Giáo dân Trừng Hải bám biển làm giàu
Giáo xứ Trừng Hải nằm ở hạ lưu sông Loan, xã Quảng Phú (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Là nơi vừa giáp sông, giáp biển nên giáo dân ở giáo xứ Trừng Hải luôn bám biển để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Bà Trần Thị Bích Thủy, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương tặng quà cho bà con giáo dân Giáo xứ Trừng Hải.
Làm kinh tế từ biển
Anh Hoàng Văn Dộng, chủ tàu cá công suất 300CV cho biết: năm mới nhờ thời tiết thuận lợi nên những chuyến ra khơi vừa rồi, ngư dân chúng tôi trúng được luồng cá, trừ đi mọi chi phí, mỗi thuyền cũng thu nhập hơn 250 triệu đồng; chia đều cho mỗi người được khoảng từ 15 đến 20 triệu đồng trong một chuyến biển. Để vươn khơi bám biển dài ngày, thuyền của gia đình chúng tôi đã đầu tư thêm các dụng cụ hỗ trợ kỹ thuật, ngư lưới cụ...
Hiện nay, giáo xứ Trừng Hải có đội tàu thuyền đánh bắt xa bờ hơn 20 chiếc, có công suất từ 150 đến 300CV. Các đội tàu chia thành 4 tổ hợp tác để chia sẻ ngư trường và giúp nhau trên biển. Trong những năm qua, đội tàu đánh bắt xa bờ ở giáo xứ Trừng Hải chủ yếu khai thác nghề câu và chụp mực nên mang lại hiệu quả, thu nhập cho ngư dân.
Không chỉ dừng lại ở đó, các tổ hợp tác đã vươn khơi xa tìm những ngư trường mới với nguồn lợi thủy hải sản dồi dào. Anh Dộng cho biết thêm “các đội thuyền đánh bắt theo tổ hợp tác, theo tọa độ định nên khi tàu thuyền nào trúng luồng cá thì báo cho nhau cùng khai thác hiệu quả và khi gặp vấn đề gì cũng báo cho nhau biết để giúp đỡ”.
Không chỉ phát triển đội thuyền đánh bắt xa bờ, đến nay đội thuyền đi lộng ở giáo xứ Trừng Hải đã có 75 chiếc, với công suất từ 20 đến 40CV. Các đội thuyền cũng chia thành 12 tổ đoàn kết để đánh bắt chung một ngư trường.
Bên cạnh phát triển nghề đánh bắt thủy sản, trong những năm qua, xuất khẩu lao động sang các nước được người dân quan tâm. Nguồn ngoại hối gửi về từ nước ngoài đã tạo điều kiện cho hộ gia đình có thêm nguồn vốn phát triển sản xuất. Hiện nay, toàn giáo xứ có 35 lao động xuất khẩu sang làm việc đánh cá tại Hàn Quốc. Để đảm bảo uy tín trong việc xuất khẩu lao động, tại các buổi thánh lễ, cha xứ thường giáo huấn các giáo dân biết cách làm ăn, làm giàu chính đáng...
Xây dựng nông thôn mới
Phát huy tinh thần yêu nước và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giáo dân giáo xứ Trừng Hải đang ngày ngày góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh; sống “tốt đời đẹp đạo”.
Đến nay, giáo xứ Trừng Hải có khoảng 535 hộ và gần 2.010 giáo dân, với 1 giáo xứ trong đó có 2 giáo họ. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chính quyền địa phương và cha xứ đã gắn bó mật thiết để cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.
Trước đây, các trục đường trong giáo xứ luôn lầy lội vào mùa mưa, bụi bặm vào mùa hè... nên ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con. Để triển khai xây dựng nông thôn mới, cha xứ đã kết hợp với chính quyền địa phương; lồng ghép trong các buổi lễ để nói về mục đích và ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tiếp đó, Hội đồng mục vụ kết hợp với Ban công tác Mặt trận tuyên truyền, động viên giáo dân hiến đất, bờ rào để xây dựng đường bê tông. Mỗi gia đình đóng góp 1 triệu đồng để xây dựng 3 trục đường bê tông từ Quốc lộ 1A về trung tâm giáo xứ; làm vệ sinh, trồng cây xanh ở các trục đường...
Đồng bào giáo xứ Trừng Hải cũng đã tích cực tham gia ủng hộ, xây dựng các quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Vì người nghèo”, “Chung tay vì biển đảo quê hương”, “Rủi ro thiên tai”... Đáng kể, giáo xứ đã thành lập Ban bác ái và quyên góp với số tiền trên 40 triệu đồng/năm nhằm mục đích vào dịp lễ, Tết đến thăm hỏi, động viên và tặng quà có giá trị cho người cao tuổi, người tàn tật và trẻ mồ côi.
Đặc biệt, nghe lời giảng dạy của cha “rồi đây trong sản xuất, việc mua sắm tàu thuyền lớn, máy móc hiện đại, để đảm bảo khai thác năng suất và hiệu quả cao không những chỉ có kinh nghiệm mà đòi hỏi con người phải có trình độ để nắm bắt được khoa học kỹ thuật thì mới làm việc được” nên đến nay, 100% trẻ em trong giáo xứ đã đến trường; có 44 em học đại học, 16 em học cao đẳng...
Bám biển để làm giàu từ biển, nhiều gia đình giáo dân ở giáo xứ Trừng Hải đã mua sắm được tàu thuyền công suất lớn, xây dựng được nhà cửa kiên cố, khang trang. Nhìn những dãy nhà san sát, cao tầng bên bờ sông Loan là kết quả của những năm tháng kiên trì bám biển của ngư dân nơi đây.