Phó Chủ tịch Lê Bá Trình tiếp Đại sứ lưu động về tự do tôn giáo
“Ở Việt Nam các tôn giáo cùng đoàn kết dưới mái nhà chung là MTTQ Việt Nam. Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam chủ trương phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xã hội hóa các hoạt động y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, dạy nghề, phòng chống HIV/AIDS, bảo vệ môi trường”.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình tại buổi tiếp ông David
Saperstein, Đại sứ lưu động về tự do tôn giáo quốc tế, Bộ Ngoại giao Mỹ.
Đó là những chia sẻ của Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình tại buổi tiếp ông David Saperstein, Đại sứ lưu động về tự do tôn giáo quốc tế, Bộ Ngoại giao Mỹ đến thăm UBTƯ MTTQ Việt Nam tìm hiểu tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam, dự thảo Luật tín ngưỡng tôn giáo chiều 28/3.
Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch Lê Bá Trình đã thông tin một số tình hình về các tôn giáo Việt Nam hiện nay. Hiện nay, Nhà nước đã công nhận 40 tổ chức thuộc 14 tôn giáo với hơn 22,1 triệu tín đồ các tôn giáo. Bên cạnh các tôn giáo, hiện nay rất đông đảo người dân Việt Nam tham gia các sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng và các hành vi tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống của dân tộc. Ước tính 95% người dân Việt Nam có tín ngưỡng, tôn giáo.
Các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay có khoảng 80 nghìn chức sắc, nhà tu hành, hơn 113 nghìn chức việc, gần 26 nghìn cơ sở thờ tự, cơ sở sinh hoạt tôn giáo đang sử dụng, 102 cơ sở đào tạo, bồii dưỡng chức sắc, nhà tu hành và 761 cơ sở hoạt động từ thiện nhân đạo.
Phó Chủ tịch Lê Bá Trình khẳng định, ở Việt Nam các tôn giáo cùng đoàn kết dưới mái nhà chung là MTTQ Việt Nam. Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam chủ trương phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xã hội hóa các hoạt động y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, dạy nghề, phòng chống HIV/AIDS, bảo vệ môi trường.
Cả nước đã có 269 trường mầm non, 905 nhóm, lớp mầm non độc lập do các cá nhân tôn giáo thành lập chiếm 15,6% so với số trường mầm non ngoài công lập trên phạm vi toàn quốc đã huy động hơn 125 nghìn trẻ đến lớp. Cùng với đó các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã mở được hơn 185 cơ sở khám chữa bệnh với tổng số hơn 1,4 triệu lượt người được khám chữa bệnh…
Các chức sắc, tu hành các tôn giáo đã tích cực tham gia công tác xã hội góp phần vào công việc chung của đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tham gia vào Quốc hội khóa XIII có 10 vị đại biểu đại diện các tôn giáo chiếm tỷ lệ 2%, tham gia HĐND cấp tỉnh là 123 vị, HĐND cấp huyện là 958 vị và HĐND cấp xã là hơn 13 nghìn vị.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình tặng quà lưu niệm
cho ông David Saperstein.
Việt Nam cũng đã xây dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động của các tôn giáo như pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, Nghị định số 92 của Chính phủ. Hiện nay Quốc hội Việt Nam đang xây dựng dự án Luật tín ngưỡng tôn giáo. Dự kiến sẽ được Quốc hội Việt Nam thông qua vào kỳ họp cuối năm 2016.
Theo Phó Chủ tịch Lê Bá Trình, Dự thảo Luật tín ngưỡng tôn giáo có một số điểm mới như đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo tinh thần Hiến pháp 2013, khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền con người chứ không chỉ là quyền công dân như trong các bản Hiến pháp trước đây và quyền này được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm
Dự thảo luật cũng đưa ra các quy định cụ thể rõ ràng về các hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo, về tổ chức tôn giáo, về quan hệ quốc tế của tổ chức các nhân tôn giáo,về tài sản của tổ chức tôn giáo… Các quy định này chính là biện pháp đảm bảo, tạo điều kiện để quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện thuận tiện hơn trong thực tế.
Ông David Saperstein, Đại sứ lưu động về tự do tôn giáo quốc tế, Bộ ngoại giao Mỹ chia sẻ đây là dịp quý báu để hai bên cùng trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những thông tin mà hai bên cùng quan tâm.
Ông David Saperstein khẳng định, thời gian qua Việt Nam đã đạt được những tiến bộ trong cải cách luật pháp và nhân quyền. Đặc biệt những tiến bộ về tự do tôn giáo và đời sống tôn giáo nói chung được thể hiện qua việc các tổ chức tôn giáo tham gia vào các hoạt động giáo dục, từ thiện nhân đạo…
Ông David Saperstein bày tỏ huy vọng dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo đang được Quốc hội Việt Nam xây dựng và thông qua sẽ hướng tới tiến bộ và cởi mở hơn góp phần làm đời sống tôn giáo sinh động hơn…