Tổng kết nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội: Sáng thành công, rõ trách nhiệm

Nhóm PV TSCT 23/03/2016 09:43

Ngày 22/3, Quốc hội đã dành thời gian cả ngày để nghe Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trình bày Báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội; nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ. 

Tổng kết nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội: Sáng thành công, rõ trách nhiệm

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trình bày Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Bội chi cao, nợ công tăng... có trách nhiệm của Quốc hội

Trình bày Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, 5 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, với vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, từng vị đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp và các cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai khối lượng lớn công việc về lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát tối cao. Theo Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành trọng trách xây dựng và thông qua bản Hiến pháp 2013, thể chế hóa đường lối của Đảng, đặc biệt là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Cùng với việc thông qua Hiến pháp mới, Quốc hội khóa XIII đã ban hành một khối lượng văn bản quy phạm pháp luật lớn nhất từ trước đến nay với chất lượng ngày càng nâng cao. Đặc biệt, ngay sau khi Hiến pháp mới được thông qua, Quốc hội khóa XIII đã khẩn trương triển khai thực hiện đưa Hiến pháp vào cuộc sống.

Tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn thừa nhận về những tồn tại. Theo đó, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn; cơ cấu ngân sách chưa hợp lý, bội chi cao, nợ công tăng; tái cơ cấu kinh tế chậm; ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm đang là những vấn đề bức xúc; cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu; kỷ luật, kỷ cương công vụ chưa nghiêm; tình hình tội phạm, trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo đứng trước những thách thức mới.

Chủ tịch nước nhận trách nhiệm về một bộ phận cán bộ tư pháp nhũng nhiễu

Báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, đã thực hiện đầy đủ, có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn mà Hiến pháp và pháp luật quy định, cũng như các nhiệm vụ được Bộ Chính trị và Ban Bí thư phân công. Chủ tịch nước đã giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu các chức danh lãnh đạo của Nhà nước, ký quyết định bổ nhiệm các thành viên Chính phủ; tham gia đầy đủ các kỳ họp Quốc hội; quyết định đàm phán điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước, thận trọng, xem xét các văn bản ký kết quốc tế, nhất là các Hiệp định vay vốn ODA, yêu cầu Chính phủ quản lý vốn vay có hiệu quả, đúng pháp luật...

Tổng kết nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội: Sáng thành công, rõ trách nhiệm - 1

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước đã chỉ đạo việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, Khóa IX về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thông qua Nghị quyết số 28 Khóa XI về Chiến lược Bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. “Trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phối hợp chặt chẽ, thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp công tác phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hàng năm, đều có hội nghị tổng kết, rút kinh nghiệm để hoàn thiện tốt hơn cơ chế phối hợp này. Mỗi khi đi công tác địa phương và cơ sở, tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước luôn giành thời gian tìm hiểu tình hình đời sống, sản xuất của nhân dân, lắng nghe và chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, động viên đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước, thăm và tặng quà cho những người nghèo, gia đình chính sách, gia đình có công, các đồng chí lão thành cách mạng, nhân sĩ, trí thức, các chức sắc tôn giáo tiêu biểu”-Chủ tịch nước cho hay.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng thừa nhận có phần trách nhiệm trước những hạn chế, yếu kém của đất nước hiện nay. Theo đó, là Trưởng ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước có trách nhiệm trước thực trạng phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn của một số cán bộ tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu, một bộ phận cán bộ tư pháp nhũng nhiễu, tiêu cực.

Phòng chống tham nhũng chưa thực sự đạt yêu cầu

Trình bày Báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã điều hành chủ động, linh hoạt và phối hợp giữa các chính sách để kiểm soát tốt lạm phát, cơ bản ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và đạt mức tăng trưởng khá cao trong 5 năm 2011 - 2015. Ban hành và tích cực chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và các Đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực.

Tổng kết nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội: Sáng thành công, rõ trách nhiệm - 2

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tập trung thực hiện đạt những kết quả các đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ với phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn… Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động văn hóa, thể dục thể thao. Bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và phát huy vai trò tích cực của các tổ chức tôn giáo trong xã hội góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn thừa nhận: Thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Quản lý và đánh giá cán bộ, công chức, viên chức có mặt còn hạn chế, bất cập. Quản lý viên chức chưa đồng bộ với cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Việc lãnh đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo có lúc có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi.

Trình bày Báo cáo thẩm tra công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, cần làm rõ nguyên nhân kết quả cải cách hành chính chưa cao, một số thủ tục trong hoạt động của Nhà nước còn phức tạp, rườm rà, chồng chéo, nhiều lĩnh vực vẫn còn tình trạng “xin-cho”, nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân chậm được khắc phục; hệ thống cơ quan hành chính nhà nước chưa đồng bộ; hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa tương xứng với yêu cầu của thời kỳ mới.

Nhóm PV TSCT