Dân Trung Quốc chi 'bạo tay' để đi du lịch nước ngoài
Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) trong bản báo cáo công bố hôm 28/3, cho biết khách du lịch Trung Quốc đã chi ra khoản tiền kỷ lục lên tới 215 tỷ USD để đi du lịch ở nước ngoài tính riêng trong năm 2015, tức tăng hơn 53% so với năm 2014.
Ảnh minh họa.
Ngay cả trong bối cảnh thị trường cổ phiếu trong nước liên tục giảm sút và nền kinh tế đang có dấu hiệu chững lại ở Trung Quốc khiến nhiều quốc gia phát triển bị ảnh hưởng, trong đó gồm có Mỹ, thì người dân Trung Quốc vẫn chi khá mạnh tay cho các chuyến du lịch ra nước ngoài của họ. Tính riêng năm 2015, người dân Trung Quốc đã có tổng số 120 triệu chuyến du lịch nước ngoài, báo cáo của WTTC cho hay.
“Phần lớn mức tăng trưởng du lịch ở Trung Quốc do ngày càng có nhiều người dân ở tầng lớp trung lưu đi du lịch nước ngoài” - Chủ tịch WTTC, ông David Scowsill nói.
Du khách Trung Quốc thường thích đi du lịch xung quanh khu vực châu Á khi họ lần đầu tiên ra nước ngoài. Châu Âu và Mỹ cũng là những lựa chọn khá phổ biến với dân Trung Quốc, ngoài ra là các nước có chính sách thị thực thoải mái, báo cáo của WTTC cho hay.
Các địa điểm du lịch ăn khách trên thế giới như Đức, Anh và Iceland cũng bởi vậy mà hưởng lợi rất nhiều từ xu hướng du lịch nước ngoài đang diễn ra ở Trung Quốc, tiếp đến là Australia và New Zealand. Hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng này phải kể đến Nhật Bản, chủ yếu là do đồng Yen của nước này bị giảm giá trong khi Tokyo cũng có chính sách thị thực khá thoáng đối với du khách đến từ Trung Quốc.
Những du khách Trung Quốc lớn tuổi hơn thì thích các tour du lịch theo nhóm, trong khi giới trẻ thường lại hay ra nước ngoài một mình, báo cáo này phân tích xu hướng. Tuy nhiên, tương phản với tỷ lệ du khách ra nước ngoài tăng đột biến, ngành công nghiệp du lịch trong nước của Trung Quốc lại chỉ đạt mức tăng trưởng có 3% do lượng khách nước ngoài đến đây không nhiều.
Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang tăng trưởng ở mức thấp nhất trong suốt 3 thập kỷ qua, chủ yếu do khu vực sản xuất đang trì trệ và nhu cầu hàng hóa trong nước giảm. Nhưng bất chấp đà tăng trưởng thấp này, Bắc Kinh vẫn đưa ra mức dự báo tăng trưởng 6,9% hồi năm ngoái.