“Chùm khế” sẽ hết ngọt?

Hữu Nguyên 25/03/2016 00:01

Không thể phủ nhận vai trò của nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) suốt hơn 2 thập niên qua (từ 1993) làm thay đổi tích cực diện mạo kinh tế – xã hội Việt Nam, tăng tốc hội nhập và nâng cao vị trí của nước ta trong cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng ODA trong thực tế đang đặt Việt Nam trước tình thế phải thay đổi. Thay đổi để ODA không trở thành “chùm khế ngọt” gây tác hại lâu dài nhiều hơn là đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Nhiều chuyên gia đã kiên trì lên tiếng cảnh báo về tình trạng buông lỏng quản lý và sử dụng ODA kém hiệu quả ở một số công trình, địa phương trong thời gian qua. Đó là chưa kể, không ít tiêu cực, tham nhũng đã phát sinh xung quanh các dự án ODA . Có thể nói, cơ chế cấp phát, xin – cho còn khá nặng nề trong suốt thời gian qua về phân bố nguồn vốn ODA là một trong những nguyên nhân quan trọng làm giảm sút hiệu quả sử dụng nguồn vốn và phát sinh tiêu cực. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, hầu hết các dự án ODA đều có hiệu quả sử dụng nguồn vốn không cao. Đặc biệt là các dự án xây dựng hạ tầng, giao thông thường chậm tiến độ, đội vốn rất lớn.

Cơ chế sử dụng nguồn vốn vay, dù là vay ưu đãi như ODA, mang tính cấp phát từ ngân sách và Nhà nước lại phải chịu hầu hết các rủi ro đã dễ dàng dẫn tới tình trạng lãng phí ngay từ trong tư duy xây dựng chính sách đầu tư. Chính Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cũng từng xót xa thừa nhận lãng phí hàng đầu chính là lãng phí trong chủ trương đầu tư. Và do cơ chế thiếu vắng sự giám sát của người dân một cách hữu hiệu nên không ít chủ trương đầu tư công lại xuất phát từ lợi ích nhóm. Do vậy, nghịch lý là nhiều công trình cần thiết cho xã hội, cho nhân dân thì lại không đầu tư. Ngược lại, chủ trương đầu tư quá mức vào những công trình không thiết thực, không cần thiết, gây lãng phí lớn nguồn lực. Đáng nói, nguồn lực ở đây lại là vốn vay phải trả, dù là vay ưu đãi. Sự lãng phí trong chủ trương đầu tư đã để lại gánh nặng, áp lực trả nợ gia tăng vì nguồn vốn sử dụng không hiệu quả cho nhiều thế hệ sau.

Nguồn vốn ODA ưu đãi thường kèm theo những điều kiện như chỉ định thầu, ưu tiên nhà thầu nước ngoài, yêu cầu mua máy móc, thiết bị, vật liệu từ quốc gia tài trợ... Do các dự án thiếu tính cạnh tranh nên chi phí đầu tư thực tế thường tăng hơn rất nhiều so với dự toán ban đầu. Khi trách nhiệm của người đi vay, người tiêu tiền không cao thì các dự án ODA thường có nguy cơ quản lý kém hiệu quả, nảy sinh nhiều bất cập. Chất lượng các công trình dự án ODA và mối lo nợ nần càng tăng lên khi những sự cố kỹ thuật, những vụ tai nạn chết người liên tiếp xảy ra như trong quá trình thi công Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Những góc tối, những sự cố đó đã tạo ra nhiều ý kiến lo ngại về ODA. Đơn giản, nếu ODA và đầu tư công kém hiệu quả sẽ tác động đến tính bền vững và an toàn của nợ công.

Một số nước đã thành công với ODA nhờ phát huy tính tự chủ cao, quản lý chặt chẽ và các cơ quan tiếp nhận ODA đủ năng lực quản lý. Trong khi đó, vì nhiều lý do, trong đó có lý do huy động và sử dụng vốn ODA chưa tốt, nhiều quốc gia đã rơi vào tình trạng bất ổn định. Đây cũng là kinh nghiệm cho Việt Nam. Các chuyên gia thống nhất rằng chỉ nên lựa chọn và chấp nhận những ODA có ý nghĩa thiết thực và hiệu quả kinh tế – xã hội cụ thể và phải kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí để ODA thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn mà không trở thành món nợ của tương lai.

Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng: “Việc huy động và sử dụng các nguồn vốn ODA trong những năm qua còn bộc lộ một số hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu một định hướng tổng thể với tầm nhìn dài hạn làm cơ sở cho việc huy động và sử dụng một cách có hiệu quả hơn”.

Tính từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình, mức độ ưu đãi của các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam đang giảm rõ rệt. Nếu như giai đoạn trước năm 2010, thời hạn vay bình quân khoảng từ 30 - 40 năm, với chi phí vay khoảng 0,7-0,8%/năm, bao gồm thời gian ân hạn, thì giai đoạn 2011-2015, thời hạn vay bình quân chỉ còn từ 10 - 25 năm, tùy theo từng đối tác và từng loại vay, với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên. Nhiều nhà tài trợ đã chuyển từ nguồn vốn ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp. Dự kiến đến tháng 7/2017, Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2 - 3,5%.

Từ năm 2017, theo quy định Luật Ngân sách mới, ngân sách địa phương được phép bội chi, tức là được vay nợ và phải có nghĩa vụ trả nợ. Cơ chế mới này sẽ giúp tách bạch quyền và nghĩa vụ trong việc vay, trả nợ giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, góp phần quản lý nợ công. Nhà nước sẽ chỉ tập trung vốn ODA vào những lĩnh vực then chốt, các dự án công trình trọng điểm. Các địa phương có tiềm lực tài chính tốt, nộp ngân sách về trung ương phải chia sẻ trách nhiệm về gánh nặng nợ qua việc cho vay lại.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn băn khoăn với cơ chế địa phương tự vay và tự chịu trách nhiệm trả nợ, bởi nguy cơ nợ công các địa phương sẽ tăng mạnh. Do vậy, cần phải làm rõ cơ chế trách nhiệm trong quyết định các dự án đi vay ODA và người ký đề xuất vay ODA. Nếu vẫn là cơ chế cấp ủy hay hội đồng nhân dân thông qua, tức trách nhiệm tập thể, sẽ không thể quy được trách nhiệm. Có ý kiến đề nghị phải có nghị định hướng dẫn cụ thể hơn về trách nhiệm cá nhân, cũng như cơ chế bố trí vốn trả nợ. Bởi dù cho địa phương vay lại nhưng cuối cùng Nhà nước cũng sẽ phải trả nợ nếu các dự án không đạt hiệu quả và địa phương không trả được nợ. Đồng thời, để tăng hiệu quả và trách nhiệm trong sử dụng vốn ODA, bên cạnh việc trao trách nhiệm cho địa phương, cần tăng cường cơ chế phản biện, giám sát, đánh giá dự án cho người dân.

Hữu Nguyên