Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc thiểu số: Quan trọng là tâm huyết và nhiệt huyết

Minh Quang 26/03/2016 10:10

Sáng 25/3, Bộ VHTT&DL đã tổ chức hội thảo về chủ đề tìm giải pháp sưu tầm và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, văn học nghệ thuật (VHNT) các dân tộc thiểu số. Đông đảo các văn nghệ sĩ và nghệ nhân đại diện cho đồng bào dân tộc ít người ở các vùng miền của cả nước đã về dự. 

Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc thiểu số: Quan trọng là tâm huyết và nhiệt huyết

Phụ nữ Mông Sa Pa.

Từ chia sẻ của các đại biểu, một câu chuyện cũng được nhìn nhận rõ hơn: cho dù Nhà nước đã có “Đề án bảo tồn phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”, nhưng để đạt được mục tiêu đã đặt ra, kinh phí có lẽ không phải là yêu cầu quan trọng nhất.

Cần nhận thức và nhiệt huyết

Mang kinh nghiệm bảo tồn di sản văn hóa của đồng bào đến chia sẻ tại hội thảo, nhưng cả nhà quản lý và nghệ nhân của các địa phương đều bày tỏ lo lắng về nguy cơ mai một về bản sắc văn hóa của từng tộc người hiện nay. Rất nhiều dân tộc ít người hiện không gìn giữ được tiếng nói, chữ viết và trang phục truyền thống… Bà Chu Thùy Liên- Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Điện Biên cho hay, hiện tại địa phương này đã hoàn thiện việc kiểm kê di sản của các đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng đó là một công việc vô cùng khó khăn. Đơn cử như dân tộc Lào – đã sinh sống khoảng 350 năm tại Điện Biên (thuộc huyện Điện Biên và huyện Điện Biên Đông), nhưng cho đến trước năm 2012, kiểm kê di sản văn hóa, đồng bào chỉ còn giữ được duy nhất một bộ trang phục dân tộc. Song nhờ đề án bảo tồn di sản văn hóa nói trên, kể từ sau năm 2012 đến nay, người Lào ở bản Na Sang II tại Điện Biên đã khôi phục lại được bộ trang phục truyền thống. Cho tới nay, thì nghề dệt thổ cẩm ở bản Na Sang II không những được khôi phục mà thổ cẩm của người Lào ở địa phương còn trở thành phẩm du lịch nổi tiếng.

Bà Liên cho biết, hiện vẫn còn nhiều việc phải làm để khôi phục lại bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc ít người tại địa phương, nhất là chữ viết, văn hóa ẩm thực của đồng bào. Công việc này cần nhiều thời gian, công sức, đặc biệt là sự nhiệt huyết của chính quyền các địa phương và những nhà nghiên cứu.

Đây không phải lần đầu tiên, hội thảo bàn về việc giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc ít người được đề cập. Ở hội thảo gần đây nhất tổ chức tháng 8/2015, quanh chủ đề bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa của 16 dân tộc có số dân dưới 10.000 người, đang sinh sống tại các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Quảng Bình, Nghệ An, Kon Tum… một vấn đề tiếp tục được xới lên: văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số rất phong phú, đa dạng nhưng chưa được bảo tồn, phát huy đúng mức và đang đứng trước nguy cơ bị phai nhạt, mất dần bản sắc.

Tại hội thảo lần này, ông Cao Chư- Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Quảng Ngãi cho rằng, để bảo tồn văn hóa các dân tộc ít người, mọi giải pháp đều qui về nhận thức. Trong đó quan trọng nhất là nhận thức của nhà nghiên cứu. Vì thế họ phải là người đi tiên phong, kịp thời trong việc nhận diện di sản văn hóa và những giá trị của nó. Tất nhiên, những nhận thức ấy phải được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng. Việc phổ biến ở đây có thể dưới nhiều hình thức như tuyên truyền, vận động, xuất bản sách và các công trình nghiên cứu. Kế đó là nhận thức của nhà quản lý và cộng đồng. Khi nhà quản lý coi trọng những giá trị di sản văn hóa truyền thống, quan tâm đến đời sống tinh thần của người dân thì cộng đồng sẽ nhận thức được tầm quan trọng của những giá trị văn hóa- giá trị sống mà họ đang lưu giữ để trao truyền và bảo tồn.

Kiến nghị lập bảo tàng tư nhân để bảo tồn di sản

Tại hội thảo cũng có những ý kiến cho rằng, di sản VHNT dân tộc thiểu số hiện đang được các cá nhân lưu giữ là chủ yếu. Vì thế cần phải có chính sách khuyến khích cá nhân thành lập các bảo tàng tư nhân và kinh phí hỗ trợ để họ chung tay cùng nhà nước bảo tồn. Theo nhà thơ Lê Tuấn Lộc - hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam: Lập bảo tàng tư nhân về di sản văn hóa dân tộc thiểu số nghe có vẻ to lớn nhưng trên thực tế các sưu tập cá nhân nhiều năm nay đã có rồi chứ không phải mới mẻ gì. Phân tích cho thấy, khi tư nhân cùng chung tay với nhà nước bảo tồn di sản, chắc chắn là việc lưu giữ những giá trị truyền thống sẽ lâu dài hơn và sức lan tỏa trong cộng đồng cũng hiệu quả hơn.

Tất nhiên, sẽ còn nhiều hội thảo tiếp tục bàn về việc gìn giữ di sản văn hóa, VHNT của các dân tộc thiểu số. Song nhiều băn khoăn đang được đặt ra, kinh phí cho công tác bảo tồn cũng chỉ là một phần, bởi trên thực tế đã có những đầu tư rất nhiều tiền của nhà nước cho hoạt động này, nhưng đang vô cùng lãng phí. Đơn cử như nhiều cuốn sách trong giai đoạn 2 của dự án Công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam được nhà nước đầu tư tới 150 tỉ đồng, chỉ cấp cho các thư viện lại đang nằm ở các tiệm sách cũ với giá thu mua như giấy vụn.

Minh Quang