Nguy cơ nhập siêu xuất bản phẩm
Không chỉ phim ảnh, chúng ta đang đứng trước nguy cơ nhập siêu về xuất bản phẩm. Tín hiệu cảnh báo này vừa được đưa ra tại hội nghị Triển khai công tác xuất bản và phát hành 2016 diễn ra giữa tuần qua tại TP HCM.
Sách của nước ngoài được dịch và phát hành ồ ạt tại thị trường Việt Nam.
(Ảnh: Thư Hoàng)
Ngoại lấn át nội
Quan sát thị trường xuất bản cũng như tại những hội sách gần đây, một điều dễ nhận thấy là các xuất bản phẩm được mua bản quyền từ nước ngoài chiếm số lượng lớn. Có những đơn vị xuất bản, sách dịch của nước ngoài chiếm tới 90% số đầu sách được in ấn, phát hành.
Trước đây, nguồn sách của các tác giả Trung Quốc được ưa chuộng, một phần vì không phải mua bản quyền. Tuy vậy, đến thời điểm này, khi chúng ta đã ký kết những công ước với thế giới, thì vấn đề bản quyền cực kỳ quan trọng và là yếu tố sống còn của các đơn vị xuất bản. Theo đó, hầu hết những cuốn sách bán chạy của thế giới, hay được giải thưởng uy tín, của những tác giả nổi tiếng đều nằm trong “tầm ngắm” của các đơn vị xuất bản Việt Nam.
Chính vì thế, thời gian qua, độc giả đã có thể tiếp cận rất nhanh với các tác phẩm được thế giới đang quan tâm qua bản dịch tiếng Việt. Thậm chí, có những đầu sách được dịch và phát hành đồng thời với thế giới, như gần đây là cuốn “Đại dương mất tích” chẳng hạn. Các mảng sách dịch cũng phong phú, đa dạng. Từ truyện cổ tích cho thiếu nhi, sách Harry Potter, cho tới tiểu thuyết, truyện ngắn…; thậm chí sách về những nhân vật chính khách của thế giới và đặc biệt là mảng sách cung cấp tri thức khoa học cho trẻ em.
Theo con số mới được đưa ra, năm 2015, nhập khẩu xuất bản phẩm tăng 10% so với năm 2014, với số lượng 60 triệu bản sách, 8,5 triệu tờ báo, tạp chí nhập vào Việt Nam. Một con số khác khiến nhiều người phải suy ngẫm: năm 2015, Việt Nam phải chi 20 triệu USD để nhập khẩu ấn bản phẩm, trong khi chỉ xuất ra nước ngoài 4,1 triệu USD. Điều này cho thấy sự bắt tay hội nhập của một số đơn vị làm sách khá nhanh, nhưng đồng thời cũng cho thấy sách do các tác giả trong nước đang bị lép về.
Cẩn thận thua trên sân nhà
Bên cạnh một số đơn vị làm ăn có lãi (mà phần lớn nằm ở khu vực các công ty sách tư nhân), hiện nay, theo các chuyên gia, xuất bản VN vẫn còn đang loay hoay, thậm chí nhiều đơn vị không những chẳng thể dậm chân tại chỗ mà còn có dấu hiệu thụt lùi.
Tính đến hết năm 2015, chỉ 4 nhà xuất bản (NXB) ở VN báo cáo có lãi là: NXB Trẻ, NXB Chính trị-Quốc gia-Sự thật, NXB Kim Đồng, NXB Giáo dục Việt Nam. Một số đơn vị xuất bản đang phải bù lỗ ở mức dưới 1 tỷ đồng.
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Chu Văn Hòa thừa nhận: “Xuất bản VN chưa thoát khỏi được suy thoái”. Theo ông Hòa, hiện VN có 60 NXB hoạt động, nhưng có đến 29 đơn vị chưa được Bộ Thông tin - Truyền thông cấp đổi giấy phép hoạt động do chưa đủ nguồn kinh phí để bảo đảm duy trì hoạt động.
Với thực tế này, dễ hiểu vì sao nhiều NXB gần như mất hút trên thị trường. Hoặc nếu có, cũng chỉ thể hiện thông qua logo liên kết với các công ty sách bên ngoài. Chính bởi vậy, một số chuyên gia cho rằng, thị trường sách hiện nay thực chất đang nằm trong tay của mấy NXB hoạt động có lãi và các công ty sách tư nhân. “Sân khấu” là của họ, và họ quyết định đầu tư mua bản quyền, in ấn như thế nào là do họ “định đoạt”, tất nhiên có căn cứ vào nhu cầu do thị trường.
Thiếu tác giả viết sách?
Sự mất cân đối trong bức tranh xuất bản ở VN đang bộc lộ khá rõ. Trong khi các tác giả nước ngoài ồ ạt được nhập về VN thì sách của các tác giả trong nước vẫn rất lép vế. Đã nhiều kỳ hội sách được tổ chức tại TP.HCM, nhưng “át chủ bài” dường như vẫn là sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Các tên tuổi như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh… thì không có thêm tác phẩm mới, còn các tác giả trẻ hơn thì cũng không nhiều và tác phẩm cũng chưa thật sự tạo ra cơn sốt. Hoặc nếu hiếm hoi có thì lại thuộc dạng chỉ “sốt nhất thời” chứ không phải bền vững. Nhiều ý kiến cho rằng, thiếu các nhà văn chuyên tâm vào sáng tác khiến cho dòng sách văn học của VN cũng không giữ chân được độc giả, khiến họ rẽ sang đọc và mê các tác giả ăn khách nước ngoài cũng là điều dễ hiểu.
Đặc biệt, việc thiếu các tác giả viết sách cho thiếu nhi là một tín hiệu cần phải khắc phục. Đúng như ông Trương Minh Tuấn- Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định tại Hội nghị ở TP HCM sáng 22/3: “Đất nước hơn 90 triệu dân mà không có ai viết sách cho trẻ con nước mình là không bình thường”. Quả vậy, mỗi năm có hơn 1 triệu trẻ em ra đời nhưng các tên tuổi sống chết với việc viết sách cho thiếu nhi thì đếm chưa kín bàn tay. Chính bởi thế, khoảng 50% sách cho thiếu nhi hiện nay vẫn đang từ nguồn… nhập khẩu.
“Có quá nhiều lý do cho sự thiếu vắng của sách phổ biến khoa học cho thiếu niên. Thực ra mới chỉ có một vài quyển sách về toán và cờ vua, ngoài ra không còn sách khoa học nào khác của các tác giả VN. Các tác giả VN tập trung viết sách giải bài tập để phục vụ trực tiếp cho nhu cầu thi cử của học sinh mà chưa có đủ trình độ, thời gian cũng như sự quan tâm và nhiệt huyết dành cho mảng sách phổ biến khoa học”, ông Đỗ Hoàng Sơn- Giám đốc Công ty cổ phần giáo dục Long Minh cho biết bên lề Hội Sách TP HCM lần thứ 9.
Nhiều mặt đều yếu, thiếu hoặc “có vấn đề” như thế nên chuyện “nhập siêu” xuất bản phẩm là điều hoàn toàn dễ hiểu. Về vấn đề kinh tế, điều đó cũng đã báo động. Song, quan trọng hơn, ở lĩnh vực văn hóa, sự chênh lệch quá lớn giữa sách nội-ngoại sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến người đọc- những chủ thể văn hóa của đất nước. Mà nỗi lo về văn hóa mới là nỗi lo lâu bền và đáng gióng lên hồi chuông báo động.