Cá chết trắng, người nuôi không biết kêu ai
Những ngày gần đây, ngư dân nuôi cá tại bến Giang, xã Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đành ngậm ngùi lau nước mắt vớt những con cá song chết trắng đổ đi. Thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.
Cá song chết trắng, thiệt hại hàng tỷ đồng.
Cá chết trắng do đâu?
Gần đây, người dân nuôi cá song ở bến Giang phát hiện những con cá trong lồng nuôi của mình có dấu hiệu bị “ngao”, xuất hiện những vết lở loét đỏ trên người, cá dần nổi trên mặt nước. Thấy cá có dấu hiệu lạ, người dân kéo bè xuống khu vực nước sâu hơn để cứu vãn nhưng không kịp.
Trung bình 1 con cá song giống bán được khoảng từ 120 nghìn đồng đến 150 nghìn đồng/con. Nhiều gia đình tiếp tục để nuôi lại những con cá đó bán cá thịt, sau khoảng từ 2 đến 3 năm, cá được khoảng 2 đến 3kg/con, với giá thành từ 250 đến 270 nghìn đồng/1kg. Tuy nhiên, cá chết đầy đồng được người dân mang đi bán với giá từ 10 nghìn đồng đến 40 nghìn đồng, nhưng không ai mua.
Theo thống kê, có khoảng 50 hộ dân nuôi cá tại bến Giang. Hiện tại ở khu vực này mỗi hộ hiện có khoảng 30 lồng nuôi cá, mỗi lồng nuôi thả từ 500 đến 700 con. Trong đó có khoảng 20 hộ nuôi cá bị chết, 3 đến 4 hộ bị thiệt hại nặng nề, cá chết trắng, thiệt hại toàn bộ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này là do chất diệt tạp có trong nguồn nước. Vào ngày 18 đến 19/3 tại đầm tôm bên cạnh có thả chất diệt tạp xuống đầm để khử trùng. Nguyên nhân được xác định do bị rò cống, mực nước của đầm tôm lớn hơn mực nước của sông, chính vì thế các tạp chất bị rò ra ngoài, khiến cho cá được nuôi tại bến Giang chết hàng loạt.
Khi phát hiện cá có dấu hiệu nhiễm độc và đầm bên cạnh đổ chất diệt tạp. Những hộ dân đã kéo cá ra ngoài xa để cứu vãn, đồng thời đắp lỗ cống bị rỉ ra ngoài nhưng không kịp. Ngay sau đó, cá bắt đầu chết hàng loạt. Mỗi ngày, có hộ dân đã phải vớt khoảng 1 tấn cá chết.
Không cách cứu vãn
Gia đình ông Trần Văn Cung thiệt hại khoảng 2000 con cá song thành phẩm khoảng từ 2 đến 3kg, đã nuôi được 3 năm. Cá chết bán không được, gia đình ông phải mang đi tiêu hủy. Bà Đỗ Thị Tâm vợ của ông Cung không cầm được nước mắt cho biết: Công sức 3 năm trời của cả gia đình giờ đổ xuống sông, xuống biển hết. Cá đã chết lại còn phải tận tay đi vớt mang đi hủy để giữ vệ sinh nguồn nước. Chỉ tính ngay việc vớt cá chết cũng đủ mệt.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tiệm có 36 lồng cá, được 4 anh em chung vốn để làm. Tuy nhiên cá chết trắng, giờ họ cũng hoang mang và không biết sau này mình sẽ như thế nào. Bởi bao nhiêu tiền của họ đổ vào đầu tư cho đàn cá, nhà nào không có thì vay mượn để làm, nhưng cuối cùng tay trắng.
Ông Đại Thành, chủ đầm tôm nơi người dân cho rằng là nguồn chất diệt tạp khiến hàng loạt lồng cá chết cho biết: Tôi có diệt tạp vào tuần trước, nhưng không ảnh hưởng đến việc chết cá của người dân. Bởi lúc nghe họ phản ánh là bị rò cống, tôi cũng ra đắp lỗ cống lại rồi. Nó chỉ bị rò một chút nhỏ thôi. Cá chết là do thời tiết quá lạnh hoặc dịch bệnh, không liên quan gì đến việc diệt tạp chất…”
Về phía chính quyền địa phương, ông Nguyễn Xuân Cương (Phó chủ tịch xã Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) khẳng định rằng: “Các hộ dân nuôi cá ở bến Giang là hoàn toàn trái phép, bởi đây là nơi neo đậu của tàu thuyền, không được phép nuôi trồng thủy, hải sản. Chính vì thế trong thiệt hại này, chính quyền địa phương không có chính sách nào để giúp đỡ được họ”.
Thiệt hại lên đến hàng tỉ đồng, tuy nhiên các hộ dân nuôi cá tại bến Giang giờ không biết trách ai, kêu ai…