'Con voi trong phòng khách'
Khi các Bộ vẫn còn đùn đẩy trách nhiệm về việc quản lý, giám sát “những con voi trong phòng khách” thì người dân vẫn còn phải tiếp tục chịu thiệt. Trong khi buộc phải ngồi chờ và chịu thiệt, người dân hãy cố gắng trở thành “người tiêu dùng thông minh”.
Ảnh minh họa.
Chỉ cần một “con voi trong phòng khách” của hai bộ Công thương và Tài chính đã kịp “móc túi” người dân hơn 3.500 tỷ đồng tiền thuế xăng dầu vô lý. Trong khi hai bộ này vẫn còn đang tiếp tục tranh cãi về trách nhiệm quản lý của họ, thì người dân vẫn còn tiếp tục bị “móc túi” tiền tỷ mỗi ngày. Chẳng có ai nóng ruột, kể cả những “người tiêu dùng thông minh”. Vì trong trường hợp này, “người tiêu dùng thông minh nhất” cũng phải bó tay. Không thể từ chối việc đổ xăng vào xe cá nhân để đi làm. Vì nếu chọn xe buýt, hay giao thông công cộng khác hợp túi tiền thì luôn trễ giờ và chắc chắn có nguy cơ bị mất việc.
Đã là “người tiêu dùng thông minh” chắc hẳn ai cũng biết câu nói nổi tiếng của một vị đại biểu Quốc hội trong năm vừa rồi khi bình luận về tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm: “Chưa bao giờ con đường từ bàn ăn ra nghĩa địa lại gần đến thế”. Câu chuyện này không chỉ một lần được đặt ra nghị trường Quốc hội để cảnh báo và tìm kiếm giải pháp. “Tư lệnh” của các ngành chức năng có liên quan lần nào cũng hứa hẹn, cam kết và quyết tâm… kéo con đường này dài ra hơn, an toàn hơn. Song, trong thực tế việc kinh doanh, sử dụng chất cấm ngày một tinh vi hơn và công tác quản lý chuyên ngành lại càng tỏ ra bất cập hơn. “Con voi” vẫn chễm chệ trong phòng khách, vì không ai nhận trách nhiệm thuộc về mình, nên chẳng có ai giám sát, kiểm soát và nhất là phải có hành động cụ thể dù chỉ là để chứng tỏ đã nhìn thấy “con voi” đang ngồi trong phòng khách của Bộ nhà mình.
Cho tới khi dư luận xôn xao, truyền thông ồn ào thì lúc đó các nhà quản lý “phòng khách” mới lên tiếng và họ mới thừa nhận rằng họ đã nhìn thấy… con voi. Thế nhưng trách nhiệm giám sát và quản lý “con voi” đó, để nó đi lung tung, ngồi không đúng chỗ luôn chắc chắn là không thuộc về Bộ nhà mình. Lỗi là thuộc về cái bộ phận có tên là cơ chế. Cơ chế lỏng lẻo là do các quy định của pháp luật còn bất cập chứ không phải do con người hay tổ chức cụ thể nào cả.
Sau khi báo chí dẫn nguồn Cảnh sát Môi trường cho biết trong năm 2015 đã có trên 20 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu 9.140kg salbutamol về Việt Nam (Trong đó, khoảng 3 tấn đang được lưu giữ trong kho của các doanh nghiệp còn trên 6 tấn đã được bán ra thị trường nhưng chỉ có 10kg được sử dụng đúng quy định) và đặt vấn đề 6 tấn còn lại đang ở đâu, có hay không ở trong cơ thể người tiêu dùng, thì chỉ một ngày sau ngành Y tế đã lên tiếng.
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) giải thích số liệu hơn 9 tấn salbutamol (chất tạo nạc) được nhập về là trong thời gian 2 năm (2014 và 2015) chứ không phải chỉ riêng trong năm 2015 như báo chí nói.Theo Cục Quản lý Dược, số lượng này (9.091kg) được xem xét cho nhập khẩu trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp sản xuất thuốc, nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc. Ngoài ra, Cục này khẳng định hiện chỉ có 10 doanh nghiệp nhập khẩu salbutamol (không phải 20 doanh nghiệp). “Thông tin trong 6 tấn bán ra thị trường nhưng chỉ có 10kg được sử dụng đúng quy định là hoàn toàn không có cơ sở” - Cục này nhấn mạnh.Theo Cục Quản lý Dược, salbutamol là hoạt chất cần thiết cho công tác điều trị, lâu nay không được đưa vào danh mục kiểm soát đặc biệt. Mặc dù có nhiều lợi ích trong y học, tuy nhiên salbutamol cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm cho sức khỏe con người nếu bị dùng bừa bãi, không đúng mục đích.
Đại diện của ngành y tế cho rằng tận tới ngày 4/9/2014 ngành nông nghiệp mới ban hành quy định đưa salbutamol vào danh mục các chất cấm trong chăn nuôi. Đáng nói là việc liệt kê chất cấm trong chăn nuôi lần này của ngành nông nghiệp không hề có sự tham khảo hay phối hợp nào với ngành y tế. Do vậy, không thể nói ngành y tế không có trách nhiệm trong việc phối hợp quản lý. Cục Quản lý Dược Bộ Y tế cũng cho biết, sau khi có thông tin salbutamol bị tuồn chui ra ngoài sử dụng sai mục đích, Cục đã phối hợp với C49 kiểm tra 6/10 cơ sở kinh doanh. Kết quả là có 4/6 cơ sở được kiểm tra vi phạm khi ban salbutamol cho những cơ sở không có giấy chứng nhận đầy đủ điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định của pháp luật. Không thấy Cục này nói số lượng chất salbutamol mà 4 cơ sở vi phạm đã bán cho các cơ sở không đủ điều kiện kinh doanh thuốc chữa bệnh là bao nhiêu.
Trong khi đó, phát biểu với báo chí, TS.BS Trần Bá Thoại, Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam cho biết: “Việt Nam chỉ cần khoảng 10kg salbutamol để làm thuốc chữa hen phế quản”. Như vậy, với hơn 9 tấn salbutamol được ngành y tế cho nhập khẩu trong 2 năm 2014-2015 và rõ ràng đã xảy ra các vụ vi phạm trong kinh doanh chất cấm này trong chăn nuôi qua một đợt kiểm tra mà Cục Quản lý Dược thừa nhận ai cũng hiểu hàng tấn chất cấm đã đi vào đâu.
Còn nhớ, Bộ trưởng NN&PTNN Cao Đức Phát trong lời tuyên chiến với thực phẩm bẩn gần đây đã khẳng định: “Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là tội ác”. Thế nhưng làm cách nào để “người tiêu dùng thông minh” và kể cả những người có trách nhiệm xác định đâu là “tội ác” và “ai gây tội ác” khi mà ngành nông nghiệp thì cấm còn ngành y tế thì không cấm?
Trong khi các Bộ còn đang ngồi tranh luận với nhau về trách nhiệm quản lý, thì “con voi trong phòng khách” đã kịp thời tung hoành đầu độc hàng loạt những người tiêu dùng, kể cả người tiêu dùng thông minh nhất. Một khi việc đầu độc này còn mang lại lợi nhuận kếch xù cho nhóm lợi ích và kể cả các doanh nghiệp, thương lái vô đạo đức, thấy lợi là tối mắt sẵn sàng đầu độc chính dân tộc, gia đình mình. Bởi bản thân những kẻ kinh doanh và sử dụng chất cấm, ở góc độ khác chính họ cũng là người tiêu dùng. Salbutamol trong thực tế cũng chỉ là một trong vô số dược chất, hoặc hóa chất nằm lơ lửng trên lằn ranh giới trách nhiệm của các ngành. Nó không phải là một trường hợp ngoại lệ duy nhất. Giữa ma trận chất cấm, liệu có ai chắc rằng họ có thể thoát ra khỏi hoàn toàn cái vòng vây của lưỡi hái tử thần?