Khẩn trương khắc phục sự cố sập cầu Ghềnh
Sự cố sập cầu Ghềnh khiến hàng hóa bị ùn ứ, ga Biên Hòa quá tải, doanh nghiệp vận tải phải gồng thêm chi phí trung chuyển trong khi khách đi tàu mệt mỏi bởi bị gián đoạn hành trình. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường thì phải mất ít nhất 3-5 tháng để khắc phục sự cố này.
Ga Biên Hòa đang chịu áp lực vận chuyển hành khách Bắc - Nam.
Ga Biên Hòa quá tải
Trong những ngày qua, các cơ quan, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai đã tiến hành bó lại dây cáp viễn thông và cắm lại biển báo hướng dẫn trên đường Hưng Đạo Vương (TP Biên Hòa), tuyến đường dẫn thẳng vào Ga Biên Hòa. Lực lượng công an, quân sự cũng được tăng cường tối đa để điều tiết giao thông, đảm bảo trật tự an ninh khu vực. Nhân viên của nhà ga cũng được tăng cường toàn lực để hỗ trợ vận chuyển hàng hóa cho khách.
Ghi nhận của chúng tôi tại Ga Biên Hòa, công tác vận chuyển hành khách vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, do Ga Biên Hòa trở thành ga vận tải hành khách cuối cùng trên hành trình Bắc – Nam một cách bất đắc dĩ, cộng với số lượng nhân viên phục vụ được tăng cường, đã khiến nhà ga này trở nên quá tải. Theo Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, kể từ 13 giờ 30 phút ngày 20/3 đến 14 giờ ngày 21/3, tổng công ty đã thực hiện chuyển tải cho 5.000 hành khách an toàn từ Ga Biên Hòa đến TP HCM. Về công tác vận chuyển hàng hóa, trước mắt có hơn 1.000 tấn hàng hóa nhận vận chuyển của khách hàng đã được bốc xếp từ Ga Sóng Thần (Bình Dương) về Ga Hố Nai (Đồng Nai).
Theo chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, các nhân viên của Công ty CP tư vấn thiết kế Cảnh – kỹ thuật biển đã đưa thiết bị 3D (thiết bị dùng để quét chướng ngại vật dưới nước) vào hiện trường vụ sập cầu Ghềnh để dò quét và xác định vị trí, cũng như hiện trường phần chìm dưới mặt nước của cầu Ghềnh nhằm đưa ra phương án trục vớt tối ưu nhất.
Kỹ sư Nguyễn Tân Sơn (Công ty CP tư vấn thiết kế Cảnh – kỹ thuật biển) cho biết, đây là thiết bị dò quét chướng ngại vật dưới nước hiện đại bậc nhất hiện nay. Thiết bị này có khả năng dò quét được các chướng ngại vật dưới nước ở độ sâu lên đến cả ngàn mét. Khi rà quét, thiết bị này sẽ thu lại những hình ảnh của chướng ngại vật bên dưới, sau đó truyền về hệ thống máy tính ở trên để cung cấp các hình ảnh chính xác nhất của vật bị chìm.
Ngoài thiết bị trên, Công ty CP Tư vấn thiết kế Cảnh – kỹ thuật biển còn đưa thêm máy hồi âm độ sâu để cùng với thiết bị trên cung cấp đầy đủ hình ảnh phần cầu chìm để có phương án trục vớt.
Các phương án khôi phục
Về phương án khắc phục cầu Ghềnh, đơn vị tư vấn đưa ra 3 phương án và Bộ GTVT đã chọn phương án 2, với thời gian khôi phục cầu trong khoảng 4 tháng. Đối với phương án này, đơn vị tư vấn có 2 kịch bản. Kịch bản 1 là giữ lại trụ cầu cho thay thế cả 3 nhịp; sử dụng dầm vòm 75m giống với cầu cũ và kịch bản này phải làm thêm nhịp 1, nhịp 3, không phải gia cố 2 trụ: T1, T3 còn lại.
Đây là phương án đảm bảo cho an toàn khai thác và chủ động hoàn toàn khâu thiết kế. Đơn vị thi công có thể sớm triển khai sản xuất các dầm thép trong vòng 2 tháng rưỡi; hai trụ chính giữa sông sẽ được làm bằng cọc bê tông cốt thép khoan nhồi, toàn bộ mố cũ được giữ lại.
Kịch bản 2 làm tương tự như kịch bản 1, nhưng sẽ nâng tối đa cầu lên trong điều kiện có thể để tăng tĩnh không thông thuyền (tăng khoảng 1,2m so với hiện tại).
Riêng vấn đề trục vớt cầu, hiện cũng đã có đơn vị đưa ra phương án thứ nhất là cắt nhịp bị gãy rồi di dời vào trong bờ và phương án thứ hai là cắt nhỏ từng phần rồi đưa vào. Với phương án cắt ngầm, sẽ tốn thời gian khoảng 15 ngày, còn phương án thứ hai sử dụng phương pháp cắt trên không, tức là dùng 2 cẩu 250 tấn treo kết cấu lên, sau đó cắt thành từng khối 30 tấn rồi di dời vào bờ. Phương án này trong vòng 10 ngày đơn vị thi công sẽ hoàn tất.