Đại biểu QH cần chuyên gia tư vấn

Hoài Vũ (thực hiện) 28/03/2016 08:35

Trao đổi với ĐĐK, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho biết, mỗi ĐBQH được đào tạo cũng chỉ ở trong giới hạn nhất định, nên cần có vai trò tư vấn, hỗ trợ của các chuyên gia, các nhà khoa học. Vì thế trong nhiệm kỳ tới cần tiếp tục tạo điều kiện khuyến khích để mỗi ĐBQH có thể tiếp cận, sử dụng và phát huy được các ý kiến tư vấn khác nhau của các chuyên gia.

Ông Đỗ Mạnh Hùng.

PV:Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Tuy nhiên, Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội cũng đã nêu lên những hạn chế thời gian qua về việc tận dụng sự đóng góp của các nhà khoa học. Vậy làm sao để khuyến khích họ đóng góp để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, thưa ông?

ĐBQH Đỗ Mạnh Hùng: Việc khuyến khích vai trò tư vấn của các nhà khoa học, trí thức, nhà chuyên môn, chuyên gia hỗ trợ cho ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Quốc hội cũng đã có quy chế cụ thể để ĐBQH có thể có điều kiện hơn trong phát huy sử dụng sự tư vấn, hỗ trợ của các chuyên gia nhà khoa học.

Tuy nhiên trong Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội cũng đã đánh giá việc phát huy sử dụng vai trò tư vấn còn có những hạn chế và cần phải có biện pháp cụ thể để làm tốt hơn đối với việc này.

Tôi nghĩ đây là việc làm cần thiết bởi Quốc hội có 3 chức năng cơ bản quan trọng là lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát. Chức năng thì như vậy song phạm vi hoạt động của ĐBQH lại rất rộng từ kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng- an ninh, cho đến đối ngoại.

Trong khi mỗi ĐBQH được đào tạo cũng chỉ ở trong giới hạn nhất định, vì thế đối với lĩnh vực chung, ngoài ngành đào tạo càng cần có vai trò tư vấn, hỗ trợ của các chuyên gia, các nhà khoa học. Vì thế mà trong nhiệm kỳ tới cần tiếp tục tạo điều kiện cả về kinh tế, cơ chế khuyến khích để mỗi ĐBQH có thể được tiếp cận, sử dụng và phát huy được các ý kiến tư vấn khác nhau của các chuyên gia.

Thưa ông, nhiều khi trong quyết định vấn đề lớn của đất nước ĐBQH thiếu thông tin, kể cả thông tin phản biện. Trong khi đó, chủ yếu, thông tin phản biện lại ở các nhà khoa học, chuyên gia?

- Điều này là đúng. ĐBQH thiếu thông tin ở cả hai khía cạnh. Thứ nhất, thời gian tiếp cận tài liệu, đọc và nghiên cứu có sức ép. Trong khoảng thời gian không dài, thậm chí rất ngắn mà ĐBQH phải đọc và nghiên cứu tìm hiểu tham gia quyết định vào vấn đề quan trọng của đất nước thì cũng là một sức ép đối với ĐBQH. Thứ hai là lượng thông tin về vấn đề đó tuy đã được cơ quan chức năng, Văn phòng Quốc hội, hay các bộ máy giúp việc cố gắng cung cấp nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu tìm hiểu của các ĐBQH.

Vì thế để khắc phục tình hình này, một mặt chúng ta cần tăng cường hơn nữa thông tin cho ĐBQH, nhưng mặt khác càng cần hơn nữa cơ chế khuyến khích để chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học có thể tích cực tham gia một cách hiệu quả. Điều đặc biệt quan trọng là ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia phải đến được các ĐBQH một cách kịp thời. Yếu tố kịp thời rất quan trọng vì ý kiến đó đến sau thời điểm Quốc hội đã biểu quyết thì ý kiến cũng chỉ có giá trị tham khảo. Nếu đến đúng thời điểm ĐBQH cần để có thông tin chính xác quyết định vấn đề mà Quốc hội đang bàn và thảo luận thì sẽ hiệu quả và kịp thời hơn.

Hiện chúng ta đã có cơ chế nào để thu hút các nhà khoa học đóng góp cho Quốc hội, thưa ông?

- Quốc hội có một quy định hỗ trợ cho ĐBQH 50 triệu đồng/năm. Kinh phí này được dùng vào mục đích hợp đồng với các nhà khoa học, chuyên gia để nghiên cứu và tư vấn các ý kiến đóng góp. Đó là quy định cụ thể còn cùng với đó thì mỗi một Ủy ban, cơ quan của Quốc hội bao giờ cũng xây dựng một đội ngũ cộng tác viên bao gồm nhà khoa học, chuyên gia ở các lĩnh vực cần thiết để thường xuyên có một chế độ mời họp, sinh hoạt chuyên môn cần thiết để có thể tập hợp những ý kiến tư vấn từ chính các nhà khoa học, chuyên gia đóng góp cho các Ủy ban của Quốc hội.

Vậy ĐBQH khóa XIV và HĐND nhiệm kỳ tới, theo ông chúng ta có tăng số lượng đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia hay không? bởi hiện nay chúng ta đã tăng số lượng ĐBQH chuyên trách. Và chúng ta hoàn toàn có thể mời các chuyên gia, nhà khoa học vào làm việc cho Quốc hội?

- Một chủ chương chung là làm sao nâng cao được chất lượng của ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, từ đó góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng của Quốc hội và chất lượng của HĐND các cấp. Yếu tố rất quan trọng là trình độ về chuyên môn kỹ thuật, trình độ đào tạo học vấn của đại biểu cũng sẽ được chú ý. Bản thân chủ trương đó cũng góp phần nâng cao chất lượng của ĐBQH. Còn tham gia của các nhà khoa học, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có hướng dẫn về cơ cấu, tỷ lệ để đảm bảo sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia để ứng cử vào ĐBQH, HĐND các cấp. Việc tham gia của các nhà khoa học vào Quốc hội cũng góp phần nâng cao chất lượng của Quốc hội trong quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trong giám sát, cũng như trong quá trình lập pháp.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoài Vũ (thực hiện)