Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để dân đói, khát
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Tỉnh ủy, UBND các tỉnh khu vực Tây Nguyên cần sâu sát hơn nữa trong chỉ đạo ứng phó…. “Tuyệt đối không để dân đói, khát, dịch bệnh”, ông Phúc chỉ thị.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo.
Ngày 24/3, đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã có chuyến công tác tại tỉnh Gia Lai để kiểm tra tình hình hạn hán và chỉ đạo công tác phòng, chống hạn trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
Tại chuyến khảo sát thực tế về tình hình hạn hán tại làng Plei Thơ B, xã Chư Đôn huyện Chư Pứh, Đoàn khảo sát tận mắt chứng kiến cánh đồng rộng 70 ha đã không còn một giọt nước, ruộng khô nứt nẻ, lúa chết cháy. Đó chỉ là một phần thiệt hại tại huyện vùng “rốn” của hạn hán này.
Báo cáo với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Lưu Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Chư Pứh (Gia Lai) cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện đang xảy ra tình trạng khô hạn và thiếu nước sinh hoạt. Đã có 431,65 ha/510,5 ha lúa bị thiệt hại mất trắng, với 1697 hộ bị thiệt hại. Hơn 164,6 ha cây công nghiệp (cà phê, hồ tiêu) của 157 hộ bị thiệt hại do không có nước tưới; 800 ha cây hồ tiêu, 1.000 ha cây cà phê đang khó khăn về nước tưới. Tổng thiệt hại do hạn hán gây ra trên 9,3 tỷ đồng.
Theo ông Võ Ngọc Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh đã có 13.515,6 ha cây trồng bị hạn, 7.036 hộ dân bị thiếu nước. "Thiệt hại hạn hán gây ra đã là trên 151 tỷ đồng. Tính đến ngày 22.3, tỉnh chúng tôi đã có 14.965 với 64.298 khẩu bị thiếu đói", ông Thành nói.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khảo sát tại vùng hạn hán.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tình hình hạn hán tại Gia Lai là rất nghiêm trọng, thiệt hại là rất lớn. Vì vậy bà con nhân dân cần đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Các cấp chính quyền tỉnh Gia Lai triển khai ngay những giải pháp giúp đỡ bà con vùng bị hạn chuyển đổi cây trồng như từ trồng lúa sang trồng các loại cây khác có khả năng chịu hạn tốt hơn. Về lâu dài, các đồng chí phải xem xét đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt phục vụ nhân dân.
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, đây là đợt hạn hán nặng nề nhất mà nước ta phải đối phó trong nhiều thập kỷ. Do vậy, tới đây các khu vực chịu ảnh hưởng sẽ phải đối phó quyết liệt hơn nữa. Trong số các giải pháp đang triển khai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng là giải pháp cần ưu tiên hàng đầu. Và tiết kiệm nước là yêu cầu thường xuyên.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thời gian qua, các địa phương đã có nhiều giải pháp mạnh mẽ để hạn chế thiệt hại trước ảnh hưởng của hạn hán. Chẳng hạn, giảm được diện tích trồng lúa ở vùng thiếu nước, nhiều chương trình, dự án chống hạn bằng ngân sách nhà nước đã hoàn thành đưa vào sử dụng hiệu quả. Phó Thủ tướng đánh giá cao tinh thần chủ động ứng phó của các địa phương.
Trong khi chờ Trung ương cấp kinh phí, các địa phương cần tạm ứng các khoản hỗ trợ để kịp thời hỗ trợ người dân trong vùng bị thiên tai. Từng địa phương cần tăng cường thông tin tuyên truyền cho người dân được biết tình hình hạn hán và sử dụng nguồn nước tiết kiệm, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý. Các địa phương cần xây dựng các công trình tích nước quy mô lớn, chống hạn lâu dài.
Về việc cấp vốn cho các địa phương xây dựng các công trình cấp thiết, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí các danh mục và kết luận các công trình dở dang để giải quyết vấn đề cấp bách hiện nay.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Tỉnh ủy, UBND các tỉnh khu vực Tây Nguyên cần sâu sát hơn nữa trong chỉ đạo ứng phó với tình hình hạn hán, giảm thiểu thiệt hại cho địa phương mình. Cần quan tâm chia sẻ, hỗ trợ người dân vùng hạn, tuyệt đối không để dân đói, khát, dịch bệnh.