhanh hơn nợ xấu", Thủ tướng nói và khẳng định tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng tiềm năng. Năm 2015 tăng trưởng cao nhất kể từ 2008 nhưng bình quân cả nhiệm kỳ vẫn chưa đạt kế hoạch.
Theo ông, những hạn chế nói trên là do nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn chưa đủ rõ và còn khác nhau nên việc xây dựng thể chế, chính sách nhiều mặt còn lúng túng, thiếu nhất quán, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Đồng thời, công tác tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, nhất là trong việc thể chế hóa, tổ chức thực thi pháp luật, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và công tác giám sát, đôn đốc thực hiện.
Những kinh nghiệm được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập là: Tập trung sức hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển nhanh và bền vững; Bám sát chức năng nhiệm vụ, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường đoàn kết thống nhất, phát huy vai trò của tập thể Chính phủ, đề cao trách nhiệm của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ; Tăng cường bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo cải thiện đời sống mọi mặt của người dân; Phát triển kinh tế đi đôi với quốc phòng an ninh, bảo đảm độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ; Tăng cường khối đại đoàn kết và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý nhận định, Báo cáo của Chính phủ đã phân tích đầy đủ tình hình bối cảnh, điều kiện thực hiện chức năng, nhiệm vụ của bộ máy nhà nước ta trong giai đoạn 5 năm nhiệm kỳ 2011-2016.
Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Báo cáo cần phân tích, đánh giá sâu hơn các nội dung liên quan đến hiệu quả, hạn chế, yếu kém và trách nhiệm trong hoạt động của Chính phủ nhiệm kỳ qua.
"Báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí trong thời gian qua; việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn; tham nhũng không những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, không những chỉ là nguy cơ tiềm ẩn mà ngày càng hiện hữu; tình trạng lãng phí còn xảy ra khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực mà chưa có biện pháp khắc phục. Đề nghị trong Báo cáo cần thể hiện rõ hơn nội dung này với sự phân tích, đánh giá, nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp khắc phục", ông Lý nhấn mạnh.