Hồi ức về một thời đạn bom

23/03/2016 23:05

Kỷ niệm 45 năm chiến thắng Chiến dịch Đường 9 Nam Lào (1971 - 2016), tối 23/3, Báo Nhân Dân phối hợp UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Bài ca Đường 9” tại hai đầu cầu trực tiếp từ Hà Nội và Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Tỉnh Quảng Trị). 

Hồi ức về một thời đạn bom

Thiếu tướng Lê Mã Lương chia sẻ về những kỷ niệm trong chiến dịch.

Đến dự chương trình có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi; Nhà báo, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu… cùng đại diện Bộ, ban, ngành, TƯ và địa phương; đặc biệt là sự tham gia của các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong tham gia Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào.

Hồi ức về một thời đạn bom - 1

Một tiết mục trong chương trình.

Phát biểu khai mạc chương trình Nhà báo Lê Quốc Khánh - Phó Tổng biên tập Báo Nhân Dân khẳng định Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào ( tháng 3/1971) là một sự kiện lịch sử mang tầm chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Bằng chiến thắng này, quân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã đập tan âm mưu cắt đứt nguồn chi viện chiến lược từ hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam thông qua cuộc hành binh quy mô lớn của Mỹ - ngụy mang tên “Lam sơn 719”. Đồng thời, là cơ sở quan trọng làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ - ngụy tại miền Nam Việt Nam. Trong lịch sử chiến tranh nhân dân thời đại Hồ Chí Minh, Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào là một mốc son ngời sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; một kiệt tác của nghệ thuật quân sự Việt Nam; là tiền đề, điều kiện cơ bản để quân và dân ta thừa thắng xốc tới, làm nên chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mùa xuân năm 1975.

Hồi ức về một thời đạn bom - 2

Một tiết mục trong chương trình.

Cũng theo Nhà báo Lê Quốc Khánh trải qua 45 năm, mảnh đất chìm trong đạn bom ngày nào giờ đây đã phủ màu xanh tươi và no ấm. Con đường nối hai tỉnh Quảng Trị của Việt Nam và Savanakhet của Lào nằm trong hành lang kinh tế Đông Tây dài 1450 km, đi qua 4 quốc gia Việt Nam - Lào -Thái Lan và Myanmar. Trận địa ác liệt năm xưa, nay trở thành điểm nhấn quan trọng trên hành lang kinh tế, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân và là cầu nối tình hữu nghị hòa bình tốt đẹp giữa các quốc gia trong khu vực, đặc biệt hai nước Việt - Lào. “45 năm đã trôi qua, những người trực tiếp tham gia vào chiến dịch quan trọng đó đã người còn người mất. Nhiều câu chuyện, sự kiện, con số trong đó ẩn chứa một phần lịch sử hãy còn chưa được thế hệ sau biết đến… Đây cũng là dịp để thế hệ trẻ ngày hôm nay hiểu sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc, về lòng yêu nước nồng nàn, ý chí sắt đá, không khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào của thế hệ cha anh đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân” Nhà báo Quốc Khánh nhấn mạnh.

Cũng tại chương trình khán giả đã được gặp gỡ, giao lưu với các nhân chứng lịch sử đã từng sống, chiến đấu trong thời kỳ gian khó nhưng oanh liệt ấy tại hai đầu cầu Hà Nội và Quảng Trị. Đặc biệt, thông qua các thước phim, phóng sự tư liệu chương trình tái hiện những khoảnh khắc hào hùng của Chiến dịch Đường 9 Nam Lào; từ đó khẳng định chiến lược quân sự đỉnh cao của Việt Nam, tình cảm gắn kết thủy chung của hai dân tộc Việt - Lào. Đây cũng là dịp để thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử dân tộc, góp phần bồi đắp niềm tự hào và lòng yêu nước. Bên cạnh đó, sau phần gặp gỡ, giao lưu với các nhân chứng lịch sử tại hai đầu cầu Hà Nội và Quảng Trị cũng đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt với những ca khúc đi cùng năm tháng như Tiếng đàn Ta lư, Người con gái PaKo, Cô gái Sầm Nưa, Hoa Chăm pa mừng chiến công...

Hoàng Minh