Gặp người bảo vệ loài Vọoc
Ngày 20/1/2015 khi đoàn công tác về địa phương, một số lãnh đạo xã vẫn khăng khăng bảo “làm chi có của hiếm nớ”. Ông Nguyễn Thanh Tú đã đứng lên cam kết với vị trưởng đoàn công tác và lãnh đạo xã: “Nếu không tìm thấy Voọc, phí tổn đi lại, ăn uống của mấy chục con người dưới tỉnh lên tui chịu hết!”.
Ông Nguyễn Thanh Tú.
Một ngày của Tú Voọc bắt đầu từ 4h sáng. Dù đêm trước có quá đôi chén rượu với bạn bè, cứ giờ ấy là người đàn ông này bật dậy. Nếu không bận bịu giúp vợ thì Tú Voọc ngồi làm thơ, nhiều nhất là về loài Vọoc mà anh mê đắm, đại loại như: “Ước gì tôi hóa rừng xanh/Để cho bầy Vọoc chuyền cành hát ca”.
5h sáng, Tú Vọoc đeo ống nhòm, phóng xe máy ra khỏi nhà, rảo khắp các lèn đá có Voọc sinh sống. Tú Vọoc kể vanh vách với tôi về số lượng bầy Vọoc kiếm ăn nơi các “cơn” (mỏm núi đá vôi) ở Thạch Hóa hiện nay gồm: 1 bầy ở hung trơng, 1 bầy ở hung sú, 1 bầy ở khe đá, 1 bầy ở hung trù, 1 bầy ở cửa hung (còn có tên khác là khe nước lặn), 1 bầy ở eo lăn, 1 bầy ở cây gạo, 1 bầy ở hang ngá, 1 bầy ở miếu tam quan. Tổng cộng có 9 bầy với 115 con, trong đó có 17 con non.
Nhìn Tú Vọoc mê mải giữa thiên nhiên, tôi chợt có ý nghĩ người đàn ông tuổi Canh Tý (sinh năm 1960) này sinh ra là để gắn với loài Voọc đen gáy trắng kiếm ăn trên vách đá mà dân địa phương vẫn quen gọi là con vượn. Tú Voọc kể, hồi bé anh vẫn coi Vọoc như bạn bè. Bom đạn ngút trời những năm tháng chiến tranh khiến Vọoc thưa dần và sau này thì vắng bóng bởi nạn “đơm” (bẫy).
Lúc còn tại ngũ ở đồn biên phòng Kà Roòng, sỹ quan biên phòng Nguyễn Thanh Tú gặp một người dân bản Ban, xã Thượng Trạch gùi chú Vọoc con đi bán, thương quá liền bỏ tiền ra mua rồi giao lại cho hạt kiểm lâm huyện. Đôi mắt trong veo, khẩn nài của chú Voọc chà vá chân nâu cứ ám ảnh mãi Nguyễn Thanh Tú làm anh mất ăn, mất ngủ.
Sau này chứng kiến cảnh dẹp diệt tận gốc nạn săn bắn, đơm – bẫy loài Voọc. Nhiều ngày lăn lộn hiện trường, Nguyễn Thanh Tú tìm được kẻ chuyên đơm Voọc, xẻ thịt cung cấp cho các đầu mối tiêu thụ. Người này tên là H., sau khi được Tú Voọc cảm hóa, đã trở thành thành viên tích cực trong tổ cộng đồng chống săn bắt, tiêu thụ và bảo vệ Vọoc ở Thạch Hóa.
Lý do khiến Nguyễn Thanh Tú dành toàn tâm, toàn ý cho loài Vọoc còn có động lực từ người cha vợ tên là Nguyễn Thanh Đồng. Ông Đồng năm nay tròn 80 tuổi nhưng còn rất khỏe mạnh nhờ sống giữa thiên nhiên trong lành. Ông kể: Voọc cũng vui buồn, yêu thương, hờn giận và cũng có… chiến tranh. Cử chỉ thân thiện của ông từng giúp hòa giải thành công cuộc chiến một mất một còn giữa những con Voọc đực và từ đó nghiệm ra Voọc không khác người là mấy.
Thiên nhiên này, dòng sông Gianh này và lèn núi đá vôi kia, nếu không có các bầy Voọc hàng ngày nhảy nhót thì nó khô cằn lắm, cô quạnh lắm! Vợ Tú Voọc cũng là người mê Voọc nên tảo tần lo toan mọi việc để chồng mở mắt ra là phóng xe đi vào các lèn đá đến tối mịt mới về. Hôm nào có câu chuyện vui về Vọoc là ngôi nhà đầy ắp tiếng cười.
Voọc gáy trắng ở Thạch Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình.
Việc phát hiện ra loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm của ông Nguyễn Thanh Tú, trú tại xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình không chỉ gây chấn động giới bảo tồn Việt Nam và quốc tế mà còn khiến ông được rất nhiều người biết đến với cái tên Tú Vọoc.
Tháng 3/2016 cựu trung tá biên phòng Nguyễn Thanh Tú đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì thành tích phát hiện, kêu gọi cộng đồng bảo vệ hiệu quả loài Voọc gáy trắng (còn gọi là Vọoc Hà Tĩnh).
Chuyện phát hiện ra loài Vọoc đen gáy trắng tưởng như tuyệt chủng ở lèn núi đá vôi Tây Quảng Bình của trung tá biên phòng về hưu Nguyễn Thanh Tú cũng đầy kịch tính và căng thẳng.
Kể từ khi ông Nguyễn Thanh Tú khẩn cấp thông báo thông về sự xuất hiện Vọoc gáy trắng cho đến khi người đứng đầu Chi cục kiểm lâm Quảng Bình đưa đoàn công tác cùng truyền hình địa phương về Thạch Hóa, không ít người còn bán tín bán nghi về sự xuất hiện của loài linh trưởng đang mức nguy cấp (EN) trong sách đỏ Việt Nam, được ưu tiên bảo vệ tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Ông Tú nhớ lại, ngày 20/1/2015 khi đoàn công tác về địa phương, một số lãnh đạo xã vẫn khăng khăng bảo “làm chi có của hiếm nớ”. Ông Nguyễn Thanh Tú đã đứng lên cam kết với vị trưởng đoàn công tác và lãnh đạo xã: “Nếu không tìm thấy Voọc, phí tổn đi lại, ăn uống của mấy chục con người dưới tỉnh lên tui chịu hết!”.
Sự thẳng thắn quyết liệt của người cựu sỹ quan biên phòng từng nhiều ăn lăn lộn ở núi rừng Tây Quảng Bình đã được bù đắp. Mừng đến trào nước mắt khi ông Phạm Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình nhìn thấy được bầy Voọc gáy trắng đầu tiên.
Đêm ấy tui rót mời rượu bao nhiêu, anh Thái uống hết bấy nhiêu. Mừng quá mà anh ơi! - Tú Vọoc dứt câu chuyện tìm thấy Voọc của anh cũng bằng động tác lấy tay lau nước mắt.
Gần 1 năm sau ngày ngành chức năng địa phương công bố thông tin tìm thấy loài Voọc gáy trắng còn gọi là Voọc đen Hà Tĩnh (tên khoa học Trachypithecus hatinhensis) và cũng gần 1 năm tổ cộng đồng ở Thạch Hóa vận động mọi người chung tay bảo về thiên nhiên, bảo vệ loài Vọoc đầy hiệu quả.
Ngày 1/3 vừa qua, thay mặt Tỉnh ủy Quảng Bình, Bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Công Thuật đã đến thăm, tặng quà, động viên cựu trung tá biên phòng Nguyễn Thanh Tú vì những gì mà ông Tú đã làm, khiến lèn núi đá vôi miền Tây Quảng Bình trở nên lấp lánh hơn.