Tạo bước đột phá trong nền hành chính công
Rất nhiều tâm tư được các đại biểu Quốc hội trải lòng tại phiên thảo luận tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, diễn ra sáng 24/3.
Cải cách bộ máy để “đất lành chim đậu”
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) chia sẻ những bức xúc trong lĩnh vực cải cách hành chính (CCHC).
Theo bà Khánh, “nhiều doanh nghiệp tâm sự với chúng tôi rằng muốn làm giàu cho đất nước, cho quê hương. Nhưng phải làm thế nào để đất lành chim đậu chứ cứ với bộ máy này, nền hành chính này, chim chưa đậu đã nhậu hết chim”.
Cũng theo bà Khánh, “cải cách hành chính chưa đảm bảo quyền tự do bình đẳng kinh doanh giữa các thành phần kinh tế cũng như người dân. Nền hành chính vẫn mang nặng tính xin - cho với nhiều cấp, ngành, nhiều cán bộ, công chức vẫn tích cực… làm khó cho DN”.
Bà Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) phát biểu.
“DN ổn định và phát triển trong bối cảnh hiện nay là rất khó”- bà Khánh nói, “vì vậy, thay lời DN, chúng tôi mong muốn nhiệm kỳ tới nền hành chính chúng ta phải thay đổi. Hãy quyết tâm xây dựng một nền hành chính công thực sự minh bạch, hiệu quả. Chứ không cứ hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác, Báo cáo của Chính phủ luôn phải đánh giá cải cách thể chế, cải cách hành chính còn nhiều vướng mắc”.
Tinh giản bộ máy, có thực sự bắt tay vào việc hay không?
Đại biểu Võ Thị Dung (TP HCM) nêu ý kiến, “có chủ trương tinh giản bộ máy nhưng thủ tục rất nhiêu khê, cản trở quá trình thực hiện trong khi đây là nhiệm vụ sống còn trong phát triển kinh tế xã hội. Thực tế là không có vướng mắc gì nữa bởi chúng ta đã nhìn thấy rõ vấn đề rồi. Vấn đề là có thực sự bắt tay vào làm hay không”.
Bà Võ Thị Dung (TP HCM) phát biểu.
Đồng quan điểm, ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) nói, “tinh giản biên chế cần tinh giản từ khâu nhỏ nhất. Cái gì dân làm được thì để dân làm, cái gì cũng nhà nước cũng trả lương bằng ngân sách thì chết. Cái gì cũng béo công chức là không được, làm gì có chuyện dân kêu thán tham nhũng vặt khắp nơi mà tình hình không giảm. Phải cách chức, đuổi việc cán bộ công chức không được việc”.
Ông Đỗ Văn Đương (TP HCM) phát biểu.
Còn, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) nhận định, “cơ cấu tổ chức bộ máy còn cồng kềnh gây lãng phí rất lớn. Nước nghèo như ta thì không thể đội trời chung với lãng phí”. Bà An còn cho rằng cần phải tập trung mổ xẻ sự yếu kém của bộ máy hành chính, quản lý nhà nước, vì đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra sự bức bối trong dân. ĐB Bùi Thị An đặt câu hỏi “tại sao lại để tình trạng lừa đảo trong bán hàng đa cấp kéo dài như thế tại nhiều địa phương? Tại sao lại để tín dụng đen hoành hành như thế ở Cà Mau? Ai phải chịu trách nhiệm, chứ nếu cứ để trách nhiệm lờ mờ kéo dài thì rất khó”.
Cũng nêu ví dụ về lừa đảo bán hàng đa cấp, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nói, “chính quyền ở đâu, tại sao không bảo vệ được người dân? Liên kết Việt hoành hành 27 tỉnh với số tiền lừa đảo lên tới gần 2 nghìn tỉ đồng. Nếu cứ thế này khó mà xoay chuyển được tình hình”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thì bình luận: “Với sự sớm bắt tay vào làm quyết liệt của bộ máy nhà nước ngay sau khi kết thúc Kỳ họp này, thì chúng ta có thể làm xoay chuyển được tình hình”.
Thách thức kép cho nông nghiệp
Theo ĐB Trần Du Lịch (TP HCM), hiện nông nghiệp đang gặp thách thức lớn, và đó lại còn là thách thức kép, đó là rủi ro thị trường khi đất nước bước vào thời kỳ mới của hội nhập ngày càng sâu rộng, trong khi đó, là biến đổi khí hậu hoành hành khốc liệt.
Đồng tình, đại biểu Lê Thanh Hải (TP HCM) nhận xét: “Lâu nay Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực nông nghiệp nhưng chưa xứng tầm. Phải tập trung nông nghiệp công nghệ cao để kịp thời đối phó với những thách thức của biến đổi khí hậu gay gắt hiện nay. Phải bàn các giải pháp mạnh mẽ, đột phá vấn đề này. Phải huy động được đội ngũ những nhà khoa học xắn tay vào lo cho khu vực tam nông”.
“Tôi cảm thấy xót xa cho đời sống người dân khi khô hạn, xâm nhập mặn ở miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long”- ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) bày tỏ, “vì vậy giai đoạn 2016-2020, Chính phủ cần có những giải pháp cụ thể, căn cơ hơn để hỗ trợ nhân dân. Trong đó có việc tiếp tục nghiêm túc xem xét lại quy hoạch thuỷ điện, quy trình vận hành liên hồ chứa”.
Quan tâm đến vấn đề căng thẳng ngân sách, ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng, “giảm bội chi và giảm nợ công hiện nay đã trở thành một đòi hỏi cấp bách. Nếu không giải quyết được sẽ khiến an ninh tài chính quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô bị đe dọa. Đặc biệt, nếu nợ công vượt mức trần 65% GDP mà QH đưa ra, thì nguy cơ vỡ nợ là nhãn tiền. Do vậy, trong nhiệm kỳ Khóa XIV, việc điều hành ngân sách phải chặt tay, kỷ luật tài chính phải được siết chặt”.
Khánh Ly