Sống chậm ở Viêng Chăn
Ở Viêng Chăn (Lào), bên cạnh một số công trình cao tầng, không khó để bắt gặp những ngôi nhà cấp bốn, những con đường cỏ mọc um tùm. Và đối với nhiều người Việt sang đây mưu sinh, Viêng Chăn yên bình, gần gũi quá đỗi nên họ đã chọn nơi đây là quê hương thứ 2 của mình. Trong hơn 20.000 người Việt đang định cư tại Lào thì có khoảng 20% người Việt có thu nhập cao. Những gia đình này chủ yếu sống ở Viêng Chăn, Champasac, Savannakhet, Khammuon, Attapeu…
Giao thông ở Viêng Chăn rất quy củ và trật tự.
Thuần hậu, gần gụi và nhường nhịn
Lâu nay Thủ đô Viêng Chăn của xứ sở Triệu Voi vẫn bình yên với những nhịp sống chậm, nhẹ nhàng mà sâu lắng. Ngoài kiến trúc chùa và tháp đồ sộ, Viêng Chăn kết tinh những nét đặc trưng làm nên tính cách rất riêng của người Lào - Thuần hậu, gần gũi và nhường nhịn…Nghe lời giới thiệu của anh Minh (quê Hải Dương) đã sang Lào mưu sinh được gần 10 năm nay, chúng tôi quyết định sang thăm xứ sở Triệu Voi.
Bình yên là cảm nhận chung của tất cả mọi người trong đoàn khi xe vừa chạm bánh đại lộ Lan Xang. Ở đây người và xe rất đông nhưng tuyệt nhiên không thấy có hiện tượng ùn tắc hay còi xe inh ỏi. Mọi phương tiện đều lưu thông một cách trật tự và đúng luật. Nếu bạn muốn rẽ ngang hay xin đường, không cần vượt ẩu, người cùng đi sẽ sẵn sàng nhường đường, thậm chí là dừng xe chờ cho bạn đi qua họ mới tiếp tục hành trình, chậm rãi và rất bình tĩnh. Có lẽ đây cũng là nguyên nhân trên cả một đại lộ Lan Xang rộng thênh thang nhưng có rất ít cảnh sát giao thông.
Đặc biệt, người dân ở Thủ đô Viêng Chăn có nếp sống rất văn minh, không mấy khi có chuyện người đi bộ tìm cách băng qua đường khi xe cộ đang lưu thông và càng không thấy cảnh mua bán lộn xộn trên vỉa hè, nên đường phố khá thoáng đãng, toàn bộ không gian chỉ để dành cho người đi bộ.
Đón chúng tôi bằng một chiếc xe tuk tuk, anh Minh giới thiệu, ở đây hầu như không có xe taxi nên khách du lịch đến đây ngoài xe buýt, ô tô… thì phương tiện đi lại trong thành phố chủ yếu là xe tuk tuk. Đây là một loại xe ba bánh có gắn cabin. Xe tuk tuk không chỉ thuận tiện đi lại mà còn được trang trí khá đẹp mắt, di chuyển rất gọn.
Sang Lào được 10 năm, có lẽ cái văn hóa, phong cách và nhịp điệu sống của người dân nơi đây cũng đã thấm vào con người anh nên Minh bảo, từ lâu mình cũng đã có thói quen sống chậm. Mọi thứ đều không xô bồ, vội vã. Ngay cả việc mưu sinh cũng vậy, không bon chen, giành giật. Số tiền Minh kiếm được từ việc lái xe tuk tuk chở khách du lịch cùng xe kem lưu động của vợ đủ để hai vợ chồng và hai đứa con sống khá thoải mái ở Viêng Chăn.
Theo anh Minh, để làm được nghề này cũng không khó, sau khi có một số vốn tiếng Lào, anh tìm hiểu rất nhiều về văn hóa Lào, các danh lam thắng cảnh, các cơ sở thờ tự đạo Phật… để giới thiệu cho du khách. Hiện phí cho xe tuk tuk chạy trên đường phố một năm là 250.000 kíp Lào (khoảng 700.000 đồng tiền Việt). Nếu chịu khó chạy xe, thu nhập khoảng 13-15 triệu đồng tiền Việt/tháng. Được cái mọi chi phí ở đây cũng khá rẻ, nên cuộc sống như thế là tạm ổn, anh bảo vậy.
Cũng theo anh Minh thu nhập là mục đích quan trọng nhất khi mưu sinh ở xứ người, thế nhưng còn một thứ nữa níu chân những người Việt mình đó là tình cảm nồng hậu, thân thiện, gần gũi, sống thực chất và nghĩa tình sâu nặng của những người dân Lào. Ngoài ra, an ninh trật tự xã hội ở đất nước Lào nói chung và ở thủ đô Viêng Chăn nói riêng khá tốt, không mấy khi xảy ra chuyện gây sự, đánh nhau trên đường phố và tình trạng cướp giật cũng hiếm khi xảy ra.
Xe tuk tuk – phương tiện mưu sinh của khá nhiều người Việt ở Lào.
Ẩm thực Việt ở Viêng Chăn
Buổi tối, ở khu vực trung tâm Viêng Chăn, rực rỡ với nhiều nhà hàng, cửa hiệu. Đặc biệt, ẩm thực Việt là một thứ không thể thiếu trong thành phố này. Viêng Chăn có rất nhiều quán ăn của người Việt. Chả thế nhiều người sang đây vô cùng ngạc nhiên vì tại mỗi quán thường treo cả bảng giá tiếng Lào và tiếng Việt. Chúng tôi gọi mỗi người một tô phở to bởi anh Minh giới thiệu vị phở ở đây cũng không khác mấy Hà Nội, mỗi tô nhỏ giá 17 ngàn kíp (khoảng 45 ngàn đồng Việt), tô to 20 ngàn, tô đại 25 ngàn.
Ngoài ra khẩu vị người Lào tương đối giống người Việt, đa phần món hơi ngọt hoặc hơi cay chút. Đó cũng là lý do để các món ẩm thực Việt được người Lào đón nhận. Những món như hủ tíu, mì thịt, bánh mỳ, bánh cuốn… có giá từ 12.000 - 15.000 kíp/suất.
Chị Mai Hoa, chủ một quán ăn của người Việt ở Viêng Chăn cho biết, việc kinh doanh buôn bán ở đây cũng khá thuận lợi nhưng khó giàu vì mức sống của người dân Lào cũng gần tương đương với người dân Việt Nam. Hai vợ chồng chị Hoa sang đây cũng được hơn 10 năm, chăm chỉ làm ăn, số tiền tích lũy từ cửa hàng ăn này cũng đủ lo cho 2 đứa con ăn học và trang trải cuộc sống 4 người.
1 tuần liền, được anh Minh dẫn đi thăm quan rất nhiều danh thắng ở Viêng Chăn chúng tôi cứ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Cũng là phố xá, đô thị nhưng nếu ở Việt Nam, tại các thành phố lớn, người ta tranh thủ từng giờ từng phút, cả đêm để buôn bán mưu sinh thì những người dân ở đây ngược lại. Họ cứ từ tốn và chỉ hoạt động buôn bán trong giờ hành chính. Nhiều hôm, chúng tôi ra cửa hàng tạp hóa tìm mua một số vật dụng sinh hoạt, thật ngạc nhiên khi 11 giờ trưa chủ cửa hàng đã đóng cửa và từ chối: Đến giờ nghỉ trưa rồi. Còn buổi chiều, cứ khoảng 4 giờ là thấy họ bắt đầu lục tục dọn hàng. Ngay cả anh xe ôm chở chúng tôi đi tham quan cũng vậy. Xe đang bon bon chạy, ngó đồng hồ xong anh nhẹ nhàng dừng lại “trả khách” và xin đủ số tiền quãng đường đã chở.
Người dân Lào niệm về cuộc sống khá đơn giản, họ ít ganh ghét, bon chen về chuyện giàu nghèo, địa vị. Cuộc sống từ tốn và chậm rãi. Chả thế mà, ở giữa một thủ đô lớn nhất nước Lào, bên cạnh một số công trình (cao không quá 5 tầng), người ta vẫn dễ dàng bắt gặp những ngôi nhà cấp bốn, những con đường cỏ mọc um tùm. Và đối với nhiều người Việt sang đây mưu sinh, Viêng Chăn yên bình, gần gũi quá đỗi nên họ đã chọn nơi đây là quê hương thứ 2 của mình. Hiện tại có khoảng 20.000 người Việt đang định cư tại Lào