Kinh doanh xăng dầu 'móc túi' dân 3.500 tỷ đồng: Bộ đùn đẩy, Chính phủ cần vào cuộc
Trong khi người dân đang băn khoăn chờ đợi thông tin 3.502 tỷ đồng đã mất oan vì chênh lệch thuế phí xăng dầu sẽ được xử lý ra sao, thì giới chuyên gia cho rằng, với việc cả 2 Bộ Công thương và Bộ Tài chính không nhận sai sót mà cứ đùn đẩy trách nhiệm, thì Chính phủ phải vào cuộc, xử lý đảm bảo quyền lợi của người dùng xăng dầu.
Giá xăng dầu vẫn khiến dư luận bức xúc. Ảnh: TL.
Bộ Công thương “trách” Bộ Tài chính
Bộ Công thương chiều 23/3 vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính cho rằng đại diện Bộ Tài chính chưa hiểu đúng về chức năng phối hợp xây dựng chính sách và điều hành giá xăng dầu. Công văn do ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương ký. Nội dung văn bản yêu cầu làm rõ hơn về trách nhiệm của 2 bên trong việc điều hành giá xăng dầu, đặc biệt liên quan tới sự việc người dân bị “móc túi oan 3.500 tỷ đồng” vì lỗ hổng thuế trong cách tính giá cơ sở. Công văn cũng khẳng định, việc cơ quan này có văn bản gửi Bộ Tài chính không phải là “phản ứng gay gắt mà với tinh thần làm rõ chức năng, nhiệm vụ để phối hợp hiệu quả hơn trong điều hành”.
Trong văn bản, ông Quyền nhấn mạnh Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ổn định với từng chủng loại xăng dầu, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ”, Bộ Tài chính là cơ quan được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương hướng dẫn tính giá cơ sở.
Như vậy, Bộ Tài chính là cơ quan được giao chủ trì phối hợp với Bộ Công thương quy định mức thuế suất nhập khẩu xăng dầu, hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu.
Bộ Công thương đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục quan tâm sớm có giải pháp tài chính tổng thể để xử lý hài hòa việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo đúng lộ trình của các FTA cam kết hội nhập.
Văn bản của Bộ Công thương gửi sang Bộ Tài chính xuất phát từ phát biểu của ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính, khi bàn luận về việc chậm đưa ra mức thuế suất nhập khẩu mới (từ MFN sang bình quân gia quyền) làm căn cứ tính giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu trong nước, ông Thi nói: Bộ Công thương vẫn là Bộ được giao chủ trì quyết định.
Phía Bộ Công thương cho rằng, như vậy là chưa hiểu đúng chức năng nhiệm vụ của hai bộ và quy định của Nghị định 83/2014/NĐ-CP trong việc chủ trì, phối hợp xây dựng chính sách về thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu và điều hành giá xăng dầu”.
Chờ Bộ Tài chính lên tiếng
Sau khi Bộ Công thương phản ứng, đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng đã có chỉ đạo các đơn vị liên quan để làm rõ hơn sự việc và sớm thông tin với báo chí.
Người tiêu dùng đang chờ đợi thông tin chính thức, ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong việc người tiêu dùng bị móc túi 3502 tỷ đồng chênh lệch thuế xăng dầu. Câu chuyện điều hành giá mặt hàng nhạy cảm xăng dầu vẫn khiến dư luận bức xúc.
Còn nhớ, khi câu chuyện điều hành xăng dầu gây bức xúc dư luận hồi tháng 9/2011 mà tâm điểm là cuộc tranh luận gay gắt chưa từng thấy giữa 2 bộ Tài chính – Công thương, ông Vương Đình Huệ từng phát ngôn ấn tượng: “Điều hành xăng dầu vì người dân chứ không phải vì 11 doanh nghiệp đầu mối”. Và giờ đây người dân lại chờ đợi thêm một thông tin, 3502 tỷ đồng sẽ được xử lý như thế nào khi 2 Bộ vẫn đá bóng trách nhiệm cho nhau.
Chính phủ cần đứng ra làm trọng tài ?
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khi trao đổi với Đại Đoàn Kết, khẳng định, nếu cả hai Bộ đùn đẩy trách nhiệm thì Chính phủ phải đứng ra làm trọng tài và xử lý cái sai cụ thể của từng Bộ theo quy định. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần tìm ra hướng xử lý đảm bảo quyền lợi của người dùng xăng dầu. Lối làm việc tắc trách như vậy sẽ còn gây thiệt hại cho người tiêu dùng”.
Ông Long phân tích, theo Nghị định 83 thì Bộ Tài chính là cơ quan chịu trách nhiệm về thuế và giá xăng dầu nhưng Bộ Công thương lại là đơn vị cuối cùng quyết định giá xăng dầu. Bộ Tài chính đưa ra giá nhưng Bộ Công thương phải có sự thống nhất. Khi không có sự thống nhất giữa hai Bộ, Bộ Công thương phải báo cáo với Chính phủ để Chính phủ có hướng xử lý. Vì thế, không thể nói, trách nhiệm của việc DN bỏ túi hàng nghìn tỷ đồng xăng dầu là trách nhiệm của riêng Bộ Tài chính hay Bộ Công thương được”- vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Long cũng cho rằng, Bộ Tài chính nói việc áp thuế theo các cam kết FTA có độ trễ là ngụy biện. Cơ quan chịu trách nhiệm quản lý thuế, trong quá trình ký FTA, chắc chắn phải biết và thay đổi các mức thuế theo đúng quy định. Tại sao, đến khi phát hiện Petrolimex lãi khủng mới biết nguyên nhân vì thuế áp sai là không thể chấp nhận.
Trong khi đó chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc tính giá cơ sở với những mức thuế khác nhau không phải xuất phát từ việc Việt Nam ký kết những hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương khá dồn dập thời gian qua mà điều quan trọng ở cơ chế quản lý. Vấn đề này đã đặt ra bài toán mới về điều phối các cam kết hội nhập bởi rõ ràng, với trường hợp chênh thuế xăng, dầu như hiện nay thì lợi nhuận đã rơi vào túi DN.