Thảo luận Báo cáo nhiệm kỳ của Quốc hội: Tăng cường hiệu quả giám sát

Nhóm PV 29/03/2016 06:05

Ngày 28/3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016); Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng Kiểm toán Nhà nước. Nhiều ý kiến tâm huyết của ĐBQH đã được nêu lên.

Thảo luận Báo cáo nhiệm kỳ của Quốc hội: Tăng cường hiệu quả giám sát

Đại biểu Võ Thị Dung phát biểu tại Hội trường (Ảnh: Hoàng Long).

Đảm bảo tính khả thi của Luật

Tình trạng Nghị định, Thông tư còn to hơn Luật được nhiều ĐB nêu lên khi nhận định về công tác xây dựng pháp luật của QH.

Thảo luận Báo cáo nhiệm kỳ của Quốc hội: Tăng cường hiệu quả giám sát - 1

ĐBQH Khúc Thị Duyền (Thái Bình): Khi làm Luật phải đảm bảo tính khả thi, để có hiệu lực thì thực hiện được ngay nhằm tạo niềm tin trong nhân dân.

Nhắc lại nhiều lần Luật còn phải chờ Nghị định, Thông tư mới thực hiện được, ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) chỉ ra việc Luật thường xuyên điều chỉnh, chưa cụ thể, tạo khoảng trống dẫn tới việc lách Luật, còn có tình trạng “thủ kho to hơn thủ trưởng”, Nghị định, Thông tư to hơn Luật, chưa kể nhiều trường hợp Thông tư hướng dẫn sai Luật khiến ngân sách thiệt hại, nhiều điều khoản không đi vào cuộc sống làm cho nhờn Luật.

Cùng chung quan điểm, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) dẫn chứng: Nhiều Luật có tính khả thi không cao, chưa hiệu lực đã phải đưa ra xem xét lại như điều 60 Luật BHXH, khiến người lao động phản ứng, QH phải ban hành Nghị quyết để điều chỉnh.

“Phải chăng bài học thực tiễn xã hội với lợi ích ý chí của dân là gốc vẫn còn nguyên giá trị”- ông Tám đưa ra câu hỏi và theo ông cũng là câu trả lời.

Theo ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình) chất lượng Luật không cao.

Đơn cử như Luật xử phạt vi phạm hành chính trong đó có quy định Tòa án đưa người cai nghiện vào trung tâm giáo dưỡng có hiệu lực 3 năm nhưng đến nay không thực hiện được.

Hay Luật Người cao tuổi, chúng ta xây nhà cho dân nhưng dân qua đời rồi cũng chưa nhận được nhà. Đó chính là do chúng ta làm Luật nhưng không tính đến yếu tố nguồn lực thực hiện. Khi làm Luật phải đảm bảo tính khả thi, để có hiệu lực thì thực hiện được ngay nhằm tạo niềm tin trong nhân dân. Trong quá trình xây dựng Luật, nội dung nào của ĐB đóng góp không tiếp thu thì phải có giải trình cụ thể; bổ sung chính sách nào vào Luật cũng phải giải trình cho ĐB để ĐB có đầy đủ thông tin trước khi biểu quyết thông qua.

Giám sát phải đến nơi đến chốn

Còn ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, nhiều dự án luật chất lượng chưa cao, chưa ổn định nhưng không có ai chịu trách nhiệm. Cho nên cần xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. “Làm Luật tốn kém nhưng không khả thi thì làm Luật để làm gì?”- ĐB nói.

Đề cập đến vấn đề giám sát, ĐB Huỳnh Nghĩa cho rằng QH là cơ quan quyền lực cao nhất nhưng chưa phát huy hết được quyền lực được giao, chưa đổi mới mạnh mẽ giám sát trong chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại tố cáo chưa cao và chưa “đến nơi đến chốn”. Ông Nghĩa dẫn chứng: Trong bỏ phiếu tín nhiệm và lấy phiếu tín nhiệm, có 3 mức thì làm sao đánh giá được.

Cho nên chỉ cần 2 mức là tín nhiệm và không tín nhiệm, như vậy nhân dân mới tin tưởng. QH còn nặng nợ với cử tri, đánh giá của cử tri rất công bằng, mong rằng bầu cử QH khóa mới sẽ chọn được những ĐB chất lượng hơn, cả ĐB tái cử cũng như mới trúng cử để có quyết sách đúng hợp với lòng dân.

Thảo luận Báo cáo nhiệm kỳ của Quốc hội: Tăng cường hiệu quả giám sát - 2

ĐBQH Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng): Cần đổi mới mạnh mẽ công tác giám sát trong chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại tố cáo. Phải làm đến nơi đến chốn.

Theo ĐB Trương Thị Huệ, giám sát còn nhiều hạn chế, nhất là hiệu quả của giám sát khi chưa truy trách nhiệm. Trong chất vấn và trả lời chất vấn câu nào cũng hỏi trách nhiệm thuộc về ai? nhưng rất ít trả lời.

Từ đó bà Huệ đề nghị, cần đổi mới nội dung giám sát, kết luận giám sát phải có vụ việc cụ thể, nội dung chất vấn phải đủ thời gian để ĐB truy trách nhiệm của người đứng đầu để cho QH và ĐBQH giám sát. Đồng thời cần tiêu chí đánh giá hoạt động của ĐBQH, bởi có ĐB chưa làm đủ trách nhiệm.

Trong khi đó, ĐB Khúc Thị Duyền chỉ ra nguyên nhân khiến giám sát kém hiệu quả là do thời gian giám sát ngắn, chủ yếu nghe báo cáo chứ ít đi giám sát trực tiếp. Do đó để giám sát có hiệu quả nên chọn 1-2 nội dung giám sát tại 1 địa phương, không nên dàn trải mà chỉ cần một lần chuyên sâu, đi trực tiếp chứ đừng nghe báo cáo.

Đặc biệt trong các cuộc giám sát quan trọng thành phần đoàn giám sát phải có lãnh đạo QH tham gia đoàn giám sát để còn chỉ đạo các địa phương thực hiện.

Cần Bí thư sáng tạo, hy sinh vì dân

Dẫn chứng việc nhân dân cả nước rất quan tâm và theo dõi và ủng hộ những bước đi và việc làm của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) đặt câu hỏi “Tại sao lại như vậy”? Và chính ông trả lời “vì hơn lúc nào hết dân khao khát việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”.

Nhấn mạnh “nhân dân chán lắm rồi những cán bộ chỉn chu, trau chuốt với những ngôn từ tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao”, ông Nam nói: “Nhân dân và cán bộ, đảng viên cần những Bí thư lo được cuộc sống, những Bí thư đủ quyền hành nhưng cũng đủ những ràng buộc, trách nhiệm, công khai, minh bạch”.

Còn, ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho rằng, nguyên nhân yếu kém là do QH quá nặng về cơ cấu, ĐB kiêm nhiệm nhiều. Vì cơ cấu nên khó chọn được người tài giỏi. Ví dụ đoàn ĐBQH có 4 người nhưng cơ cấu 2 lãnh đạo thì khó chọn được người tài giỏi, ngay hoạt động của ĐBQH cũng không có đánh giá ai hoạt động tích cực? ai không? “May chăng là có cử tri đánh giá”- theo ông Châu.

Vẫn theo ĐB Phạm Đức Châu, công tác nhân sự làm không khéo thì chính QH lại làm khó QH. Đại biểu Trung ương về địa phương rất ít trong khi địa phương mong muốn rất nhiều. “Tôi không phải đánh giá thấp các đại biểu Trung ương nhưng có phải đại biểu tiêu biểu không hay vì lý do nào khác?”- ông Châu đặt vấn đề.

Đồng quan điểm ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, vì chúng ta nặng về cơ cấu ĐB nên nhiều khi không phản ánh đúng nguyện vọng ý chí của cử tri. Cho nên muốn nâng cao chất lượng ĐBQH thì phải gắn với cử tri nơi người đó ứng cử xem làm được gì cho cử tri nơi đó, nói lên tiếng nói của cử tri.

Nhóm PV