Cơ chế đặc thù để TP HCM bứt phá
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 23/3, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cứu đề xuất Trung ương cho một số TP lớn thí điểm mô hình chính quyền đô thị. PV Đại Đoàn Kết đã phỏng vấn Chủ tịch HĐND TP HCM về vấn đề này.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm.
PV: Thưa bà, Luật Chính quyền địa phương đã được thông qua tại kỳ họp trước trong đó có những quy định theo hướng mở tạo điều kiện cho chính quyền đô thị. Vậy, vì sao bà vẫn kiến nghị cho TP HCM thí điểm mô hình chính quyền đô thị?
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: Luật Chính quyền địa phương có chương riêng về chính quyền đô thị, nhưng chính quyền đô thị ở đây không có điểm khác so chính quyền khác. Vẫn là 3 cấp chính quyền với các cơ chế như trước, như vấn đề ngân sách, vấn đề cán bộ… theo cơ chế cũ.
Luật Chính quyền địa phương chỉ có điểm khác là cho thêm một số chức năng, nhiệm vụ cho chính quyền đó nhưng nhìn chung là có sự giống nhau giữa các đô thị. Trong khi đó Hiến pháp có nói rằng, mô hình tổ chức của chính quyền địa phương ở những đô thị phải phù hợp với đặc điểm của đô thị đó.
Ý bà là với các đặc điểm khác nhau ở mỗi đô thị phải có những cơ chế khác nhau không thể áp một mẫu số chung cho tất cả các đô thị?
- Đúng vậy, TP HCM đã đề xuất xây dựng mô hình chính quyền đô thị, đô thị đó phải có những điểm khác biệt, trong đó tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm rất cao làm cho chính quyền có điều kiện phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương.
Chẳng hạn, về cơ chế tài chính, TP HCM đề xuất Trung ương giao cho địa phương mỗi năm nộp về địa phương bao nhiêu, có một mức cụ thể. Số còn lại TP thu được là tài chính của địa phương, địa phương có quyền chi theo nhu cầu đảm bảo sự phát triển của mình; đảm bảo nền kinh tế của địa phương đó giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước và năm sau nộp vào ngân sách nhiều hơn. Đổi lại địa phương đó muốn đầu tư tập trung vào đâu, họ có quyền tự quyết.
Ví dụ, trong nhiệm kỳ này địa phương này có quyền đầu tư tập trung một số lĩnh vực nào đó để phát huy hiệu quả ở lĩnh vực đó lôi kéo cả nền kinh tế TP đi lên thì họ phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Hay về tổ chức bộ máy, TP HCM đề xuất cho tự chủ về bộ máy. Như vậy, Trung ương sẽ giao tổng biên chế cho địa phương và địa phương có quyền đầu tư cho chỗ này biên chế nhiều hơn chỗ kia biên chế ít hơn, tùy theo yêu cầu nhiệm vụ TP giao. Địa phương có thể điều chuyển, luân chuyển biên chế chứ như hiện vẫn theo cơ chế sở này phải có một giám đốc, một số phó giám đốc, số lượng biên chế nhất định như vậy là rất cứng.
TP HCM muốn trong điều hành của mình TP có thể linh hoạt hơn. Chẳng hạn, trong tổng quỹ lương đó tôi muốn thu hút đội ngũ cán bộ ở lĩnh vực này nhiều hơn với chất xám cao hơn, trình độ cao hơn tôi có thể trả lương theo yêu cầu nhiệm vụ để thu hút, phát huy hiệu quả cán bộ nhưng cơ chế bó như hiện nay là không làm được.
Với một chính quyền đặc biệt như vậy yêu cầu đặt ra với người đứng đầu, đội ngũ lãnh đạo của TP là rất cao, thưa bà?
- Công tác cán bộ là do Đảng lãnh đạo, đội ngũ cán bộ của TP cũng nằm trong sự lãnh đạo của Đảng. Như vậy, công tác cán bộ nằm trong tầm tay của mình. Nếu mình phân công, bổ nhiệm, người đương nhiệm không đảm bảo yêu cầu sẽ có những người khác thay thế. Vấn đề là chúng ta có nhìn ra cán bộ hay không? Đối với cơ chế quản lý cán bộ của mình hiện nay, mình có đủ điều kiện để làm tốt việc đó, anh không đảm bảo yêu cầu tôi có thể thay.
Tuy nhiên, đã tiếp nhận, bổ nhiệm cán bộ phải cho họ một cơ chế tạo điều kiện để họ làm việc và chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Bởi vì đó là sinh mệnh chính trị của họ. Nếu cơ chế mở sẽ tạo ra một không gian để họ chủ động, họ sẽ phát huy hết sở trường, tài năng để làm việc. Mình đặt ra yêu cầu nhưng đưa ra quá nhiều cơ chế ràng buộc làm cho người cán bộ không có không gian để chủ động nên họ rất khó hoàn thành công việc.
Nhưng, vẫn có băn khoăn rằng nếu “mở” quá sẽ lại phát sinh vướng mắc?
- Thế nên tôi mới đề nghị có nghị quyết của QH cho TP HCM thí điểm. Nghị quyết của Đảng có rồi, những vấn đề nào chưa rõ có thể chưa quyết định ngay được phải có cơ chế thí điểm và lấy kết quả thí điểm làm thực tiễn điều chỉnh đường lối, chính sách, pháp luật.
Thực tiễn là câu trả lời sinh động nhất. TP muốn làm thí điểm để cung cấp cho Trung ương, cho cả nước một thực tiễn về bộ máy chính quyền, về cơ chế vận hành của bộ máy chính quyền phù hợp loại đô thị đặc biệt, nhưng TP HCM vẫn giữ vững đường lối, định hướng XHCN, giữ được quan điểm nhất quán của Đảng là chính quyền phục vụ nhân dân.
Phải tạo cơ chế đảm bảo điều kiện phát huy đầy đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, để TP HCM xứng tầm là đầu tầu kinh tế. Đầu tầu kinh tế mà không có động lực để đẩy, để kéo thì làm sao đầu tầu đó vận hành tốt và kéo đoàn tầu được!
Trân trọng cảm ơn bà!