Người mua xăng bị ‘móc túi’, 2 Bộ đổ cho nhau?
Sáng ngày 24/3, nguồn tin của Đại Đoàn Kết cho biết khi nhận được văn bản của Bộ Công thương gửi, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng đã có các chỉ đạo xuống các đơn vị liên quan để làm rõ hơn ai chịu trách nhiệm về việc người mua xăng dầu mua xăng “lố” giá do cách tính thuế phí không đúng.
Bộ Công thương và Bộ Tài chính đang
đùn đẩy trách nhiệm cho nhau sau vụ việc gian lận thuế xăng dầu.
Cụ thể, ngày 23/3 Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước Võ Văn Quyền đã có văn bản gửi Bộ Tài chính (Vụ chính sách thuế) để nói rõ hơn về trách nhiệm của hai bên trong việc điều hành giá xăng dầu, đặc biệt liên quan tới sự việc người dân bị “móc túi oan 3.500 tỷ đồng” vì lỗ hổng thuế phí trong cách tính giá cơ sở.
Trong văn bản do ông Quyền ký ghi rõ: Điều 36 và điều 40 (điểm b, khoản 2), Nghị định số 83/2014/ NĐ- CP quy định: “Căn cứ khung thuế suất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, các cam kết quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, các chi tiêu cân đối vĩ mô và dự báo giá xăng dầu thế giới, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ổn định với từng chủng loại xăng dầu, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ”, Bộ Tài chính là cơ quan được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương hướng đẫn tính gái cơ sở.
Như vậy, Bộ Tài chính là cơ quan được giao chủ trì phối hợp với Bộ Công thương quy định mức thuế suất nhập khẩu xăng dầu, hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu.
“Các hoạt động phối hợp về xây dựng chính sách thếu trong đó có thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu và việc điều hành giá xăng dầu, Bộ Công thương đã tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ và quy định của Nghị định số 83” - công văn của Vụ thị trường Trong nước khẳng định.
Phía Vụ thị trường trong nước cho rằng, trong cuộc trả lời bản tin Tài chính kinh doanh 21h30 ngày 21/3, đồng chí Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính, khi được phỏng viên hỏi trách nhiệm của việc chậm đưa ra mức thuế suất nhập khẩu mới (từ MFN sang bình quân gia quyền) làm căn cứ tính giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu trong nước đã phát biểu: "... Bộ Công Thương vẫn là Bộ được giao chủ trì quyết định" là chưa hiểu đúng chức nhiệm vụ của hai bộ và quy định của Nghị định 83/2014/NĐ-CP trong việc chủ trì, phối hợp xây dựng chính sách về thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu và điều hành giá xăng dầu".
Cơ quan này đề nghị đích danh “đồng chí Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế” tích cực phối hợp trao đổi thông tin với Tổ liên ngành điều hành xăng dầu (đầu mối thuộc Bộ Tài chính là Cục quản lý giá, đầu mối Bộ Công thương là Vụ thị trường trong nước) để công tác chủ trì, phối hợp điều hành giá xăng dầu theo đúng chức năng, nhiệm vụ của 2 Bộ.
Bộ Công thương đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục quan tâm sớm có giải pháp tài chính tổng thể để xử lý hài hòa việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo đúng lộ trình của các FTA cam kết hội nhập.
Trong khi đó suốt nhiều tháng qua, người tiêu dùng vẫn phải chi trả "oan" hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng do lỗ hổng về thuế phí trong cách tính giá cơ sở.
Mà theo tính toán của Bộ Tài chính, trong năm 2015, số thuế (thuế nhập khẩu, thuế GTGT, thuế TTĐB) đã thu từ xăng dầu nhập khẩu là 35.923 tỷ đồng, nhưng thực tế số thuế hoàn theo chứng từ doanh nghiệp nộp bổ sung C/O mẫu D (theo Biểu thuế Atiga) là 3.502 tỷ đồng, chiếm 9,75% tổng số thuế đã nộp. Tuy nhiên, số liệu hoàn thuế nhập khẩu này chỉ là số liệu sơ bộ vì có thể tiếp tục được hoàn trong các tháng tiếp theo.
Lỗ hổng chênh lệch thuế cũng đã được "vá" phần nào vào cuối tuần trước và cách tính thuế nhập khẩu mới đã được áp dụng từ đợt chỉnh giá xăng vào ngày 21/3 vừa qua bằng cách Bộ Công thương công bố mức thuế bình quân gia quyền áp dụng khi tính toán giá cơ sở cũng được điều chỉnh là 18,08%, diesel là 0,6%, dầu madút là 0,03%, dầu hỏa 0%.
Tuy nhiên song khoản chênh lệch hàng nghìn tỷ đồng vẫn đang nằm trong túi doanh nghiệp.