Cân nhắc khi chọn học ngành Y
Đưa ra lời khuyên với những thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT Quốc gia, cũng như đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ, GS Nguyễn Hữu Tú - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ: Nghề y là nghề đặc biệt, không phải chỉ các bác sĩ mà cả điều dưỡng, những ai làm nghề y cũng cần hiểu đây là nghề đặc biệt, phải có đức tính vì mọi người, biết hi sinh vì mọi người. Bởi nghề y là nghề rất vất vả. Có những lúc phải hi sinh trực tiếp lợi ích cá nhân…
Nên suy xét kỹ trước khi chọn nghề y.
Nghề đặc biệt
Tham gia công tác tư vấn hướng nghiệp cho các thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT Quốc gia, xét tuyển vào ĐH, CĐ, GS Nguyễn Hữu Tú cho biết, các em đã có những quan tâm đặc biệt với ngành Y. Tuy nhiên để gắn bó với ngành Y các em cần xác định tư tưởng rõ ràng, có sự quyết tâm đến cùng cho công việc.
GS Tú chia sẻ: Nếu các bạn yêu thích nghề y thì hãy đăng ký thi. Trước hết các bạn hãy tự tin ở khả năng của mình. Các bạn cũng phải suy nghĩ rằng trong ĐH Y Hà Nội, hay một số các trường y khác không chỉ có mỗi ngành Y đa khoa mà còn rất nhiều ngành khác rất cần trong xã hội. Nghề y là nghề đặc biệt, không chỉ bác sĩ mà cả điều dưỡng, những ai làm nghề y cũng cần hiểu đây là nghề đặc biệt. Nghề phải có đức tính vì mọi người, biết hi sinh vì mọi người. Có những lúc phải hi sinh trực tiếp lợi ích cá nhân, thậm chí đổ rất nhiều mồ hôi, nước mắt. Bên cạnh đó cũng cần nhiều đức tính khác như kiên nhẫn, miệt mài, bình tĩnh và cẩn trọng.
Ông cũng nhấn mạnh: Nghề Y cần phải là những người như thế. Các bạn nên suy xét kỹ, nếu thấy mình không thuộc tuýp người có những đức tính này thì nên cân nhắc, để sau này có được công việc phù hợp. “Đã xác định vào ngành y là phải học suốt đời. Khoảng thời gian 6 năm học ở nhà trường chỉ là đào tạo cơ bản bắt buộc, còn muốn thành bác sĩ chuyên khoa, thành người chuyên sâu phải tiếp tục học nữa. Theo luật khám chữa bệnh, các bạn phải có 18 tháng thực hành mới có chứng chỉ hành nghề; thành bác sĩ chuyên khoa phải học ít nhất 2 năm nữa; và muốn vững vàng chữa được bệnh cho người thân gia đình mình với độ tin cậy cao thì tôi nghĩ chắc phải học thêm gấp đôi thời gian đã học trong trường đại học”.
Ông cũng nói rằng, làm bác sĩ cần rất nhiều sức khỏe, vì trực đêm liên tục, bất kể lúc nào bệnh nhân gọi cũng phải có mặt nên làm việc thì nhiều mà ngủ thì ít, cơ hội lây bệnh cũng cao. Nếu bạn nào có sức khỏe yếu thì có thể chọn ngành khác tiêu tốn sức khỏe ít hơn.
Chọn trường, chọn ngành phải có dự quyết tâm
Tiếp tục tư vấn cho các thí sinh yêu thích ngành y, đặc biệt là ĐH Y Hà Nội, GS Tú cho biết: Công tác tuyển sinh của ĐH Y Hà Nội trong năm 2016 không có nhiều thay đổi. Nhà trường vẫn sẽ tuyển sinh khoảng 1.100 chỉ tiêu. Bên cạnh đó sẽ tuyển sinh thêm hệ Bác sĩ đa khoa tại phân hiệu ĐH Y Hà Nội tại Thanh hóa. Vì phân hiệu này thuộc ĐH Y Hà Nội nên tổ chức đào tạo, cấp bằng, các vấn đề liên quan không khác gì ĐH Y Hà Nội. Tuy nhiên để khuyến khích, cũng để tạo điều kiện cho các bạn tham gia học tại phân hiệu này, nhà trường sẽ xét các bạn với mức điểm dự kiến bằng hoặc thấp hơn 1 chút so với lại điểm chuẩn của Y đa khoa tại cơ sở ĐH Y Hà Nội.
Về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia, GS Tú chia sẻ: Nhà trường chuẩn bị chủ yếu các phương án liên quan đến khâu xét tuyển và giám sát. Làm thế nào để công tác xét tuyển nhanh nhất, có kết quả sớm nhất cho thí sinh, tránh những phiền toái cho thí sinh, chủ động cho nhà trường đủ chỉ tiêu sớm, đạt được ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên. Năm nay Bộ GD&ĐT đã có quy định không được rút hồ sơ. Điều này có thuận lợi là không làm xáo trộn quá lớn đối với các trường, cũng như xáo trộn cơ hội. Tuy nhiên đối với các trường sẽ đặt ra vấn đề về tỷ lệ thí sinh ảo lớn.
“Tôi khuyên các bạn thí sinh hãy suy nghĩ kỹ, nếu đã yêu thích ngành nào thì quyết tâm lựa chọn. Thứ hai yêu thích trường nào cũng nên có quyết tâm, đừng quá băn khoăn, dao động. Mỗi người đóng góp 1 chút xáo trộn sẽ làm xáo trộn lớn trong tuyển sinh”.