Một số ý kiến thảo luận Báo cáo nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XIII
Ngày 28/3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016); Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng Kiểm toán Nhà nước. Nhiều ý kiến tâm huyết của ĐBQH đã được nêu lên.
Ông Nguyễn Bá Thuyền.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng): Việc nhỏ còn không làm được nói gì việc lớn
Đôi khi QH quyết định ngân sách quá đơn giản. Nhiều vấn đề vượt so với dự toán nhưng vẫn biểu quyết thông qua, như vậy là hình thức. Chúng ta cứ nói QH phải làm việc lớn nhưng việc nhỏ còn không làm được nói gì là việc lớn. Cho nên giám sát lớn là đúng nhưng phải đi vào cụ thể, cử tri chỉ mong đi vào cụ thể, lãnh đạo nào đi vào cụ thể mới hợp lòng dân.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh): Mạnh mẽ xóa bỏ cơ chế xin - cho
QH phải mạnh mẽ để xóa bỏ cơ chế xin - cho, bởi điều này dẫn đến lựa chọn của ĐBQH nói hay không nói, từ đó làm ảnh hưởng đến quyết định các vấn đề của QH, cho nên QH khóa tới cần mạnh mẽ hơn. Đảng Đoàn QH khóa này cần bàn giao cho QH khóa tới đề nghị Bộ Chính trị đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với Đảng Đoàn QH để QH làm sao vừa đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, nhưng QH phải thực chất và là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước và nhân dân, để mở ra không gian chấp hành và quyết định của QH mang tính thực chất.
Bà Võ Thị Dung.
ĐB Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh): Tham nhũng vẫn gia tăng
Tham nhũng lớn, tham nhũng nhỏ, tham nhũng vặt đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người. Phải lót tay, phải chạy, phải lại quả, việc gì cũng cần có phong bì, gây nên một lối sống nguy hại. Tình trạng lãng phí gắn với tham nhũng cản trở sự đi lên của đất nước. Đạo đức giả lấn át đạo đức thật; chủ nghĩa thực dụng phổ biến trong một bộ phận xã hội; dối trá, cướp giật, mất vệ sinh an toàn thực phẩm và nhiều vấn đề xã hội khác đang gây bất an cho nhân dân.
Cử tri và nhân dân lo lắng về sự thiếu kỷ luật kỷ cương trong quản lý điều hành, dẫn đến buông lỏng, đại khái qua loa trong thực hiện, làm giảm hiệu lực chủ trương, chính sách pháp luật; làm trật tự an toàn xã hội suy yếu, làm mất dần động lực phát triển.Nhân dân mong ước bộ máy của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp thực sự tinh hoa, trí tuệ, thật sự liêm chính, tận tuỵ; xã hội kỷ cương, an bình, văn hoá dân tộc được duy trì và phát triển bền vững.
Ông Lê Nam.
ĐB Lê Nam (Thanh Hóa): Báo cáo rất hay nhưng còn nhiều điều “nợ dân nợ nước”
Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội như một bức tranh đẹp có phần lãng mạn, tuy nhiên sau mỗi lần rời nghị trường vẫn còn trăn trở, ưu tư vì còn nợ dân, nợ nước. Trong xây dựng pháp luật, dường như vai trò của Quốc hội, của ĐBQH chỉ ở khâu cuối, nhiều mong đợi của nhân dân, nhiều bức xúc của cuộc sống, nhiều trí tuệ, tâm huyết đã không được đưa vào pháp luật. Đó cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng luật khung, luật ống, luật thì nhiều nhưng nhân dân sốt ruột lo lắng vì nhờn luật, và có một bộ phận trong xã hội tự cho mình đứng trên pháp luật.
Tôi nhớ khi xây dựng Luật Đất đai, nhiều ĐBQH tha thiết đề nghị nên có chính sách điều chỉnh trong giao đất nông nghiệp nên thừa nhận sở hữu tư nhân với đất ở của người dân nhưng không được chấp nhận. Khi đi giám sát việc nông dân trả ruộng và bỏ ruộng mới thấm thía câu có từ lâu, ĐBQH phát biểu rất hay nhưng tiếp thu rất gay, nên giữ nguyên như dự thảo.