Bình đẳng trước pháp luật
“Chúng ta nên khuyến khích những người tự ứng cử vì điều này thể hiện tính dân chủ sâu rộng trong xã hội. Người được giới thiệu và người tự ứng cử đều bình đẳng trước pháp luật” - bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, cá nhân tiêu biểu vừa được UBTƯ MTTQ Việt Nam giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV đã khẳng định với báo Đại Đoàn Kết.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.
Với một người đã tham gia nhiều khóa ĐBQH, đại diện cho tiếng nói của khối doanh nghiệp, doanh nhân, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường cho rằng: Trong Quốc hội Khóa XIII các ĐBQH đại diện cho khối doanh nghiệp cũng đã có rất nhiều đóng góp trong việc xây dựng các thể chế này.
Nhìn lại kết quả hoạt động của Quốc hội khoá XIII thấy Quốc hội đã ban hành nhiều Bộ luật có tác động rất lớn đến việc thiết lập một môi trường hoạt động kinh doanh ổn định, minh bạch, thông thoáng hơn cho doanh nghiệp và người dân.
Theo bà Nguyệt Hường, tại mỗi kỳ họp, Quốc hội đều quyết nghị những vấn đề quan trọng của đất nước, những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, những vấn đề nóng mà cử tri và nhân dân cả nước quan tâm được đưa vào giám sát... Trong tiến trình xây dựng luật pháp, hoạt động giám sát hay quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước đều có sự tham gia tích cực của các ĐBQH là doanh nghiệp và doanh nhân.
Có thể nói, các đại biểu đại diện cho khối doanh nghiệp đã hoàn thành khá tốt vai trò đại diện của mình, đáp ứng được sự ủy nhiệm, tin tưởng của người dân, của khối doanh nghiệp, doanh nhân.
Về vấn đề số lượng ĐBQH khối doanh nghiệp, doanh nhân, bà Nguyệt Hường khẳng định: Những đại biểu đại diện cho khối này, thông qua thực tiễn hoạt động trên nghị trường của mình, được cử tri theo dõi và đánh giá là thật sự xứng đáng thì các đại biểu ấy vẫn xứng đáng đại diện cho tiếng nói của khối doanh nghiệp, doanh nhân để phản ánh tâm tư của người dân, của doanh nghiệp trên diễn đàn Quốc hội.
Để nâng cao chất lượng ĐBQH, quá trình sàng lọc với 3 vòng hiệp thương và ở từng vòng hiệp thương Hội đồng bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã làm rất cẩn thận, kỹ lưỡng và chu đáo. Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức khi giới thiệu đại biểu ứng cử cũng đều sàng lọc rất kỹ lưỡng với mong muốn tìm người xứng đáng đại diện cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
“Tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn là người ứng cử đó có được cử tri tín nhiệm hay không. Quy trình lựa chọn mặc dù kỹ lưỡng như vậy nhưng cuối cùng người ứng cử không được cử tri tín nhiệm cao thì cũng không trở thành đại biểu nhân dân được” - bà Nguyệt Hường khẳng định.
Theo báo cáo của Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành số lượng người tự ứng cử ĐBQH tăng hơn nhiều so với các khóa trước, bà Nguyệt Hường cho rằng, trong nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội đã thông qua một văn kiện lịch sử là Hiến pháp (sửa đổi). Bản Hiến pháp (sửa đổi) quy định rất rõ về quyền con người, quyền công dân. Ở các tỉnh, thành phố có nhiều người tự ứng cử thì điều đó chứng tỏ ý thức chính trị của người dân đã được nâng lên một mức rất cao.
“Chúng ta nên khuyến khích những người tự ứng cử vì điều này thể hiện tính dân chủ sâu rộng trong xã hội ta, nên khuyến khích những người hội tụ đủ những tố chất như Tâm, Tài, Trí; có nhiệt huyết, có uy tín trong cộng đồng ra ứng cử ĐBQH để góp phần xây dựng đất nước” - bà Nguyệt Hường khẳng định.
Trước thông tin băn khoăn về việc nhiều người tự ứng cử có phần nào “lép vế” hơn so với người được giới thiệu, bà Nguyệt Hường cho biết: “Trên thực tế, người được giới thiệu và người tự ứng cử đều bình đẳng trước pháp luật. Càng nhiều hồ sơ tự ứng cử thì chúng ta càng có điều kiện để lựa chọn được những đại biểu có chất lượng tốt hơn. Khi đã được vào danh sách ứng cử chính thức và được phân bổ về các đơn vị bầu cử thì vị thế của các ứng cử viên là như nhau”.