Nhiều cơ quan vào cuộc kiểm tra tài sản của ứng cử viên
Để việc kê khai tài sản minh bạch, ngoài việc đòi hỏi tính trung thực của mỗi đại biểu ứng cử, UBMTTQ TP Hà Nội rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để tìm hiểu cho chính xác, thấu đáo tránh những trường hợp đáng tiếc. Bà Lê Thị Kim Oanh- Phó Chủ tịch thường trực UBMTTQ TP Hà Nội khẳng định như vậy với ĐĐK.
Bà Lê Thị Kim Oanh.
PV: Xin bà cho biết số lượng hồ sơ ứng cử ĐBQH và HĐND thành phố kỳ này so với kỳ trước có sự thay đổi như thế nào?
Bà Lê Thị Kim Oanh: Vào giữa trung tuần tháng 3, Ủy ban bầu cử thành phố đã bàn giao hồ sơ ứng cử ĐBQH và HĐND thành phố gồm 87 hồ sơ ứng cử ĐBQH trong đó có 40 hồ sơ đại biểu được giới thiệu, 47 hồ sơ đại biểu tự ứng cử. Đối với hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND thành phố có 205 hồ sơ trong đó có 196 hồ sơ đại biểu được giới thiệu, 9 hồ sơ tự ứng cử.
Với số lượng hồ sơ như vậy UBMTTQ thành phố quan tâm nhất đến số lượng đại biểu tự ứng cử. Hồ sơ tự ứng cử ĐBQH lần này so với nhiệm kỳ trước có tăng hơn còn số lượng HĐND số lượng gần như không biến động nhiều.
Qua 2 vòng hiệp thương và việc tiếp nhận hồ sơ ứng cử đại biểu chúng tôi thấy thành phố đã thực hiện rất tốt quy chế dân chủ ở cơ sở còn nhân dân rất quan tâm đến bầu cử Quốc hội và HĐND vì những việc này không đơn thuần chỉ là công việc của Hội đồng bầu cử mà quan trọng hơn là người dân đã quan tâm đến bộ máy chính quyền của Nhà nước. Đây là điều rất đáng mừng và phấn khởi.
Bà nhận xét thế nào về cơ cấu cũng như chất lượng của những ứng viên đại biểu tự ứng cử, cũng như những ứng viên đại biểu được giới thiệu?
- Đến giờ này nếu nói chất lượng thế nào thì còn quá sớm nhưng qua nghiên cứu hồ sơ chúng tôi thấy có vẻ chất lượng ĐBQH kỳ này so với kỳ trước có thay đổi. Tôi nghĩ rằng bên Hội đồng bầu cử cũng như UBMTTQ thành phố khi làm những việc liên quan đến công tác bầu cử phải làm theo luật định, phải làm hết sức nghiêm túc khách quan, hết sức dân chủ. Ngày 15/3 chúng tôi mới nhận được hồ sơ của Ủy ban bầu cử để làm những bước tiếp theo như hiệp thương vòng 2.
Tôi nghĩ rằng với việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cở sở đã khiến người dân quan tâm hơn đến công tác bầu cử Quốc hội và HĐND. Việc này cho thấy trong đời sống xã hội nhận thức và dân trí của người dân đã tăng lên rất nhiều. Chúng tôi tin tưởng ĐBQH và HĐND nhiệm kỳ này dù được giới thiệu hay ứng cử tự do chất lượng đều tốt hơn trước.
Khi đã nhận được hồ sơ ứng viên ĐBQH và HĐND, UBMTTQ thành phố sẽ tổ chức xem xét lại hồ sơ. Vậy công tác này sẽ được làm như thế nào để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra, thưa bà?
- Chúng tôi đã phân công rất rõ ràng việc này đó là thành lập 2 tổ giúp việc gồm: Một tổ giúp việc phục vụ công tác bầu cử Quốc hội và một tổ giúp việc phục vụ bầu cử cho HĐND. Hai tổ giúp việc này hoạt động độc lập với nhau chắc chắn sẽ làm cho công tác bầu cử ĐBQH và bầu cử HĐND chu đáo, cẩn trọng hơn.
Còn những vấn đề liên quan đến kỳ bầu cử ĐBQH và HĐND khóa trước mà có trường hợp đáng tiếc xảy ra tại Hà Nội đó là điều không ai mong muốn. Đặc biệt, với những đại biểu đại diện cho một quốc gia hơn 90 triệu dân thì nhân dân, các nhà lãnh đạo đều không mong muốn điều đó.
Tuy nhiên, tôi cho rằng mỗi một cơ quan, tổ chức, đơn vị đều có chức năng, nhiệm vụ riêng thì các cơ quan, đơn vị đó hãy làm tốt nhiệm vụ của mình để những người tham gia ứng cử nhận thức được rằng họ phải có trách nhiệm với quốc gia, dân tộc với hơn 90 triệu dân chứ không nên vì một lợi ích cá nhân nào đó mà vi phạm. Nếu đạt được mục tiêu đó thì chắc chắn chất lượng của ĐBQH, HĐND các cấp nhiệm kỳ này sẽn tốt hơn và những điều đáng tiếc sẽ không xảy ra.
Trong bản hồ sơ ứng cử ĐBQH và HĐND ngoài hồ sơ kê khai về lý lịch bản thân thì đều có kèm theo bản kê khai tài sản cá nhân. Tuy nhiên, từ trước tới nay việc kê khai tài sản vẫn được coi là khâu còn nhiều điều phải suy ngẫm. Theo bà, UBMTTQ thành phố phải làm thế nào để những bản kê khai đó đúng thực chất hơn?
- Đúng vậy, việc kê khai tài sản cá nhân từ trước tới nay đều thu hút rất lớn sự quan tâm của dư luận và đâu đó ở chỗ này chỗ kia cũng đã từng xảy ra nhiều vấn đề khiến người dân phải suy nghĩ. Tuy nhiên, tôi nghĩ việc gì cũng có 2 mặt. Đối với những người tham gia ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp cá nhân Mặt trận cũng không đủ năng lực để thẩm định hết được sự đúng, sai mà phải nhờ đến các cơ quan chức năng cùng vào cuộc để xem xét xem các đại biểu tham gia ứng cử ở một góc độ nào đó có xứng đáng không.
Đối với việc kê khai tài sản cũng đòi hỏi sự minh bạch, công khai, trung thực của mỗi đại biểu.
Bên cạnh việc các đại biểu nói rõ nguồn gốc tài sản đó từ đâu mà có thì các cơ quan chức năng phải cùng vào cuộc để tìm hiểu cho chính xác, thấu đáo tránh những trường hợp đáng tiếc sau này.
Theo tôi, bên ngành Thuế cũng phải tham gia. Các cơ quan như công an, an ninh và các cơ quan có đại biểu tham gia ứng cử cũng phải tham gia.
Nếu chúng ta chỉ làm việc độc lập, đơn lẻ mà không có sự vào cuộc một cách tổng lực, phối hợp chặt chẽ thì hiệu quả của công tác bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp khó được như mong muốn.
Trân trọng cảm ơn bà!